Hãy chia sẻ
Vài năm trở lại đây, vấn đề tâm lý trong giới trẻ được nhiều người chú trọng. Các bạn trẻ cũng bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến các từ khóa “trầm cảm”, “sang chấn tâm lý”, “chữa lành”…
Nhiều dự án vì sức khỏe tinh thần người trẻ nhận được sự quan tâm, như InPsychOut (IPO), cổng thông tin bao gồm những bài viết và câu chuyện liên quan đến sức khỏe tâm lý của giới trẻ Việt, với hơn 23.700 lượt theo dõi trên mạng xã hội. “Đường dây nóng Ngày mai” (19.124 lượt theo dõi trên mạng xã hội) thành lập đầu năm 2021, tiếp nhận thông tin và tham vấn tâm lý miễn phí qua điện thoại cho người đang khủng hoảng tâm lý, đặc biệt những người đang trầm cảm. “Vằn” được thành lập vào tháng 2-2021 bởi nhóm học sinh THPT Hà Nội và du học sinh Mỹ, giúp nâng cao nhận thức, truyền tải thông tin về vấn nạn tự tử ở trẻ vị thành niên và hội chứng ngược đãi bản thân/tự hại (self-harm).
Buổi trò chuyện online do IPO tổ chức vừa kết thúc, N.T.H.L. (25 tuổi, ngụ quận 10) tắt màn hình máy tính, nói: “Nếu không có những buổi trò chuyện như thế này, chắc tôi áp lực hơn bây giờ nhiều lắm”. Công việc liên tục gặp khó khăn và chuyển sang công ty mới, chia tay mối tình đầu hơn 5 năm khiến L. ngày càng thu mình. Chưa tới mức dùng thuốc điều trị tâm lý, nhưng L. phải tìm đến những nhóm nói chuyện về tâm lý để giải tỏa những chia sẻ khó mở lời với gia đình hay bạn bè xung quanh. “Sau những chuyện không vui, tôi gần như rất sợ giao tiếp hay chia sẻ điều gì với ai. Cũng may, tôi kịp nhận ra bất ổn của mình và tham gia vào các nhóm trò chuyện về tâm lý, để học cách thay đổi tích cực và cân bằng lại tinh thần”, L. kể.
Tắt điện thoại sau gần 2 giờ trò chuyện với tư vấn viên, Đ.H.T. (27 tuổi, ngụ quận 7) chia sẻ: “Tôi nghỉ việc để cân bằng lại tâm lý của mình hơn 1 năm nay, bây giờ cảm thấy đã ổn hơn tôi mới đi làm lại, nhưng mỗi lần gặp áp lực ở văn phòng tôi đều gọi đến tổng đài tư vấn tâm lý để chia sẻ. Tôi ngại giao tiếp nên có rất ít bạn bè và rất khó mở lòng kể chuyện mình đang gặp phải với bạn thân, vì lúc nào cũng ám ảnh người khác sẽ chê cười mình. Nhiều khi cũng không biết bạn tư vấn viên có hiểu hay không, nhưng có một người lắng nghe mình mà không phán xét, một người rất xa lạ không biết mình là ai sẽ dễ trò chuyện hơn và ngày hôm sau họ gọi lại để hỏi thăm, cảm giác mình được quan tâm rất thật lòng”, T. tâm sự.
Lắng nghe, không phán xét
IPO thành lập vào tháng 6-2020, với hoạt động chính là đăng tải các bài viết về tâm lý trên website www.inpsychout.com và fanpage trên mạng xã hội. Trong năm 2021, IPO thực hiện chuỗi sự kiện “Chuyện” (được tài trợ bởi YSEALI Seeds for the Future 2021 của Chính phủ Mỹ), diễn ra vào thứ bảy và chủ nhật mỗi tuần từ ngày 20-11 đến 12-12, với những chủ đề như: chuyện mình (trò chuyện về các vấn đề tâm lý thường gặp của cá nhân, những cách đối phó và phòng chống các rối loạn tâm lý); chuyện nhà (chia sẻ về những vấn đề tâm lý xuất hiện trong các mối quan hệ gia đình); chuyện người (trò chuyện với diễn giả, trao đổi những trải nghiệm cá nhân về rối loạn tâm lý) và chuyện nghề (chia sẻ từ các diễn giả đang học tập và làm việc trong các lĩnh vực có liên quan tới sức khỏe tâm lý).
“Tôi đã có ý tưởng về IPO từ khi còn học đại học, nhưng phải đến tháng 6-2020, khi học tiến sĩ, tôi mới có đủ tự tin để bắt đầu IPO. IPO được thành lập với mục đích chính là đem đến cho các bạn độc giả một cổng thông tin đáng tin cậy về sức khỏe tâm lý cũng như ngành tâm lý lâm sàng nói chung”, Th.S tâm lý Hương Lê (người sáng lập IPO) chia sẻ.
Bắt đầu xây dựng IPO, Hương Lê và nhóm bạn gặp không ít khó khăn về việc xây dựng website, kinh phí ban đầu đều do các bạn tự dùng tiền túi để duy trì. Niềm vui đổi lại là sự tin tưởng, chia sẻ câu chuyện của những bạn trẻ gửi về. Hương kể: “Từ những ngày đầu hoạt động, chúng tôi vẫn thường xuyên nhận được những câu hỏi cũng như chia sẻ của các bạn trẻ về vấn đề tâm lý. Tôi thấy rõ rằng vấn đề tâm lý là chuyện xảy ra ngày càng thường xuyên và phổ biến trong cộng đồng các bạn trẻ. Tuy nhiên, họ vẫn gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc chọn lọc các thông tin liên quan chính xác và thiết thực. Ngoài ra, việc tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên môn chất lượng và hiệu quả cũng là một khó khăn mình thường thấy trong các thắc mắc hay được gửi về IPO”.
Không ai hiểu người trẻ bằng chính người trẻ, và những người cùng thế hệ sẽ dễ lắng nghe nỗi niềm của nhau. Nhưng IPO hay một diễn đàn, hội nhóm chia sẻ tâm lý nào khác cũng chỉ là một phần. Cách để người trẻ chữa lành những tổn thương tâm lý hay để bản thân mình không trầm cảm chính là việc lắng nghe chính mình. |