Mỗi chủ đề tại lễ khai khóa là những thông điệp và gửi gắm những kỳ vọng của đất nước đến thế hệ sinh viên ĐHQG TPHCM nói riêng, sinh viên cả nước nói chung.
Lễ khai khóa của ĐHQG TPHCM là điểm kết chuỗi các ngày hội chào năm học mới của những đơn vị thành viên và trực thuộc. Với ĐHQG TPHCM, lễ khai khóa không chỉ là sự kiện truyền thống mà còn mang bản sắc riêng bởi giúp khơi dậy niềm tự hào, ý thức trách nhiệm của sinh viên khi được học tập và rèn luyện tại một ĐH hàng đầu của Việt Nam và khu vực.
PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc ĐHQG TPHCM, chia sẻ: “Mỗi năm, ngày hội này thu hút hàng ngàn cựu sinh viên tiêu biểu, học sinh, sinh viên xuất sắc đạt nhiều thành tích cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế, Olympic quốc gia, các cuộc thi học thuật và nghiên cứu khoa học. Các lễ khai khóa vừa qua, ĐHQG TPHCM vinh dự được đón tiếp nhiều đồng chí lãnh đạo Trung ương và địa phương đến tham dự và làm diễn giả. Mỗi năm là một chủ đề thời sự có sức thu hút và thiết thực”.
Có thể kể đến như, năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm diễn giả với chủ đề “ĐHQG TPHCM đối với đổi mới và hội nhập của giáo dục ĐH Việt Nam”. Năm 2013, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải làm diễn giả với chủ đề “Tuổi trẻ và TPHCM hội nhập ASEAN vào năm 2015”.
Năm 2014, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói chuyện với chủ đề “Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế và vai trò của ĐHQG TPHCM”.
Đến năm 2015, Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân trao đổi với sinh viên về chủ đề “Sự phát triển của KH-CN Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế”.
Năm 2016, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chia sẻ với chủ đề “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 - Thời cơ phát triển và các thách thức phi truyền thống”.
Năm 2017, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đến trao đổi về chủ đề “Sinh viên với khởi nghiệp”.
Những thông điệp của các diễn giả đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và truyền cảm hứng phấn đấu học tập, nghiên cứu cho sinh viên ĐHQG TPHCM. Trong đó, đặc biệt là trách nhiệm của những người chủ tương lai của đất nước.
Lễ khai khóa thành giảng đường học thuật
Với những chủ đề thời sự, cách diễn giải gần gũi, cởi mở và thẳng thắn của các đồng chí lãnh đạo, lễ khai khóa không trở nên nhàm chán, gò bó mà là những buổi trao đổi học thuật giữa người nói và người nghe.
Đơn cử như buổi nói chuyện trong lễ khai khóa 2018 của đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, với hơn 1.000 sinh viên ĐHQG TPHCM về chủ đề “Vai trò của ĐH đối với phát triển kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập”.
Trong bài phát biểu của mình, đồng chí Nguyễn Văn Bình đã truyền cảm hứng tới sinh viên cách hiểu đúng về khái niệm “người giàu”. Từ câu chuyện thời còn trẻ của mình, đồng chí nhấn mạnh: “Khi còn trẻ, chúng tôi không hình dung được sứ mệnh của mình. Sau 40 năm rời ghế nhà trường, tôi thấy rằng sứ mệnh là có thật. Do đó, các bạn sinh viên bây giờ là người giàu có nhất, là những người vĩ đại nhất. Các bạn có thể mơ đến những vấn đề cực kỳ to lớn, thậm chí mơ đến việc cả thế giới nằm trong tay các bạn”.
Trước đó, tại lễ khai khóa năm 2017, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đã bàn luận cùng sinh viên về phong trào khởi nghiệp bằng những kinh nghiệm thực tế của thế giới đến thực tại của Việt Nam. Đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM đã nêu lên những thách thức đối với sinh viên trên con đường khởi nghiệp sáng tạo, đó là “1 có, 3 không”. Cái có duy nhất là quyết tâm và 3 cái không là không kinh nghiệm, không tiền, không đất.
Để khởi nghiệp thành công, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đã dành lời khuyên: Khởi nghiệp sáng tạo cần có năng lực nghiên cứu, phải tham gia nghiên cứu từ trong nhà trường. Khởi nghiệp sáng tạo phải gắn với tiềm năng nghiên cứu khoa học, chính nhờ các trường ĐH để tạo bứt phá trong lĩnh vực này. Khởi nghiệp sáng tạo không có nghiên cứu là không làm được. Song song đó, nghiên cứu trong khởi nghiệp sáng tạo phải có sản phẩm đầu ra và phải làm sao để sản phẩm đưa ra phải đáp ứng được nhu cầu của thị trường.