Liên tục cháy do sự cố hệ thống, thiết bị điện

Trong số các vụ cháy đã điều tra làm rõ nguyên nhân (39/145 vụ) trong tháng 10-2021, có đến hơn 69% nguyên nhân vụ cháy do sự cố hệ thống, thiết bị điện. Đây cũng chính là nguyên nhân chủ yếu của nhiều vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trong những năm qua tại TPHCM.
Cảnh sát dùng xe thang cứu 2 nạn nhân tại vụ cháy trên đường Trần Hưng Đạo (phường 2, quận 5) trưa 11-11
Cảnh sát dùng xe thang cứu 2 nạn nhân tại vụ cháy trên đường Trần Hưng Đạo (phường 2, quận 5) trưa 11-11

Sự cố từ bình đun siêu tốc

Ngày 11-11, người dân tại một ngôi nhà trên đường Trần Hưng Đạo (phường 2, quận 5) nấu nướng làm đám giỗ. Đây là ngôi nhà (diện tích khoảng 100m2) có kết cấu 1 trệt 1 lửng, 3 lầu vừa dùng để ở vừa kinh doanh, buôn bán. Khoảng 10 giờ cùng ngày thì người dân xung quanh thấy khói, lửa bốc lên từ sân thượng của ngôi nhà. Người dân vội vàng gọi điện đến Tổng đài 114 Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH) - PC07, Công an TPHCM cầu cứu.

Ngay khi vừa nhận tin báo, Đội Chữa cháy - CNCH Khu vực 1 - Phòng PC07 và Đội PCCC-CNCH Công an quận 5 được cử đến hiện trường. Tại đây, Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng Phòng PC07, đã chỉ đạo dùng xe thang giải cứu 2 nạn nhân lớn tuổi (SN 1960 và SN 1961) mắc kẹt trên sân thượng và hướng dẫn 6 người khác thoát nạn bằng thang bộ xuống đất an toàn.

Theo ông Huỳnh M.T. (SN 1961, chủ nhà), nguyên nhân vụ cháy do gia đình sử dụng bình đun siêu tốc tại sân thượng không có người trông coi. Khi xảy ra chạm chập điện thì cả nhà đang tập trung tại tầng dưới để nấu ăn nên không hay biết. Vụ cháy không gây thương vong về người nhưng đã khiến nhiều tài sản trong diện tích 40m2 của căn nhà thiêu rụi.

Hơn 17 giờ chiều cùng ngày, ngôi nhà trên đường Xuân Diệu (phường 4, quận Tân Bình) cũng xảy ra cháy do chập ổ cắm điện khiến nhiều người hốt hoảng. Tuy nhiên, người dân đã kịp thời dùng bình chữa cháy dập tắt hỏa hoạn ngay từ khi mới phát sinh nên không gây nhiều thiệt hại. Cùng thời điểm, một trụ điện tại đường Lê Thị Riêng (phường Thới An, quận 12) bỗng dưng phát cháy khiến người dân một phen khiếp vía. Ngay sau đó, nhân viên điện lực kịp thời xử lý “giặc lửa” nên không gây ra sự cố nghiêm trọng. Rạng sáng ngày 12-11, một cây quạt máy trong nhà dân trên đường Lạc Long Quân (phường 8, quận Tân Bình) xảy ra chạm chập gây cháy. Rất may người dân đã phát hiện kịp thời và khống chế hỏa hoạn thành công nên không gây thiệt hại nghiêm trọng.

Mới đây nhất, rạng sáng 16-11, người dân phát hiện ngọn lửa bùng cháy ở một căn nhà trong con hẻm trên đường Tô Ngọc Vân (phường Thạnh Xuân, quận 12) nên hô hoán, tìm cách dập lửa. Lực lượng chức năng đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường để chữa cháy. Đến 1 giờ 5 phút cùng ngày, đám cháy được dập tắt hoàn toàn, lực lượng chữa cháy đã cứu được 1 người mắc kẹt ra ngoài an toàn.

Chập điện - nguyên nhân chủ yếu

Theo ghi nhận, chạm và chập điện là nguyên nhân chủ yếu gây ra nhiều vụ cháy, sự cố cháy những năm qua. Nhiều vụ cháy xuất phát từ việc sử dụng thiết bị điện trôi nổi, cũ kỹ hoặc tự ý đấu nối đường dây dẫn đến quá tải, gây chạm, chập điện. Ngoài ra, việc không kiểm tra, bảo trì hệ thống điện thường xuyên hay thói quen dùng điện không an toàn cũng dẫn đến cháy nổ.

Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2021, cả nước xảy ra 1.723 vụ cháy và 18 vụ nổ khiến 196 người thương vong, thiệt hại tài sản trên 332 tỷ đồng. Trong 1.018/1.723 vụ cháy đã được điều tra làm rõ nguyên nhân, có 690 vụ cháy do sự cố hệ thống, thiết bị điện (chiếm tỷ lệ 40%). Riêng trong tháng 10-2021, cả nước xảy ra 292 vụ cháy và sự cố cháy, trong đó có 145 vụ cháy và 147 vụ sự cố chập cháy trên cột điện, thiết bị điện trong nhà dân. Trong 39/145 vụ cháy đã điều tra làm rõ nguyên nhân, có đến 27 vụ (chiếm hơn 69%) do sự cố hệ thống, thiết bị điện.

Từ các số liệu thống kê cho thấy, nguyên nhân chủ yếu của các vụ cháy, sự cố cháy phần lớn xuất phát từ điện. Trong đó, nhiều vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Vì vậy, cẩn trọng sử dụng điện trong sinh hoạt hàng ngày để giảm thiểu nguy cơ cháy, nổ gây ra là rất cần thiết. Bởi lẽ, chỉ cần trang bị những thói quen đơn giản, bất cứ ai trong chúng ta cũng đã góp phần đẩy lùi “giặc lửa”.

Để giảm nguy cơ cháy nổ từ điện và các thiết bị điện gây ra, người dân cần: tắt các thiết bị điện khi ra khỏi nhà; không đun nấu thức ăn khi không có người trông coi; không sạc các thiết bị điện khi ra khỏi nhà; không sử dụng chung một ổ cắm điện cho nhiều thiết bị điện; kiểm tra đường dây dẫn điện của các thiết bị sử dụng thường xuyên (quạt máy, tủ lạnh, máy giặt, máy lạnh…) và nhanh chóng thay mới khi phát hiện trầy xước, cũ kỹ. Đặc biệt, người dân không nên tự ý đấu, nối các thiết bị điện đề phòng trường hợp sử dụng điện quá tải, gây chạm, chập dẫn đến cháy nổ.

Tin cùng chuyên mục