Liên kết kinh tế giữa các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ: Thúc đẩy hội nhập và phát triển

Ngày 14-9, tại TPHCM diễn ra Hội nghị giao ban các Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ. Các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc; Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên; Vũ Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, đồng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị còn có đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, cùng đại diện các bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Liên kết kinh tế giữa các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ: Thúc đẩy hội nhập và phát triển

Ngày 14-9, tại TPHCM diễn ra Hội nghị giao ban các Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ. Các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc; Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên; Vũ Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, đồng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị còn có đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, cùng đại diện các bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu yêu cầu của hội nghị giao ban lần đầu tiên được tổ chức có sự tham gia của 3 Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ với chủ đề tăng cường liên kết vùng, liên kết các địa phương trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội gắn với nhiệm vụ giữ vững an ninh quốc phòng trên các địa bàn trọng yếu.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Liên kết vùng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế

"Bối cảnh hiện nay đặt ra cho chúng ta phải có sự liên kết vùng, là sự bắt buộc trước yêu cầu phát triển và hội nhập. Một địa phương, một vùng không thể cùng một lúc giải quyết tốt được các vấn đề lớn đặt ra về tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng kết cấu hạ tầng… nếu không có cơ chế liên kết chặt chẽ giữa các vùng và giữa các địa phương trong vùng với nhau"

Phó Thủ tướng Chính phủ VŨ VĂN NINH,
Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ

Theo Phó ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ Nguyễn Phong Quang, đồng bằng sông Cửu Long là vùng có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển kinh tế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thế nhưng, nhiều năm qua chưa được phát huy đúng mức. Đánh giá về hiện trạng liên kết vùng ở một số địa phương, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Trần Hồng Quang cho rằng, vấn đề liên kết vùng ở 3 khu vực trọng yếu Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ đã được nhắc đến nhiều năm qua. Các vùng này có nhiều lợi thế về liên kết phát triển, song do chưa có cơ chế phối hợp điều hành liên kết vùng nên có tình trạng mạnh địa phương nào nấy làm. Điều này dẫn đến lãng phí nguồn lực, đầu tư trùng lắp, quy hoạch chồng chéo, thiếu đồng bộ…

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ nêu lên thực trạng tại các vùng hiện chưa khai thác hết nguồn lực sẵn có, cơ cấu kinh tế chưa phù hợp, thiếu phân công hợp tác, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế phát triển chậm, thiếu các chính sách riêng cho sự phát triển bền vững của từng vùng, còn bất cập trong phân bổ ngân sách đầu tư…

Để giải quyết những vấn đề đặt ra nêu trên, đồng chí Vương Đình Huệ cho rằng các địa phương phải xác định cơ sở liên kết vùng là gì, có phù hợp với sự phát triển của từng thời kỳ, từng địa phương trong vùng hay không, từ đó đề ra cơ chế, chính sách khuyến khích lợi ích kinh tế của từng địa phương trong sự liên kết phát triển vùng. Mặt khác, cần thúc đẩy thực hiện các phương thức liên kết vi mô theo hướng liên kết “4 nhà” (nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông) để giải quyết những vấn đề lớn về sản xuất, chế biến, tiêu thụ hàng hóa… Về nguồn lực trong liên kết, các địa phương trong vùng cần khai thác tốt nguồn vốn từ chính sách đầu tư của Trung ương về y tế, giáo dục, giao thông…

“Liên kết vùng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng cơ cấu lại nhu cầu sử dụng nguồn lực và mô hình phát triển; tái cấu trúc các ngành, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đảm bảo yêu cầu chuyển dịch kinh tế giữa các địa phương, nhằm phân công hợp tác, khai thác nguồn lực đầu tư trên tất cả các lĩnh vực” - đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Cơ cấu lại các giống lúa đặc sản - lúa chất lượng cao là một yêu cầu cấp thiết. Ảnh: CAO PHONG

Cơ cấu lại các giống lúa đặc sản - lúa chất lượng cao là một yêu cầu cấp thiết. Ảnh: CAO PHONG

        “Nhạc trưởng” điều hành liên kết vùng

Nhiều ý kiến tại hội nghị đã đưa ra các mô hình và tổ chức, bộ máy điều hành liên kết kinh tế giữa các địa phương trong vùng. Về mô hình, theo Trưởng ban chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, các địa phương phải xuất phát trên tinh thần tự nguyện, lấy lợi ích chung, lợi ích toàn cục để xác định mục tiêu liên kết. Trong đó, tập trung giải quyết tốt các vấn đề về an ninh quốc phòng, kinh tế - xã hội, đầu tư hạ tầng, ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Về tổ chức, bộ máy điều hành cơ chế liên kết vùng, theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, cần bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ. Mặt khác, cũng phải có một cơ quan điều phối chung hoạt động liên kết của 3 vùng, nhằm bảo đảm thực thi các chính sách đồng bộ, thống nhất. Chính phủ cần sớm ban hành các quyết định quy định pháp lý về liên kết của từng vùng, từng địa phương để làm cơ sở quy hoạch phát triển của cả nước, vùng và quản lý quy hoạch, triển khai quy hoạch, phân chia lợi ích giữa các vùng, các địa phương với nhau. Trước mắt, các địa phương có thể ký kết các thỏa thuận, quy chế liên kết trong một số lĩnh vực có thế mạnh và có thể triển khai ngay vào thực tế để phát huy hiệu quả của các mô hình liên kết.

Cũng trong khuôn khổ giao ban các Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, các đại biểu tham dự hội nghị đã thảo luận kết quả đánh giá việc thực hiện Quyết định 96-QĐ/TW ngày 28-5-2012 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, quan hệ công tác của các Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ và Quyết định 97-QĐ/TW ngày 28-5-2012 của Ban Bí thư về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức và người lao động ở các Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ.

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục