Thời kỳ khó khăn, một trong những giải pháp được nhiều doanh nghiệp (DN) nghĩ ngay đến là cắt giảm nhân lực, giảm lương, siết chặt các chế độ chăm lo cho người lao động (NLĐ). Tuy nhiên, các động thái trên sẽ khiến NLĐ chán nản, không gắn kết và tác động ngược lại gây khó cho DN.
Thiếu đầu tư bài bản
Kết quả khảo sát thực trạng công tác nhân sự tại các DN cho thấy, trong bối cảnh khó khăn, 40% DN cho rằng đang thừa người và nhiều DN có xu hướng cắt giảm NLĐ. Xu hướng này là hệ quả của việc quản lý nhân sự chưa tốt. Trong khi DN phê phán chất lượng đào tạo thì chỉ 3% DN có quan hệ với nhà trường trong tuyển dụng NLĐ. Rất nhiều DN tỏ ra thờ ơ với sinh viên mới ra trường. Các DN, nhất là DN vừa và nhỏ, vẫn còn coi vốn nhân lực là những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm mà bản thân mỗi người phải tích lũy khi tham gia vào thị trường lao động. Theo các chuyên gia, chủ DN hàng ngày, hàng giờ đau đầu với bài toán tài chính, tài sản để DN tồn tại. Bản thân chiến lược kinh doanh còn nghiêng về chiến thuật và thời điểm nên chủ DN không thể nghĩ xa hơn cho chiến lược nguồn nhân lực trung và dài hạn. Do đó, thực hiện quản trị nhân lực một cách bài bản vẫn là chuyện lý thuyết và xa xỉ.
Bà Đỗ Vũ Phương Anh, Phó Tổng giám đốc Công ty Doji lý giải, với nhiều chủ DN, đào tạo NLĐ chỉ được coi là chi phí vận hành chứ chưa phải chi phí đầu tư của DN, từ đó dẫn đến tâm lý ngại đào tạo, bồi dưỡng, nghiêng về ăn xổi, săn người, chụp giật người từ nơi khác về. Không có sự đầu tư, gắn kết, NLĐ khó lòng trụ lâu với DN trước các lời mời chào hấp dẫn hơn. Và như cái vòng luẩn quẩn: không có niềm tin vào sự cống hiến lâu dài của NLĐ, những bất ổn trên thị trường lao động nên bản thân chủ DN cũng chỉ đầu tư dè chừng để nâng chất lượng đội ngũ NLĐ và càng khó lòng chia sẻ định hướng, chiến lược lâu dài của DN để người lao động yên tâm làm việc.
Trao cơ hội cho người lao động
Theo ông Đỗ Thanh Năm, Giám đốc Công ty Win-Win, thực tế cho thấy, ở những DN thường đưa ra động thái cắt giảm NLĐ để ứng phó với khó khăn, chưa chắc kết quả xử lý vượt khủng hoảng đã tốt hơn các DN giữ nguyên đội ngũ nhân sự của mình và có chiến thuật uyển chuyển, chân thành. Mấy năm qua, Công ty TNHH Tâm Châu gặp khó, bài toán cắt giảm nhân sự trở thành mấu chốt để bảo toàn nguồn lực tài chính trước mắt cho DN bởi đội ngũ NLĐ có đến 3.000 người. Thế nhưng, thay vì cắt giảm, DN này lại báo cáo các khó khăn với NLĐ. Ngay lập tức, để giảm bớt gánh nặng cho DN, 3.000 công nhân đã ký đơn tình nguyện chỉ nhận lương tối thiểu đủ mức chi tiêu cho gia đình. Nhờ đó, DN đã cầm cự cho đến khi bán được dự án, có nguồn tiền dồi dào hơn. Và quan trọng, khi trở lại guồng hoạt động, do giữ nguyên được nhân sự nên DN không phải tốn chi phí tuyển và đào tạo nhân sự, có ngay đội ngũ lao động đón đầu sản xuất cho các hợp đồng lớn. Đặc biệt, NLĐ đã cùng chung hoạn nạn càng gắn kết, tận tâm trong công việc.
Trước việc tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh tất yếu dẫn đến tái cơ cấu nguồn vốn nhân lực, các chuyên gia cho rằng, tình trạng suy thoái hiện nay là dịp để DN nhìn nhận ra tầm quan trọng của yếu tố con người, nhìn nhận lại những bất hợp lý trong công tác nhân sự. “Thay vì cắt giảm chi phí, trong đó, chi phí đào tạo, phát triển con người, DN cần đầu tư hơn nữa vào vốn nhân lực, coi vốn nhân lực là gốc rễ để hạn chế những khó khăn. Chính trong giai đoạn khó khăn này, bí quyết đem lại giá trị gia tăng, cho DN là đem đến cho nhân viên những cơ hội học tập, bổ sung các kỹ năng còn thiếu, nhằm tạo ra nguồn lao động có chất lượng, sẵn sàng cho những cơ hội sắp tới” - thạc sĩ Đặng Thị Hương (ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội), khuyến nghị.
Đường Loan