Đạo diễn Lê Lâm
Đã hoàn tất, trình chiếu và giành nhiều giải thưởng quốc tế uy tín, nhưng đến tận tháng 6 vừa qua, lần đầu tiên bộ phim Công binh - đạo diễn Lê Lâm, trang sử đau thương của 2 vạn thanh niên Việt Nam bị thực dân Pháp cưỡng bức bắt đi làm lính thợ mới được trình chiếu tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội). Dưới ngôn ngữ điện ảnh, đạo diễn Lê Lâm đã đem đến cho khán giả có một góc nhìn rõ ràng hơn về câu chuyện lịch sử này.
- PV: Điều gì đã thôi thúc đạo diễn thực hiện bộ phim lật lại trang sử về 20.000 người Việt Nam bị cưỡng bức sang Pháp lao động trong Thế chiến thứ hai?
- Đạo diễn LÊ LÂM: Từ khi bắt tay vào hành nghề điện ảnh chuyên nghiệp, tôi đã đặt kế hoạch làm bộ ba phim về đề tài chủ nghĩa thực dân Pháp ở Đông Dương và nội dung về các bác lính thợ là một đề tài ngẫu nhiên lọt vào danh sách đó. Chỉ có thế hệ đã sinh sống trong thời thực dân Pháp - tôi sinh năm 1948 - mới biết sự kiện này vì gia đình nào cũng có hay quen một người bị sang Pháp làm lính thợ năm 1939 - 1940. Nhưng ít ai biết gì về số phận thật sự của họ. Năm 2009, tôi tình cờ đọc được một cuốn sách nói về lính thợ do một nhà báo Pháp tên là Pierre Daum viết và kịch bản của bộ phim về những người lính thợ Việt Nam đã chính thức được hình thành. Khi tôi đề nghị viết kịch bản phim về nội dung lính thợ Việt Nam cho một nhà sản xuất Pháp và được họ chấp nhận.
Từ trước tới nay, phim điện ảnh, tài liệu về Đông Dương đều qua góc nhìn Tây phương, chưa có phim nào của người Việt xứng đáng phát hành bên châu Âu. Vì vậy, tôi thấy mình phải có trách nhiệm của nghệ sĩ, cố gắng có cái nhìn khác. Bởi góc nhìn của người thả bom không thể nào giống người hứng chịu quả bom ấy.
- Câu chuyện có độ lùi về thời gian khá xa, thêm nữa, đây lại là trang sử đau thương mà nhiều người muốn lãng quên. Vậy ông có gặp khó khăn gì trong quá trình thực hiện bộ phim này?
- Vâng! Tôi có thể nói họ là nạn nhân của một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt vì trưởng thành không đúng thời, sinh không đúng chỗ. Khi họ bị đầy sang Pháp năm 1940 thì 6 tháng sau Pháp quốc thua trận bị Đức quốc xã xâm chiếm, nước Việt bị Pháp đô hộ và quân đội Nhật xâm chiếm. Hoàn cảnh lịch sử phức tạp và đặc biệt đó nên khó khăn nhất là thu thập được các tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh, văn bản hành chính về lính thợ thời Đông Dương. Vì thế, lời nói, chứng minh của nhân chứng sống chủ yếu là rất cần thiết và tối thiểu. Họ mà mất đi là cả một tảng lịch sử sẽ biến đi. Tôi quay được 120 giờ làm tư liệu, nhưng chỉ làm được phim dài 2 giờ và vẫn còn nhiều tư liệu rất quý. Tôi chọn ra 20 công binh khi về thời gian khảo sát năm 2010, nhưng vẫn quay chừng đó thời gian vì đó là cơ hội, không quay mai mốt họ không còn là mất đi cả trang lịch sử. Trong lúc tôi dựng phim đã có 3 nhân chứng mất, khi dựng xong phim (năm 2012) là 6 người mất, đến giờ này thì không biết còn bao nhiêu người.
Xuyên suốt bộ phim là hình ảnh của những con rối nước - nghệ thuật truyền thống thuần Việt. Tôi đã đắn đo rất kỹ khi chọn hình tượng này. Tôi nghĩ, khi 2 vạn lính thợ bị ép sang nước Pháp phục vụ Thế chiến thứ hai, họ hầu hết đều mù chữ không biết gì, chẳng khác nào con rối bị chế độ thực dân điều khiển. Vì vậy, tôi dùng hình ảnh rối nước để biến thành ngôn ngữ điện ảnh, đem cách quay của mình nhập vào câu chuyện khiến nó trở nên gần gũi, chân thực hơn.
- Bộ phim đã được công chiếu tại Pháp năm 2013. Công chúng, giới sử học Pháp đã đón nhận bộ phim thế nào?
- Phim ra mắt khán giả Pháp ở rạp rất thành công. Phim Công binh được cử đại diện cho điện ảnh Pháp ở các liên hoan phim quốc tế quan trọng và dám cạnh tranh với phim truyện. Phim được 3 giải thưởng, 2 vàng và 1 khán giả bình chọn. Báo quan trọng nhất về điện ảnh như báo Le Monde, Liberation, L’Humanité... đều khen ngợi. Giới sử học cũng rất bỡ ngỡ vì hầu hết họ chưa từng nghe đến sự kiện về lính thợ này. Cộng đồng người Việt bên Pháp đi xem phim rất đông và rất xúc động. Khi phim ra mắt, nhiều khán giả là con cháu các công binh mới khám phá ra quá khứ của bố, ông mình bị giấu kín lâu nay. Suốt một năm trời phim chiếu ở các địa phương, Paris và tôi dành 300 giờ thảo luận.
Họ đều công nhận là đúng lẽ ra đây là phim truyện chứ không phải là phim tài liệu tầm thường. Vì chỉ có truyện mới gây xúc động mạnh như vậy. Nhưng có một điều làm tôi tự hào nhất là phim Công binh hòa giải được cả hai cộng đồng trong cuộc và ngoài cuộc.
- Cảm ơn ông!
| |
MAI AN (thực hiện)