Lại nói về an toàn sức khỏe

Đã có một thời chuyện ướp formol trong bánh phở để tăng độ dai; chuyện phun hóa chất độc hại vào rau để phòng trừ sâu hại... gây xôn xao dư luận. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian cơ quan chức năng đi kiểm tra, kết luận, xử phạt... thí điểm một số cơ sở thì mọi chuyện dường như đâu lại vào đấy.

Cho đến thời gian gần đây, khi một loạt cơ quan báo chí tiếp tục phản ánh về tình trạng “loạn hóa chất trong thực phẩm”, thì người dân lại một phen “tá hỏa” vì sức khỏe của mình giờ đây nằm hoàn toàn trong tay của các nhà... buôn bán, chế biến thực phẩm.

Theo các nhà chuyên môn, hóa chất chủ yếu chỉ được dùng vào mục đích công nghiệp. Tuy nhiên, do yêu cầu bảo quản, chế biến thực phẩm, sau khi nghiên cứu, thử nghiệm, người ta có cho phép sử dụng một số phụ gia vào mục đích này, song với liều lượng rất hạn chế và phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về an toàn sức khỏe.

Thế nhưng thực tế, đặc biệt tại TPHCM và Hà Nội, hầu như không một thứ thực phẩm nào bày bán tại các chợ có thể đảm bảo với người tiêu dùng là không nhiễm hóa chất. Người ta thường nói mua hóa chất bây giờ dễ và rẻ hơn mua... rau, hoàn toàn là sự thật.

Ở TPHCM, bước đến chợ Kim Biên, muốn mua bất cứ loại hóa chất, phụ gia nào với số lượng bao nhiêu cũng có. Tại Hà Nội, bước vào nhiều chợ như Đồng Xuân, chợ Hôm... tình hình cũng chẳng kém cạnh. Trong khi tất cả những thứ này đều được bày bán công khai thì chúng không hề được ghi nguồn gốc xuất xứ, thành phần hóa học, tính năng kỹ thuật hay hướng dẫn sử dụng.

Và một sự thật hãi hùng là thay vì mua chất diêm sinh (giá chỉ 10.000đ/kg) về để sản xuất diêm quẹt thì người ta lại dùng chúng để làm trắng miến, bún tỏi hay tạo màu vàng “ngon mắt” cho măng. Lợi dụng tâm lý “cà phê phải đắng, phải nhiều bọt mới ngon”, nhiều người mua chất tạo đắng, chất tạo bọt dùng chế biến xà phòng (CMC) để cho vào. Thậm chí, mới đây tại Hà Nội người ta còn phát hiện chủ các quán ăn tán tận lương tâm dùng cả chất tẩy rửa toilet để... hầm thịt, xương cho mau mềm...

Không ai trong chúng ta không biết đến hậu quả của hóa chất độc hại dùng trong thực phẩm? Tiếc thay, nhiều người kinh doanh thiếu lương tâm, vì ích lợi trước mắt của bản thân - lại nhẫn tâm mang “cái chết từ từ” đến cho đồng loại.

Theo một nghiên cứu do Hội Phòng chống ung thư Việt Nam thực hiện được công bố hồi tháng 5-2006, trung bình mỗi năm Việt Nam phát hiện khoảng 7.000 ca ung thư gan, hơn 10.000 ca ung thư dạ dày, 10.300 trường hợp ung thư phế quản, 2.500 ca ung thư máu, trên 7.000 ca ung thư vú... Trong đó, ung thư gan và ung thư dạ dày là hai loại ung thư mà Việt Nam có tỷ lệ mắc cao nhất thế giới.

Thế nhưng, cho đến nay, ngoài những đợt kiểm tra, xử phạt… lẻ mẻ mỗi khi có dư luận lên tiếng, thì dường như chúng ta vẫn chưa có hành động mang tính chiến lược và hữu hiệu nào để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. 

PHẠM PHƯƠNG ĐÔNG

Tin cùng chuyên mục