Làng chằm nón ngựa Phú Gia trở thành di sản văn hóa Quốc gia

Ngày 10-4, ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Bình Định xác nhận, đơn vị đã nhận được quyết định của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng đưa nghề chằm nón ngựa Phú Gia (xã Cát Tường, huyện Phù Cát, Bình Định) vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Sau khi nhận được quyết định, Sở VH-TT tỉnh này sẽ phối hợp với UBND huyện Phù Cát tham mưu với UBND tỉnh Bình Định tổ chức lễ vinh danh, trao nhận bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với làng nghề chằm nón ngựa Phú Gia.

NON NGUA (4) (2).jpg
Người dân đang miệt mài hành nghề, truyền nghề tại làng chằm nón ngựa Phú Gia

Theo ông Chánh, thời gian tới đơn vị sẽ chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan để tham mưu xây dựng kế hoạch bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị của nghề chằm nón ngựa Phú Gia, góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân, nghệ nhân. Thông qua đó, gìn giữ được giá trị của làng nghề truyền thống. Đưa làng nghề này ứng dụng vào phát triển du lịch cộng đồng nhằm quảng bá, phát huy hơn nữa giá trị nghề nón độc đáo này.

Ông Đỗ Xuân Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, cho biết làng nghề nón ngựa Phú Gia hiện có khoảng 300 hộ dân, hộ nghệ nhân hành nghề. Đây là dòng nón có tính kế thừa sâu sắc trong làng Phú Gia, tồn tại khoảng 300 năm. Hiện, chưa xác định mốc thời gian hình thành và nguồn gốc của dòng nón ngựa Phú Gia. Tuy nhiên, theo các bậc cao niên kể lại thì xưa kia được làm ra để phục vụ nghĩa quân Tây Sơn gắn với bao trận “bách chiến, bách thắng”.

20240322_185034.jpg
Các nghệ nhân đang từng ngày quảng bá, phát huy nghề chằm nón ngựa Phú Gia

“Các bậc cao niên kể lại, xưa các nghĩa sĩ, võ tướng nhà Tây Sơn đội nón cưỡi lưng ngựa đánh trận. Cũng từ đó nón ngựa Phú Gia được khẳng định tên tuổi, có thể tên nón ngựa gắn với câu chuyện lịch sử ấy”, ông Thắng chia sẻ.

Khác với các dòng nón lá trên cả nước, nón ngựa Phú Gia có phong cách thể hiện rất độc đáo, đặc trưng có dáng dấp của nhiều bản sắc văn hóa. Công đoạn làm ra 1 chiếc nón ngựa hết sức công phu trải qua 10 công đoạn, sườn nón được đan kết rất phức tạp, tinh xảo.

20240322_185015.jpg
Mỗi chiếc nón ngựa Phú Gia được làm ra rất công phu, có khi mất nhiều tháng trời

Người làng Phú Gia dùng 3 vật liệu chủ đạo để làm nón ngựa, gồm: lá kè mỡ (loài cây rừng nhỏ sống ở khu vực đèo An Khê), rễ cây dứa và thân cây tre nứa. Quá trình hình thành chiếc nón còn được bổ sung các họa tiết, vùng, chụp bằng bạc, đồng, đá…

Tin cùng chuyên mục