Linh hoạt giải pháp giữ ổn định thị trường

Giữ ổn định thị trường, đảm bảo nguồn cung hàng hóa, nhất là hàng thiết yếu là nhiệm vụ quan trọng đang được các địa phương và doanh nghiệp triển khai, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá.

Theo Bộ Công thương, thời gian qua, thị trường hàng hóa trong nước tương đối sôi động, giá cả ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu người tiêu dùng. Tuy nhiên, bước vào giai đoạn cuối năm, thị trường được dự báo sẽ sôi động hơn và người tiêu dùng có xu hướng mua sắm nhiều hơn. Trong bối cảnh đó, để chuẩn bị nguồn cung hàng hóa cho những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2024 đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, đầu tháng 11, Bộ Công thương đã đề nghị Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng có nhu cầu cao, có biến động giá để chủ động có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường.

Nguồn hàng đã được doanh nghiệp chuẩn bị, sẵn sàng cung ứng ra thị trường

Nguồn hàng đã được doanh nghiệp chuẩn bị, sẵn sàng cung ứng ra thị trường

Bộ Công thương cũng đề nghị các Sở Công thương phối hợp với các đơn vị chức năng theo dõi sát tình hình sản xuất các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; chủ động có phương án, đề xuất phương án để bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường cho mùa kinh doanh tết.

Mặt khác, các đơn vị sản xuất hàng phục vụ tiêu dùng dịp tết có kế hoạch phù hợp để hạn chế tối đa việc dừng sản xuất trong những tháng cao điểm tiêu dùng cuối năm; các đơn vị có hoạt động kinh doanh thương mại (Tổng công ty Thương mại Sài Gòn, Tổng công ty Thương mại Hà Nội, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM...) chủ động triển khai các chương trình bình ổn thị trường, tham gia các chương trình kết nối cung - cầu, hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thực phẩm an toàn; đẩy mạnh việc mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa, nhất là khu vực nông thôn, hải đảo.

Trên tinh thần chỉ đạo của Bộ Công thương, các địa phương như TPHCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương… cho biết đã sẵn sàng phương án chuẩn bị hàng hóa cho mùa kinh doanh cuối năm. Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, sở đã tham mưu UBND TPHCM chú trọng các nội dung về giá cả hàng hóa, lưu thông hàng hóa trên thị trường, lượng hàng bình ổn thị trường, nhất là phục vụ dịp Tết 2024. Bên cạnh đó, theo bà Ngọc, Sở Công thương cũng đã làm việc với các đơn vị để bình ổn thị trường, đồng thời tập trung tổ chức các chương trình khuyến mãi, thực hiện nhiều chương trình kết nối cung - cầu, trong đó đặc biệt chú ý liên kết vùng.

“Chúng tôi đang phối hợp với các tỉnh, thành tạo nguồn hàng hóa dịp cuối năm, bảo đảm chất lượng hàng hóa, làm sao đem đến chất lượng tốt nhất cho người tiêu dùng”, bà Ngọc cho biết. Để đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho thị trường, các doanh nghiệp sản xuất và phân phối ở TPHCM đều sẵn sàng kế hoạch từ đầu tháng 10. Chẳng hạn, nhà bán lẻ Saigon Co.op đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng giá tốt trong 3 đến 6 tháng tới; triển khai chương trình khuyến mãi liên tục hàng tuần, trọng điểm là trong tháng 11, tháng 12 và dịp tết. Theo chia sẻ của Saigon Co.op, với kinh nghiệm tham gia công tác bình ổn thị trường nhiều năm qua, hệ thống Co.opmart dành phần lớn nguồn vốn để dự trữ nhóm hàng bình ổn thị trường gồm: gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt và trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản.

“Dịp Tết Nguyên đán 2024, hệ thống siêu thị Co.opmart đã dự trữ nguồn hàng hóa thiết yếu từ rất sớm (dự kiến tăng 30% so với cùng kỳ và 50% so với ngày thường), đồng thời tổ chức phân phối hàng hóa đến hơn 800 điểm bán tại 42/63 tỉnh, thành phố. Ngoài ra, Saigon Co.op cũng tính toán lại giá cả, cân đối thu chi nhằm mang đến nguồn hàng phong phú và giá ổn định”, đại diện Saigon Co.op cho biết.

Cùng với chuẩn bị hàng hóa, theo nhận định của Sở Công thương các tỉnh, thành, những tháng cuối năm, lợi dụng tình hình thị trường sôi động, các đối tượng kinh doanh buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng sẽ tuồn sản phẩm ra thị trường để trục lợi. Do vậy, Sở Công thương các địa phương khẳng định sẽ phối hợp với Cục Quản lý thị trường địa phương để tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát thị trường, chú trọng kiểm tra về giá, chất lượng sản phẩm, quy định về an toàn thực phẩm, hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Từ đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như lợi ích chính đáng của doanh nghiệp.


Tin cùng chuyên mục