Chiều 22-6, Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức lễ tiễn 2 bệnh nhân đặc biệt ra viện. Việc cứu sống được 2 bệnh nhân này thực sự là một kỳ tích của nền y học Việt Nam.
Theo đó, bệnh nhân thứ nhất được cứu sống và ra viện là chị Mai Thị L. (34 tuổi, ở Tuyên Quang) bị sốc phản vệ nguy kịch, biến chứng ngừng tuần hoàn và suy đa tạng.
Trước đó, chị L. được đưa đến Bệnh viện Hùng Vương (Phú Thọ) trong tình trạng sốc phản vệ, rồi bị hôn mê, co giật, suy hô hấp nặng và ngừng tuần hoàn. Trước diễn biến nguy kịch của bệnh nhân, lãnh đạo Bệnh viện Hùng Vương đã gọi điện đề nghị GS. Nguyễn Gia Bình, Khoa Hồi sức Tích cực Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ giúp đỡ.
Xác định đây là trường hợp phản vệ nguy kịch, biến chứng ngừng tuần hoàn, suy đa tạng cần phải chuyển ngay về Bệnh viện Bạch Mai để hỗ trợ tim phổi nhân tạo (ECMO), các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai đã phối hợp Bệnh viện Hùng Vương khẩn trương chuyển bệnh nhân L. về Bệnh viện Bạch Mai ngay sau đó.
Khi về đến Bệnh viện Bạch Mai, tình trạng của bệnh nhân L. đã bị suy 5 tạng, suy tuần hoàn nặng, nhịp tim rối loạn và được chẩn đoán bị phản vệ nguy kịch với biến chứng ngừng tuần hoàn, chảy máu phổi. Tim đập rời rạc rất yếu nên các bác sĩ không thể cho bệnh nhân dùng thuốc mà phải thực hiện kỹ thuật ECMO ngay lập tức. Chỉ sau 15 phút bệnh nhân nhập viện, máy ECMO đã được kết nối với bệnh nhân. Có sự hỗ trợ của máy ECMO, nhịp tim của bệnh nhân L. giảm từ 170 xuống 120 và 80 lần/phút nhưng sau đó lại ngừng đập. Điện tâm đồ là đường thẳng, tim gần như không co bóp. Tình trạng này kéo dài liên tục 5 ngày, bệnh nhân rơi vào hôn mê, chảy máu nhiều nơi.
Tuy nhiên, các bác sĩ Khoa Hồi sức Tích cực của bệnh viện vẫn kiên trì cứu chữa trong hoàn cảnh "còn nước còn tát". Và sau hơn một tháng được nỗ lực điều trị, bệnh nhân đã được cứu sống và xuất viện về nhà.
Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân Tòng Văn B. (62 tuổi) được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai đêm 22-5 trong tình trạng hôn mê, liệt nửa người, bụng chướng, suy hô hấp, sốc.Theo GS. Nguyễn Gia Bình, đây là trường hợp đầu tiên mà tim ngừng hoạt động trong thời gian dài nhưng được cứu sống khỏi tử thần với hỗ trợ của hệ thống ECMO.
Qua hội chẩn toàn viện, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân B. bị nhồi máu não, viêm tụy cấp, tăng áp lực thẩm thấu biến chứng suy đa phủ tạng. Tuy nhiên, nhờ được điều trị kịp thời, đúng phác đồ, chỉ sau 3 ngày được hồi sức tích cực, bệnh nhân thoát sốc, tình trạng suy đa tạng cải thiện. Ít ngày sau, bệnh nhân đã bỏ được máy thở, rồi tiếp tục được chăm sóc đặc biệt, kết hợp phục hồi chức năng tại giường.
Sau một tháng, bệnh nhân đã tỉnh hoàn toàn, ăn uống bình thường và bắt đầu tập đi. Đến nay, sau 45 ngày, từ nguy kịch tưởng khó qua khỏi, bệnh nhân đã hồi phục gần như hoàn toàn, đường huyết, huyết áp được kiểm soát ổn định và đủ điều kiện ra viện.
Theo PGS. Đào Xuân Cơ, Trưởng Khoa Hồi sức Tích cực Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân Tòng Văn B. là trường hợp nhiều bệnh phức tạp, vừa bị nhồi máu não cấp tính ở bệnh nhân tăng áp lực thẩm thấu do đái tháo đường lại thêm viêm tụy cấp biến chứng suy đa tạng với tiên lượng tử vong rất cao. Trên thế giới, những bệnh nhân đã suy 5/6 tạng như ông B. thì việc tử vong là gần như chắc chắn song bệnh nhân đã được cứu sống.