Làm phim với NFT

Làm phim từ gọi vốn cộng đồng không mới ở Việt Nam. Song với công nghệ Blockchain, hướng đi này mang đến nhiều tín hiệu lạc quan, không chỉ giải quyết bài toán huy động vốn mà còn góp phần tác động thay đổi quy trình sản xuất, phát hành phim.
 Làm phim với NFT

NFT (viết tắt của cụm từ “Non Fungible Token”, tạm dịch: Mã thông báo không thể thay thế) là một đơn vị dữ liệu được lưu trữ trên nền tảng công nghệ blockchain (Sổ cái kỹ thuật số). Đặc tính của mỗi NFT là không thể hoán đổi cho nhau và chỉ đại diện cho một tập tin độc nhất vô nhị hoặc một mặt hàng kỹ thuật số độc nhất, chẳng hạn như tác phẩm nghệ thuật: phim ảnh, tranh, bản nhạc…

Ở lĩnh vực phim ảnh, trên trang NFT5 có 3 dự án phim đã, đang và sẽ được thực hiện theo hình thức trao đổi NFT: Chó săn (đạo diễn Phạm Thanh Hải), Móng vuốt (Lê Thanh Sơn) và Kềm thép (Phan Thanh Nhiên).

Móng vuốt được phát hành NFT từ ngày 19-8-2022 và đến ngày 10-10-2022 đã bán hết 10.000 NFT (234.000 đồng/NFT). Đây là thương vụ thành công bởi sức hút từ chính dự án cũng như đội ngũ thực hiện là những nhà làm phim tên tuổi: đạo diễn Lê Thanh Sơn, biên kịch Trần Khánh Hoàng hay nhà sản xuất của nhiều dự án trăm tỷ đồng - HK Film. Chó săn (đạo diễn Phạm Thanh Hải) mở bán từ ngày 22-7 với 2 đợt, phát hành tổng số 19.000 NFT. Dự án còn lại, Kềm thép đang trong quá trình lên kệ của đạo diễn Phan Thanh Nhiên.

Người tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ blockchain vào phim ảnh tại Việt Nam là đạo diễn Việt kiều Charlie Nguyễn. Giữa năm 2021, anh giới thiệu dự án có tên gọi chung là FAM Central, dựa trên nền tảng KardiaChain - một startup công nghệ blockchain ở Việt Nam. Dự án này tìm cách “gõ cửa” cộng đồng NFT của người Việt trong, ngoài nước, nhất là sự kết nối với công nghệ DeFi (Decentralised Finance, tạm dịch là Tài chính phi tập trung).

Đó là ở Việt Nam. Trên thế giới, năm 2021, trong thời điểm dịch căng thẳng, Zero Contact là phim điện ảnh đầu tiên được cung cấp dưới dạng NFT thông qua nền tảng Vuele. Khán giả có cơ hội mua và xem phim cũng như các nội dung: cảnh hậu trường, cảnh quay độc quyền, hỏi đáp độc quyền...

Biên kịch kiêm đạo diễn Mark O’Connor từng hợp tác với Movie Coin - công ty khởi nghiệp về tiền điện tử cho dự án Oui Cannes thông qua hình thức bán NFT, cho rằng: “Tôi luôn quan tâm đến việc tài trợ từ cộng đồng, nơi công chúng có thể sở hữu cổ phần trong một bộ phim. Nó mang lại sự tự do cho nghệ sĩ, có thể loại bỏ việc bị mắc kẹt tài chính trong quá trình ấp ủ và phát triển một dự án phim trong nhiều năm. Đây là mô hình tài trợ mới cho phim dù chưa được thử nghiệm nhiều”. Mục tiêu của ê kíp là huy động được 2,5 triệu EUR để phục vụ cho quá trình sản xuất.

Huy động vốn qua NFT có nghĩa là mời gọi cộng đồng cùng đầu tư, chia sẻ gánh nặng và trách nhiệm. Số tiền đầu tư có thể lời, lỗ nhưng với mức khởi điểm chỉ từ vài trăm ngàn đồng, mức độ rủi ro và thiệt hại đã được chia nhỏ hơn.

Với NFT, đây được xem là cuộc cách mạng hóa phương thức phim điện ảnh tìm kiếm nguồn vốn đầu tư và phát hành. Bất kỳ ai đều có thể trở thành nhà đầu tư phim, đơn giản bằng cách mua và được chia sẻ lợi nhuận thông qua các đợt mở bán trước NFT. NFT do đó khác với crowdfunding (gọi vốn cộng đồng) vốn đơn thuần chỉ là kêu gọi mọi người đóng góp, được tri ân quyền lợi mang tính tinh thần. Với NFT, mỗi người sẽ là một nhà đầu tư - một fanvestor, được bảo chứng tính minh bạch trong thu chi và tính thanh khoản cao. Ngay cả khi dự án đang vận hành vẫn có thể trao đổi, mua đi bán lại và sinh lời.

Nhưng điều quan trọng hơn, NFT sẽ tạo ra thay đổi trong mối quan hệ giữa khán giả và nhà làm phim. Trước đây, nhà làm phim hầu như không có cách nào tiếp cận với khán giả cho đến khi phim hoàn thành, trình chiếu tại rạp. Nhà làm phim cho gì khán giả thưởng thức nấy. Tính chất một chiều này khiến nhà làm phim và khán giả giống như hai đường thẳng song song hiếm khi gặp nhau.

Trao quyền cho khán giả chính là mục đích lớn nhất. Đạo diễn Charlie Nguyễn cho rằng, tiếng nói của khán giả góp phần tạo sức mạnh cho nhà làm phim, đồng thời tạo nên cộng đồng đứng sau dự án. Cộng đồng này cũng là chìa khóa giúp bộ phim không chỉ “gãi đúng chỗ ngứa”, giảm rủi ro đồng thời cũng là những người đóng vai trò quảng bá, tiếp thị phim đến với công chúng rộng rãi hơn.

NFT mới đang trong giai đoạn manh nha. Hiển nhiên, không thể coi nó là “cây đũa thần”. Một chuyên gia công nghệ cho rằng, nó không giải quyết bài toán lời lỗ cho nhà làm phim nhưng góp phần tăng xác suất thành công. Và để đi vào vận hành, một hành lang pháp lý vững chắc là rất cần thiết…

Tin cùng chuyên mục