

Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên - Môi trường Nguyễn Văn Phước phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Việt Dũng
“Cứ vuốt ve nhau sẽ không ra vấn đề
Ông Lê Tấn Tài, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường 6, quận 5 cho rằng: Dự án Đại lộ Đông-Tây triển khai thi công bề bộn trên địa bàn nên người dân “ăn theo” đổ xà bần bừa bãi. Phường đã 5 lần xử phạt và treo mức thưởng “nóng” 100.000 đồng/lần cho những ai phát hiện. Mức thưởng này nâng lên 200.000 đồng/lần vào năm 2009. Song song đó, phường cũng áp dụng hình thức thưởng nóng 50.000 đồng/lần cho ai phát hiện các trường hợp phóng uế. Thời gian qua, đã có 30 trường hợp tiểu tiện được phát hiện và xử phạt. Các đơn vị thi công dự án Đại lộ Đông-Tây xả rác hay xả nước, không đảm bảo vệ sinh môi trường cũng bị xử phạt… Nhờ vậy, tình trạng người dân có hành vi vi phạm về văn minh đô thị đã giảm hẳn.
Bà Trần Thị Ngọc Anh (Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh) cũng cho biết, Bình Thạnh đang thực hiện đề án bảo vệ môi trường của quận. Hôm nay (13-2), quận bắt đầu lấy ý kiến của các hộ dân kinh doanh ở mặt tiền đường tuyến Phan Đăng Lưu, Bạch Đằng hiến kế giải pháp giữ gìn vệ sinh, trật tự lòng lề đường trên những tuyến đường này. Riêng các hộ sống ven kênh rạch, sẽ thực hiện phương thức “1 người vận động 3 – 4 người” không xả rác dưới lòng kênh rạch. Nếu làm được điều này, sẽ có những chuyển biến nhất định.
Ông Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ tịch UBMTTQ TPHCM đã làm “nóng” không khí buổi tọa đàm khi đưa ra ý kiến: Chỉ riêng lĩnh vực môi trường, qua tiếp xúc, ông thấy tỷ lệ chưa hài lòng của người dân TP còn rất cao. Để giải quyết vấn đề văn minh đô thị hiện nay, cần phải nhìn thẳng vào sự thật nhằm phân tích, mổ xẻ tìm nguyên nhân.
“Nếu chúng ta cứ bằng lòng hiện tại, ngồi lại vuốt ve nhau thì sẽ không thể ra vấn đề” - ông Đằng thẳng thắn. Theo ông Lê Hiếu Đằng, tình hình thực hiện văn minh đô thị ở TPHCM là rất đáng lo ngại. Tại một TP lớn nhất nước với thành phần dân cư đa dạng, phức tạp mà việc phát động dường như nặng về cảm tính, chưa dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học nên việc triển khai thực hiện gặp nhiều lúng túng. Thật ra, nội dung về nếp sống văn minh đô thị đã có trong nội dung về các cuộc vận động khác mà TP đã triển khai từ nhiều năm qua nhưng do chúng ta không làm hoặc làm chưa tới…
Đồng tình với nhận định này, ông Nguyễn Văn Phước, Phó GĐ Sở Tài nguyên – Môi trường cũng cho rằng: “Hầu như tuyến đường nào cũng lộn xộn”.
Ông Trương Trọng Nghĩa, ĐB HĐND TP, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP thì cho rằng: “Nếu nói cuộc vận động này không có chuyển biến là không đúng. Chỉ có điều sự chuyển biến còn chậm, chưa đột phá, chưa đáp ứng yêu cầu của một trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch”.
Phân tích nguyên nhân của thực trạng trên, ông Lê Hiếu Đằng cho rằng: “Do chính quyền địa phương chưa làm hết trách nhiệm hoặc chưa mạnh tay xử lý sai phạm”.
Ông dẫn chứng tình trạng lộn xộn, mất trật tự tại khu vực phía trước Trường ĐH Kiến trúc đã được giải quyết, nay lại tái lập là do chính quyền địa phương buông lỏng, và kết luận “Nơi nào chính quyền cơ sở quyết liệt là có chuyển biến. Nếu không quyết liệt thì rất khó…”.
Lấy lợi ích người dân làm đầu
Từ thực tế trên, các đại biểu đã kiến nghị rất nhiều giải pháp. Ông Lê Hiếu Đằng cho rằng, nên tập trung vào 2 vấn đề cụ thể giải quyết là trật tự lòng lề đường và rác thải, nước thải. Nhà nước phải làm gương. Giải quyết trật tự lòng lề đường không dễ nên phải chọn những tuyến đường mẫu, đường trọng điểm làm trước; đồng thời công bố danh sách những tuyến đường này để người dân cùng giám sát. Nếu nơi nào không làm được thì phải chịu trách nhiệm, cần thiết khuyến cáo trước HĐND, trước công luận. Còn thái độ ứng xử thì phải xây dựng từ từ và cần phải có thời gian.

Hàng rong lấn chiếm vỉa hè, lòng đường khu vực công viên 23-9, một trong những khu vực trung tâm của thành phố. Ảnh: Hoàng Anh Thư
Cùng suy nghĩ, ông Lê Tấn Tài đề xuất, các báo đài nên tăng cường phản ánh những nơi còn nhếch nhác ở địa bàn dân cư. “Nếu việc này đồng loạt thực hiện thì đây sẽ là giải pháp rất hữu hiệu và lãnh đạo rất sợ bị ảnh hưởng” - ông Tài nói. Đối với học sinh phải tăng cường giáo dục ý thức từ trong nhà trường, còn đối với người lớn phải tăng cường xử phạt hành chánh. Như vậy sẽ có tác động rất lớn.
Khó dọn dẹp lòng lề đường vì liên quan đến lợi ích của phường? Một vấn đề khá nhạy cảm được nhiều đại biểu “mổ xẻ” là vì sao lòng lề đường khó dọn dẹp. Ông Lê Hiếu Đằng đặt vấn đề: Rất nhiều tuyến đường có lòng, lề đường ngang nhiên bị chiếm dụng nhưng không thấy địa phương xử lý. Điều đó có phải do liên quan đến lợi ích của phường? Nhất trí với nhận định này, ông Trương Trọng Nghĩa cho rằng: Việc chiếm dụng lòng lề đường có sự thỏa hiệp giữa địa phương và người lấn chiếm. Do vậy, cần phải có chế tài phù hợp. Tuy nhiên, đằng sau biện pháp xử lý vẫn là giải pháp lợi ích cho người dân. Ông Dương Hồng Thanh, Phó GĐ Sở GTVT đề xuất, việc sắp xếp lại trật tự lòng lề đường, các cửa hàng kinh doanh, buôn bán sở dĩ không làm được do có xung đột lợi ích. Vì vậy, nếu chỗ nào có lợi ích xung đột thì phải giải quyết cụ thể từng trường hợp, làm từng điểm để tránh giải pháp không khả thi. |
TS Nguyễn Hữu Nguyên (Viện Nghiên cứu phát triển TP) cũng cho rằng, lâu nay, khi nói đến việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị, chúng ta thường nghĩ đến trách nhiệm của người dân. Thế nhưng, theo ông chính quyền phải đi trước một bước để tạo ý thức, làm gương cho người dân.
Ông Nguyên cho rằng, việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị không thể chọn một, hai vấn đề làm riêng lẻ mà phải làm đồng bộ. Do chính quyền TP giữ vai trò chủ đạo nên chính quyền TP nên báo báo, trình bày với dân định kỳ trên các phương tiện thông tin đại chúng về các vấn đề mình thực hiện. Người dân sẽ thấy được lợi ích của mình và sẽ hỗ trợ, chia sẻ với chính quyền. Đây cũng là tác phong của người lãnh đạo hiện đại.
Hình thức xử phạt không phải là giải pháp duy nhất và nếu lạm dụng sẽ càng nguy hiểm. Theo ông Trương Trọng Nghĩa, rất khó thống nhất xác định làm việc gì trước vì nếp sống văn minh đô thị có những đặc trưng mà khi thực hiện chúng cần phải luôn theo sát. Ông dẫn chứng một số vấn đề cụ thể như giao thông, các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí, đời sống tâm linh của người dân... Tuy nhiên, ông cũng đồng tình với ý kiến cần giải quyết trước vấn đề vệ sinh và trật tự lòng lề đường.
TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó GĐ ĐH Quốc gia TPHCM cho biết sẽ có những giải pháp tác động lên vai trò của sinh viên. Ngoài ra, ông cho rằng: Người dân sẽ gắn kết với cuộc vận động này hơn nếu như địa phương tổ chức những sự kiện trọng đại. Vì vậy, TP nên mạnh dạn đăng cai tổ chức những sự kiện lớn tầm quốc gia, quốc tế để chính quyền và người dân cùng tham gia. Ngoài ra, cần nghiên cứu giải quyết các xung đột giữa pháp luật quy định và tập tục, kiên quyết không chiều theo những tập quán xấu.
Bà Đinh Thị Bạch Mai, Phó GĐ Sở VH-TT-DL cho biết: Trong năm 2009, công tác tuyên truyền về thực hiện nếp sống văn minh đô thị sẽ đi vào chiều sâu, phù hợp với từng đối tượng.
Đặc biệt, PGS-TS Tôn Nữ Quỳnh Trân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đô thị đặt vấn đề: “Luật pháp đô thị là trục chính trong thực hiện văn minh đô thị”. Bà thiết tha đề nghị thực hiện các giải pháp đồng bộ, trước nhất là tập trung giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường.
GĐ Sở GD-ĐT Huỳnh Công Minh cho biết: Trong năm 2008, Sở GD-ĐT đã đề ra những chỉ tiêu để học sinh giữ gìn môi trường trong trường, lớp. Việc chấp hành luật giao thông, văn hóa ứng xử đạt kết quả tốt hơn. Năm 2009, ngành GD-ĐT TP sẽ đưa văn minh đô thị vào môn học; phát động phong trào hiện đại hóa nhà trường về tác phong sinh hoạt, lề lối làm việc để làm gương cho học sinh.
Ông Phan Quốc Thái, Tổng Giám đốc Công ty CP Giao dịch bất động sản Quốc tế đề xuất tăng cường thêm nhà vệ sinh, thùng rác công cộng. Nếu nhà nước khó khăn về kinh phí thì kêu gọi xã hội hóa đầu tư.
Ngoài ra, cũng cần phải xác định rõ đối tượng vi phạm nếp sống văn minh đô thị và xác định chính xác lý do vì sao họ vi phạm thì mới có thể chữa trị đúng và dứt “bệnh”.
Vân Anh - Hồng Hiệp




Văn minh đô thị bắt đầu từ chính quyền địa phương
Tọa đàm “Hiến kế giải pháp thực hiện nếp sống văn minh đô thị” do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức sáng 12-2 đã thu hút hơn 100 phản hồi, hiến kế từ bạn đọc gửi đến địa chỉ sggponline@sggp.org.vn. Trong đó có nhiều ý kiến tâm huyết gửi đến lãnh đạo TP với mong muốn TP ngày càng thực hiện có hiệu quả hơn văn minh đô thị (VMĐT).
- Bạn đọc ở địa chỉ mail longnguyen@yahoo.com: Theo tôi VMĐT bắt đầu từ ông quản lý đô thị! Mấy ông cứ quy hoạch “treo” hàng chục năm, bắt người dân phải sống trong “đau khổ” nên mới dẫn đến xây dựng trái phép tràn lan. Nhà nước phải nhanh chóng hoàn thiện quy hoạch để người dân được mau chóng hưởng đủ những quyền lợi mà các luật đã quy định rõ.
Một hành động đẹp, thể hiện sự văn minh nơi công cộng của các bạn trẻ. (Ảnh chụp tại công viên Thống Nhất TPHCM). Ảnh: Lã Anh
- Bạn đọc địa chỉ mail nqco@yahoo.com: Muốn thực hiện được VMĐT thì TP phải xây dựng quy chuẩn hoặc luật về VMĐT. Trong đó nhấn mạnh các yêu cầu: về giao thông thì dẹp các phương tiện có gắn còi hơi lưu thông trên đường. Trên các trục đường phải đảm bảo đèn tín hiệu và các vạch hướng dẫn đủ, đúng, rõ ràng để tuyên truyền người dân thực hiện “Đi đúng tuyến – Dừng đúng vạch”.
Về lòng lề đường thì nhất quyết không cho lấn chiếm buôn bán, phải ưu tiên cho người đi bộ, hướng dẫn để “Văn hóa đi bộ” thấm sâu trong người dân.
Về kiến trúc, cảnh quan đô thị thì phải thống nhất trong từng khu phố, từng con đường, không để các bảng quảng cáo treo nhếch nhác, che chắn cảnh quan đô thị.
- Bạn đọc địa chỉ mail thang@4seas.com: TPHCM nên có chuẩn cho những thùng rác công cộng và chú ý nét hài hòa của thùng rác công cộng trên các tuyến đường. Hàng ngày nên bố trí lực lượng thu dọn rác, lau rửa thường xuyên thùng để không phát sinh mùi hôi khiến người dân ngại đến gần.
Cần có biện pháp mạnh để dẹp bỏ dứt điểm tình trạng “khoan cắt bê tông” trên các bức tường hiện nay bằng cách cử người giám sát hàng ngày các con phố kèm với người dân khu vực. Chi phí nhiều nhưng nếu xử phạt quyết liệt các vi phạm khác thì vẫn có nguồn thu để hỗ trợ cho việc này.
- Bạn đọc Tuấn Anh ở địa chỉ mail tuananh.xd@pecc3.netnam.vn: Theo tôi VMĐT bắt đầu từ chính quyền địa phương. Tôi xin đơn cử trường hợp xử lý xây dựng trái phép tại địa phương tôi (phường Tân Định, quận 1). Dù chúng tôi - những hộ dân sống khu vực phản ánh trong đơn đến chính quyền địa phương nhiều lần nhưng không nhận được phản hồi. Cuối cùng, khi đơn của chúng tôi gửi lên cấp trên (UBND TP và Sở Xây dựng TP) thì được tiếp nhận và thụ lý ngay. Qua sự việc trên, chúng tôi đặt câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền địa phương được thể hiện như thế nào và do ai giám sát?
Vì nếu địa phương - nơi gần dân nhất lại không gương mẫu, không nắm được tâm tư, tình cảm của người dân thì làm sao thuyết phục người dân đồng lòng cùng mình thực hiện các chương trình khác?
- Bạn đọc Đỗ Văn Nhân ở địa chỉ mail nhantamlam_tpkt@yahoo.com.vn: Mặc dù các quy định của pháp luật đã thể hiện đầy đủ các đối tượng và phạm vi điều chỉnh để chế tài các vi phạm về VMĐT nhưng kết quả xử lý và việc chuyển biến còn rất hạn chế. Để chấn chỉnh, theo tôi chính quyền TP cần phải bổ sung các quy định và hình thức xử phạt hành chính trong lĩnh vực này một cách đa dạng hơn mới ngăn chặn được vi phạm VMĐT. Để xóa dần thói quen xấu trong VMĐT, cần tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân nhằm hình thành thói quen tốt. Bên cạnh đó cần xử phạt quyết liệt hơn, nhất là các biện pháp khắc phục hậu quả (lao động công ích…) thì mới làm chuyển biến được bộ mặt TPHCM.
- Bạn đọc ở địa chỉ mail lunlan2003@yahoo.com cho rằng cần phải đánh vào lòng tự trọng của cá nhân khi triển khai thực hiện VMĐT. Làm thế nào để người dân phát huy sự tự giác chứ không phải bằng các biện pháp của chính quyền như ghi hình để xử phạt. Chính quyền hãy tìm các biện pháp tuyên truyền sao cho hiệu quả, đến được với người dân, để người dân nhận thức rõ việc vứt rác ra đường, khạc nhổ, tiểu tiện, đại tiện nơi công cộng… là những hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức.
Biện pháp hay nhất là khắc phục hậu quả bằng cách cho người vi phạm VMĐT lao động công ích, dọn dẹp vệ sinh nơi công cộng.
Tổng Biên tập Báo SGGP Trần Thế Tuyển cho rằng, buổi tọa đàm này chỉ là sự đóng góp nhỏ của Báo SGGP nhằm tạo diễn đàn truyền đạt những hiến kế của các nhà khoa học, cơ quan quản lý, địa phương để chính quyền thành phố có những chỉ đạo sát sườn hơn trong công tác điều hành. Ông cũng mong rằng, các đồng nghiệp của mình sẽ “nối dài” việc tuyên truyền, hiến kế để TP thực hiện năm văn minh đô thị đạt hiệu quả cao hơn. |
- Báo SGGP tổ chức tọa đàm: Hiến kế giải pháp thực hiện nếp sống văn minh đô thị