Lập danh sách các trường hợp khó khăn để có chính sách hỗ trợ tiếp theo

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM vừa có báo cáo sơ kết 15 ngày thực hiện Chỉ thị số 11 của Chủ tịch UBND TPHCM về tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM.

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TPHCM, qua 2 tuần thực hiện Chỉ thị 11, Thành phố đã quán triệt tốt và chuẩn bị các bước triển khai chu đáo, nghiêm túc, kịp thời các lãnh đạo, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, tạo khí thế mạnh mẽ trong cả hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với phương châm “xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn; mỗi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài phòng, chống dịch”, người dân là "chiến sĩ” trong phòng, chống dịch.

Lập danh sách các trường hợp khó khăn để có chính sách hỗ trợ tiếp theo ảnh 1 Người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được nhận hỗ trợ

Đã hỗ trợ người dân gần 4.900 tỷ đồng

Theo Ban Chỉ đạo, thời gian qua, việc giãn cách xã hội được thực hiện triệt để đối tượng ra đường được siết chặt, lưu lượng giao thông trong những ngày thực hiện tăng cường giãn cách giảm mạnh so những ngày trước đó. TP cũng linh động giải quyết cho lực lượng giao hàng công nghệ được hoạt động trở lại cùng với các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Từ đó giúp giải quyết vấn đề đáp ứng nhu cầu lượng thực thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho người dân; công tác an sinh được chăm lo thực hiện tốt với sự tham gia của toàn xã hội. gói hỗ trợ đợt 2 đã thực hiện được gần 80% kế hoạch, nâng tổng kinh phí hỗ trợ an sinh cho các nhóm đối là 4.896 tỷ đồng.

Thành phố cũng triển khai thần tốc xét nghiệm diện rộng, giúp phát hiện sớm các trường hợp F0 để theo dõi, chăm sóc và điều trị. Công tác tiêm chủng vaccine vượt tiến độ ban đầu đề ra, đến nay toàn TP đã tiêm 6.884.159 liều, đạt 9,8 % trên dân số 18 tuổi của thành phố. Hoạt động y tế lưu động tại các phường xã cùng với việc tăng cường túi thuốc điều trị, bình oxy bước đầu đã mang lại hiệu quả trong chăm sóc các đối tượng F0 tại nhà. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TPHCM đánh giá số ca F0 nhập viện và có khả năng đảo chiều trong thời gian tới.

Người dân quận 7, huyện Củ Chi được đi chợ 2 lần/tuần

Dù vậy, sự phối hợp giữa các lực lượng tại cơ sở còn hạn chế, chưa phân công, tổ chức nhịp nhàng, phát huy được hiệu quả của các lực lượng được tăng cường.

Để công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả cao hơn nữa, đạt mục tiêu đến 15-9 sẽ kiểm soát được tình hình dịch bệnh, Ban Chỉ đạo yêu cầu các địa phương, đơn vị tập trung củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid - 19 các cấp; hoàn thiện kế hoạch phòng chống dịch Covid - 19 và phục hồi kinh tế thành phố.

Các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, tăng cường kiểm tra, tuần tra, xử lý nghiêm những vi phạm. Cùng với đó, cân nhắc điều chỉnh nới lỏng một số dịch vụ phù hợp đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân.

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cũng đề nghị tăng cường tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các địa phương nhằm phát hiện, khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế trong phòng chống dịch và đảm bảo an sinh cho người dân.

Đối với các khu vực có địa hình phức tạp, hẻm nhỏ, khu trọ tập trung đông người cần tiếp tục tiến hành giãn dân đến vùng an toàn để giảm nguy cơ lây nhiễm.

Về lĩnh vực y tế, Ban Chỉ đạo yêu cầu tiếp tục duy trì và tối ưu hóa các biện pháp đang thực hiện. Tập trung đẩy mạnh việc quản lý và chăm sóc F0 tại nhà; tăng số lượng trạm y tế lưu động và đảm bảo cấp cứu, chuyển tuyến kịp thời những trường hợp có nguy cơ chuyển nặng.

Đặc biệt, thành phố tiếp tục mở chiến dịch tiêm chủng trên toàn địa bàn, phấn đấu trước ngày 15-9, tỷ lệ tiêm vaccine mũi 1 đạt 100% và tiêm vaccine mũi 2 cho người đến lịch tiêm (ưu tiên nhóm đối tượng trên 50 tuổi, có bệnh lý nền).

Riêng về chăm lo an sinh xã hội, Ban Chỉ đạo yêu cầu giải quyết dứt điểm các chính sách hỗ trợ đang thực hiện với người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đồng thời tổng hợp, lập danh sách đầy đủ về số lượng, đối tượng khó khăn cần hỗ trợ làm cơ sở để xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ tiếp theo (sau ngày 15-9). Cùng với đó, các cơ quan tham mưu cho UBND TP ban hành Bộ tiêu chí an toàn cho từng ngành, chuẩn bị cho giai đoạn sau 15-9.

Lập danh sách các trường hợp khó khăn để có chính sách hỗ trợ tiếp theo ảnh 2 TP Thủ Đức ra mắt đội xe tình nguyện phục vụ an sinh xã hội chống dịch Covid-19

TPHCM cũng bổ sung các nhóm đối tượng được hoạt động sau ngày 6-9 gồm: hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nhà thuốc, cửa hàng thực phẩm, shipper được hoạt động từ 6-18 giờ hàng ngày (vùng đỏ cho phép shipper đi chợ hộ; vùng xanh, người dân được phát phiếu đi mua hàng theo khung giờ, 1 lần/tuần. Riêng quận 7 và huyện Củ Chi, người dân được đi mua hàng 2 lần/tuần. Người đi mua hàng phải được tiêm tối thiểu 1 mũi vaccine Covid-19 hoặc là F0 đã khỏi bệnh). Các loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ phục vụ mang đi…

Những con số ấn tượng

Tính đến nay, cả thành phố có 12.282 tổ tự quản bảo vệ vùng xanh (các địa phương có tỷ lệ vùng xanh cao là huyện Củ Chi, Cần Giờ, quận 5 và TP Thủ Đức ).

Toàn TP đã tiêm 6.884.159 liều (mũi 1: 6.175.513, đạt tỷ lệ 85,6 %; mũi 2: 708,646 đạt 9,8 % trên dân số 18 tuổi trở lên của TP)

Trong 2 tuần thực hiện giãn cách, số trường hợp tử vong giảm liên tục, bình quân giảm 37 người/ngày.

Thành phố đã thành lập 471 trạm y tế lưu động (vượt chỉ tiêu đề ra là 400 trạm).

 Trung tâm An sinh xã hội TPHCM đã thực hiện hỗ trợ trên 1,6 triệu túi an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn.

Chương trình SOS của Trung tâm An sinh xã hội TPHCM đã hỗ trợ trên 10.500 phần quà cho các trường hợp cứu trợ khẩn cấp

Đến nay, TP đã chi trên 4.896 tỷ đồng cho các trường hợp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Vận động hơn 85.000 chủ nhà trọ miễn, giảm giá thuê cho 670.000 phòng trọ với số tiền trên 329 tỉ đồng.

Tin cùng chuyên mục