Lãnh đạo địa phương còn ngại, né tránh khi tiếp công dân
Tại hội thảo, nhiều tham luận đã nêu bật vai trò, trách nhiệm của ngành thanh tra trong việc xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo; hoạt động của ngành thanh tra thời gian qua, các giải pháp nâng cao chất lượng thanh tra; thảo luận các nội dung và phương thức đổi mới ngành thanh tra.
TS. Lê Tiến Hào, nguyên Phó Tổng TTCP trong tham luận “Vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lê Nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác thanh tra” cho rằng, đổi mới công tác thanh tra thời gian tới phải bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm của từng địa phương và từng ngành, lĩnh vực trong từng thời gian; công tác thanh tra phải góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện chính sách, pháp luật. Qua việc thanh tra sẽ phát hiện những sơ hở, bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Theo TS. Lê Tiến Hào, đây là mục đích đầu tiên của hoạt động thanh tra.
“Kiểm soát quyền lực nhà nước, đặc biệt là kiểm soát quyền lực trong hệ thống hành pháp là một trong những yêu cầu của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong đó, công tác thanh tra phải phòng ngừa, phát hiện và kiến nghị xử lý nghiêm khắc những hành vi lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực”, TS. Lê Tiến Hào nói về xây dựng bộ máy và đội ngũ cán bộ trong sạch của ngành thanh tra.
Chia sẻ thêm tại hội thảo, TS. Lê Tiến Hào cho rằng, công tác thanh tra luôn gắn chặt với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Do đó, phải xác định giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo của người dân là sự tôn trọng quyền dân chủ của nhân dân trong xây dựng chính quyền nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, của nhà nước.
Tham luận góp ý nâng cao chất lượng công tác thanh tra, đặc biệt là công tác tiếp công dân trước yêu cầu đổi mới, ông Nguyễn Hồng Điệp – Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương (TTCP) cho hay, có thực tế trong quá trình tiếp công dân, một số địa phương thiếu sự quyết liệt, quyết tâm của lãnh đạo; lãnh đạo nhiều địa phương còn ngại, né trách trong việc tiếp công dân định kỳ theo quy định của pháp luật, tiếp công dân còn nặng về hình thức, chưa thực sự hiệu quả.
Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương cũng thừa nhận, việc bố trí cán bộ làm công tác tiếp công dân, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo còn thiếu kinh nghiệm công tác, hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, chưa đáp ứng yêu cầu, tương xứng với trách nhiệm được giao. Nhiều nơi cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân thiếu tận tụy, chưa toàn tâm, toàn ý với công việc, thiếu thân thiện, thiếu tôn trọng, thiếu lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân.
Để làm tốt việc tiếp dân, ông Nguyễn Hồng Điệp đề nghị ngoài việc nâng cao năng lực, phẩm chất cán bộ, trình độ chuyên môn ra còn cần giữ vững nguyên tắc trong đối thoại, giao tiếp không để cái tôi lấn át công việc; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước và công dân; bình đẳng trong giao tiếp.
Hoàn thiện thể chế trong công tác thanh tra
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (TTCP) cho biết, việc xây dựng thể chế của cơ quan TTCP thời gian qua vẫn còn hạn chế. Hiện, TTCP đang nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra 2010 theo định hướng nâng cao tính hệ thống của các cơ quan thanh tra, tăng tính độc lập “tương đối” của cơ quan thanh tra trong quan hệ với cơ quan và Thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp; đồng thời, tăng thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan thanh tra trong việc chỉ đạo, phối hợp hoạt động giữa thanh tra các bộ, ngành, địa phương và xử lý kết quả thanh tra; phân định rõ hoạt động thanh tra hành chính với hoạt động thanh tra chuyên ngành.
Cũng theo ông Tuấn, Luật Thanh tra sửa đổi dự kiến sẽ làm rõ địa vị pháp lý của các cơ quan thanh tra phù hợp với chức năng, nhiệm vụ thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng. Tăng cường tính tập trung thống nhất, chủ động và tự chịu trách nhiệm trong tổ chức và hoạt động thanh tra.
TTCP sẽ tập trung thanh tra việc thực hiện trách nhiệm quản lý của các bộ ngành, địa phương; quyết định tiến hành thanh tra khi phát hiện có vi phạm; thực hiện các cuộc thanh tra phức tạp, liên quan đến trách nhiệm của nhiều ngành, nhiều cấp, những vụ việc được xã hội đặc biệt quan tâm hoặc theo yêu cầu của Thủ tướng; thanh tra lại những vụ việc mà các bộ ngành đã tiến hành thanh tra, kiểm tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm. Dự kiến, cơ quan thanh tra nhà nước ở tỉnh sẽ thực hiện các cuộc thanh tra trên địa bàn tỉnh theo yêu cầu của TTCP và đề nghị của Chủ tịch UBND cùng cấp xuất phát từ yêu cầu của công tác quản lý trên địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Tuấn cũng thông tin, trong công tác phòng, chống tham nhũng, cơ quan thanh tra giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng. Việc phát hiện và xử lý tham những chủ yếu được thực hiện qua công tác thanh tra và giải quyết tố cáo đối với vi phạm khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; trong việc sử dụng và quản lý vốn và tài sản của nhà nước trong các doanh nghiệp nhà nước... Đặc biệt, các cơ quan thanh tra thực hiện thật tốt nhiệm vụ của mình trong việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn theo Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, trong đó cơ quan thanh tra trở thành cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập bán chuyên trách với rất nhiều trách nhiệm. Tăng thẩm quyền cho cơ quan thanh tra và thủ trưởng cơ quan thanh tra trong việc chủ động ra quyết định thanh tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật được phát hiện qua thanh tra…
Lãnh đạo TTCP khẳng định, từ kết quả hội hảo này sẽ là cơ sở để TTCP trình các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi Luật Thanh tra năm 2010.