Kinh phí quản lý bệnh không lây nhiễm rất hạn chế, không ổn định và cấp muộn

Nguồn kinh phí để duy trì hoạt động quản lý bệnh không lây nhiễm chủ yếu được đầu tư từ các chương trình, dự án, kinh phí địa phương rất hạn chế, không ổn định và cấp muộn. Trong khi đó, bệnh không lây nhiễm chiếm khoảng 73,7% tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong.

Tiếp tục phiên họp thứ 22, sáng 11-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.

Quang cảnh phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Quang cảnh phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Bệnh không lây nhiễm chiếm tới 73,7% tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong

Theo báo cáo đã được gửi đến UBTVQH, hành lang pháp lý để quản lý bệnh không lây nhiễm ngay từ cơ sở chưa đầy đủ. Trong khi đó, giai đoạn 2011-2020, mô hình bệnh tật tại Việt Nam diễn biến theo xu hướng gia tăng ngày càng trầm trọng các bệnh không lây nhiễm.

Năm 2019, gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm đang chiếm tới 73,7% tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong toàn quốc, trong đó bệnh tim mạch chiếm 20,5%, ung thư 13,3%, bệnh hô hấp mãn tính 4% và đái tháo đường chiếm 3,9% tổng gánh nặng bệnh tật. Các rối loạn tâm thần kinh (bao gồm rối loạn tâm thần, động kinh, sa sút trí tuệ...) chiếm 5,3% tổng số tử vong và gây ra gánh nặng bệnh tật rất lớn.

Sự thay đổi mô hình bệnh tật với tình trạng gia tăng bệnh không lây nhiễm đòi hỏi tuyến y tế cơ sở không chỉ tập trung vào điều trị ban đầu, mà còn cần thực hiện tốt việc quản lý sức khỏe để kiểm soát bệnh tật cho người dân và quản lý cả các yếu tố nguy cơ gây bệnh.

Chẳng hạn, ước tính thành phố Hà Nội hiện có trên 30% dân số bị huyết áp, hơn 10% người dân mắc đái tháo đường, 0,3% người dân cần phải quản lý các bệnh tâm thần… Đây là những bệnh không lây nhiễm, bệnh mãn tính cần được chăm sóc tại tuyến y tế cơ sở. Trong khi đó, nhiều vướng mắc trong thanh toán, quyết toán bảo hiểm y tế vẫn chưa được giải quyết triệt để. Một số địa phương phản ánh không được thanh toán số tiền khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế vượt so với dự toán được giao; một số danh mục kỹ thuật, y tế tuyến xã có thể thực hiện được, nhưng không đáp ứng đủ yêu cầu về nhân lực theo yêu cầu để thanh toán bảo hiểm y tế; một số cơ sở y tế không được thanh toán số tiền khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế vượt so với dự toán được giao…

Đoàn giám sát nhận định, các văn bản pháp luật tuy được ban hành nhiều, nhưng còn tản mát, chưa tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho công tác y tế dự phòng, chưa có luật để quản lý bệnh không lây nhiễm.

Kinh phí rất hạn chế, không ổn định và cấp muộn

Bên cạnh vướng mắc về khuôn khổ pháp lý, nhận thức về phạm vi, chức năng y tế dự phòng chưa có sự thống nhất giữa các địa phương. Hệ thống y tế dự phòng có nơi còn thiếu ổn định, mạng lưới y tế dự phòng chưa tham gia đầy đủ vào hệ thống khám, phát hiện sớm, tư vấn và dự phòng bệnh không lây nhiễm mạn tính. Đặc biệt, nguồn kinh phí để duy trì hoạt động quản lý bệnh không lây nhiễm chủ yếu được đầu tư từ các chương trình, dự án, kinh phí địa phương rất hạn chế, không ổn định và cấp muộn. Điều này làm ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch được giao.

Một số trạm y tế chưa làm tốt công tác quản lý bệnh không lây nhiễm, quản lý sức khỏe cá nhân, chăm sóc sức khỏe cho một số đối tượng cần quan tâm; một số trạm y tế xã chỉ thực hiện quản lý người bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường nhưng không được cấp phát thuốc. Kinh phí cho hoạt động về bệnh ung thư, hen phế quản... còn hạn chế; tỷ lệ người dân chưa có thẻ bảo hiểm y tế tại một số địa phương chiếm tỷ lệ cao, gây ảnh hưởng tới hiệu quả quản lý, điều trị bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm.

Kết quả giám sát bước đầu cũng cho thấy, tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng, thách thức cho y tế dự phòng rất lớn, song y tế dự phòng vẫn chưa thực sự được đánh giá đúng tầm quan trọng, nhiều người dân vẫn chưa thấm nhuần tư tưởng “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Tỷ lệ trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm tăng từ 56,7% năm 2016 lên 86,2% năm 2022. Tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng được duy trì dưới 0,3%, giảm người nhiễm mới bền vững trong 10 năm qua. Tỷ lệ người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản được phát hiện ở giai đoạn sớm trước khi có biến chứng đạt 35%; tỷ lệ được phát hiện và điều trị đạt 39,3%. Có 88% số xã/phường triển khai quản lý điều trị bệnh tâm thần phân liệt; 80% số xã/phường triển khai quản lý điều trị bệnh động kinh; 85% số bệnh nhân được điều trị ổn định trong số bệnh nhân được phát hiện và quản lý. Nhiều trạm y tế đã triển khai hoạt động theo nguyên lý y học gia đình.

TPHCM đã ra mắt 46 trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình; tỉnh Tây Ninh triển khai hoạt động quản lý tăng huyết áp và đái tháo đường theo nguyên lý y học gia đình; tại Vĩnh Long, 55% trạm y tế triển khai mô hình y học gia đình.

Tin cùng chuyên mục