Làm việc hai nơi, đóng bảo hiểm xã hội ra sao?

Theo khoản 4, Điều 85 Luật BHXH thì NLĐ quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 2 của luật này mà giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì chỉ đóng BHXH theo quy định tại khoản 1 điều này đối với hợp đồng lao động giao kết đầu tiên.
Làm việc hai nơi, đóng bảo hiểm xã hội ra sao?

Công ty tôi có người lao động (NLĐ) đang tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tại công ty nhưng người này đồng thời làm việc cho một công ty khác mức lương cao hơn. Theo quy định, nếu NLĐ làm việc 2 nơi thì sẽ đóng bảo hiểm y tế (BHYT) ở nơi có mức lương cao hơn. Tuy nhiên, bộ phận thu của BHXH có phản hồi là chưa có hướng dẫn về vấn đề này và NLĐ vẫn tham gia BHYT tại nơi đầu tiên làm việc. Như vậy có đúng không? (Công ty CP Tập đoàn thực phẩm Hoa Sen, quận Bình Thạnh, TPHCM)

Giám đốc BHXH TPHCM PHAN VĂN MẾN: Theo khoản 4, Điều 85 Luật BHXH thì NLĐ quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 2 của luật này mà giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì chỉ đóng BHXH theo quy định tại khoản 1 điều này đối với hợp đồng lao động giao kết đầu tiên. Trường hợp người lao động đều thuộc đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc tại nhiều đơn vị thì đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (32% mức lương) theo hợp đồng lao động đầu tiên. Người sử dụng lao động nơi còn lại chỉ đóng 0,5% trên mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cho NLĐ.

Thỏa thuận thử việc có thể ghi thẳng vào hợp đồng lao động được không? Nếu được ghi thì thời gian thử việc có phải đóng BHXH không? (Công ty CP Công nghệ truyền thông DTS, quận 3, TPHCM)

Trong thời gian thử việc dù trong hợp đồng thử việc riêng hay lồng ghép trong hợp đồng lao động chính thức, NLĐ đều không thuộc đối tượng đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp bắt buộc.

Nhân viên đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp và không muốn tham gia BHXH thì công ty có được phép không đóng BHXH cho nhân viên này? (Công ty TNHH King Elong, quận Bình Thạnh, TPHCM)

Trường hợp nhân viên đang hưởng trợ cấp thất nghiệp làm việc tại doanh nghiệp theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 3 tháng trở lên thì thuộc đối tượng phải đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và phải chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp do có việc làm. Trường hợp nhân viên đang trong thời hạn thử việc hoặc giao kết hợp đồng lao động dưới 1 tháng thì không thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc; hợp đồng lao động từ 1 tháng đến dưới 3 tháng thì chỉ tham gia BHXH bắt buộc và vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Tin cùng chuyên mục