Kỳ vọng thông qua một đạo luật đã chín, đã rõ

Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XV, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội khóa XV xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được thảo luận tại 2 kỳ họp Quốc hội, hàng trăm cuộc hội thảo lớn nhỏ và đặc biệt là đã được phổ biến rộng rãi để lấy ý kiến nhân dân. Có lẽ, từ sau đợt lấy ý kiến nhân dân để xây dựng Hiến pháp 2013, đây là đợt lấy ý kiến xây dựng pháp luật được tổ chức sâu rộng nhất: tính đến hết ngày 2-4 (thời hạn chót), đã có gần 11,7 triệu lượt ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý vào dự thảo luật.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội lần này gồm 16 chương và 265 điều; bỏ 4 điều, bổ sung 6 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5. Trong đó, để khắc phục tình trạng quy hoạch treo hàng chục năm khiến người dân trong vùng quy hoạch gặp nhiều khó khăn, bị hạn chế quyền lợi trong việc sử dụng đất, dự thảo đã có nhiều quy định được người dân ghi nhận, đồng tình.

Chẳng hạn, Điều 51 nêu rõ, diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được phê duyệt thu hồi để thực hiện dự án hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau 3 năm chưa có quyết định thu hồi hoặc chưa được phép chuyển mục đích thì phải điều chỉnh hoặc hủy bỏ và phải công bố việc điều chỉnh hoặc hủy bỏ. Trường hợp cơ quan chức năng không thực hiện, người sử dụng đất không bị hạn chế về các quyền sử dụng đất đã được pháp luật quy định. Đối với những dự án đầu tư công, nếu quá 5 năm chưa thực hiện thì người dân trong vùng quy hoạch được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định.

Một nội dung mới, nhận được sự quan tâm của người dân là liên quan đến thu hồi đất. Dự thảo đã liệt kê 31 trường hợp thu hồi đất theo 3 nhóm: thu hồi đất để xây dựng công trình công cộng; thu hồi đất để xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng khác. Trước đó, tại các diễn đàn góp ý xây dựng luật đã diễn ra một cuộc tranh luận khá sôi nổi giữa 2 quan điểm: quy định chung hay liệt kê cụ thể; “chọn cho” hay “chọn bỏ” (quy định những trường hợp không thu hồi, ngược với “chọn cho”).

Lĩnh vực tài chính đất đai, cụ thể là giá đất, cũng sẽ có những thay đổi quan trọng. Với quy định như dự thảo luật, địa phương có thể điều chỉnh giá đất tăng lên theo nguyên tắc thị trường và phù hợp với giá thị trường trong điều kiện bình thường, không phụ thuộc vào bảng giá đất. Việc xác định nghĩa vụ tài chính đối với người dân sẽ do địa phương quyết định, ổn định trong 5 năm và không vượt quá 20% so với kỳ trước…

Tinh thần của cơ quan soạn thảo, thẩm tra - như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiều lần khẳng định - là sẵn sàng tiếp thu, chỉnh lý dự thảo đến tận phút cuối cùng. Theo Chủ tịch Quốc hội, sửa đổi Luật Đất đai là một trong những nội dung lập pháp quan trọng nhất năm 2023 cũng như cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Bởi, đây là đạo luật giữ vai trò “luật mẹ” trong hệ thống pháp luật về đất đai, tác động tới hầu hết các ngành, lĩnh vực, chủ thể trong xã hội.

Sau thời gian chờ đợi khá lâu, với nhiều lần “lỗi hẹn” vì bị tác động bởi các yếu tố khách quan, người dân đang hết sức mong đợi đạo luật được thông qua. Tất nhiên, đó phải là một đạo luật với những quy định đã chín, đã rõ, đảm bảo tính công khai, minh bạch, công bằng tối đa ở thời điểm hiện nay.

Tin cùng chuyên mục