Lời nhắn từ trái tim

“Anh đã bay xong chưa?”. Câu hỏi ngắn ngủi ấy, giản dị đến mức có thể không ai để ý, nhưng với người vợ lính bay - nó là tất cả. Là tâm can. Là ngóng chờ…

Từ mặt đất đến bầu trời

Dòng tin nhắn ấy được đều đặn gửi đi vào mỗi sáng, khi không còn nghe tiếng động cơ máy bay trên bầu trời. Nhiều năm rồi, đó là thói quen của Đại úy Quân nhân chuyên nghiệp Đặng Thanh Hiền. Trên trời xanh kia, chồng chị đang cất cánh cùng máy bay Su-30MK2, làm nhiệm vụ bay chào mừng trong Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

“Anh bay xong rồi”. Chỉ cần vậy thôi, là lúc chị Hiền mỉm cười, tiếp tục công việc trong nhà bếp.

Chị Hiền đang công tác tại ngành quân nhu, Tiểu đoàn Kỹ thuật Hậu cần sân bay, Trung đoàn 935, Sư đoàn 370, Quân chủng Phòng không - Không quân.

Mỗi sáng sớm, chị cùng đồng nghiệp có mặt tại đơn vị, nhận thực phẩm chia cho các bếp, ghi phiếu, đảm bảo các bếp chuẩn bị bữa ăn cho cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ.

“Tôi cùng với các đồng chí trong đơn vị đều cố gắng khắc phục khó khăn, sắp xếp công việc gia đình để đi làm sớm, có những ngày trước 3 giờ sáng. Sau đó, nhanh chóng chia thực phẩm để các bếp có thực phẩm sớm, nấu ăn kịp thời cho các đồng chí làm nhiệm vụ. Chúng tôi đều rất vui và tự hào khi được tham gia thực hiện nhiệm vụ A50”, chị Hiền chia sẻ.

z6552050606337_ad55290119fa25a6cc580b1485ff4ed5.jpg
Đại úy Đặng Thanh Hiền thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị

Đó cũng là niềm tự hào, không chỉ của hai vợ chồng mà còn của gia đình hai bên nội, ngoại. Bởi cả hai vợ chồng chị - một người trên trời cao, một người thực hiện nhiệm vụ bảo đảm mặt đất, đều đang phục vụ cho nhiệm vụ Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (nhiệm vụ A50). Chồng chị cùng đồng đội thực hiện những bài bay kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi thể lực, bản lĩnh, tinh thần thép và sự tập trung cao độ. Ở mặt đất, chị Hiền cũng đang giữ vững một mặt trận khác: chăm lo từng bữa ăn, từng phần tiếp phẩm, bảo đảm hậu cần, đời sống cho bộ đội trong những ngày cao điểm.

Ít ai biết, trước khi trở thành quân nhân, chị Hiền từng là cô giáo. “Được vào quân ngũ là ước mơ từ nhỏ của tôi, đặc biệt khi được vào ngành quân nhu thì niềm vui của tôi lại được nhân đôi. Bởi tôi yêu thích nấu ăn, thích chuẩn bị những bữa cơm tươm tất cho gia đình. Và hiện tại tôi có thể làm điều đó cho các đồng chí, đồng đội của mình, để họ luôn có sức khỏe tốt khi làm nhiệm vụ”, chị Hiền chia sẻ.

Và trong căn nhà nhỏ của chị Hiền, có hai đứa trẻ - một trai, một gái - lớn lên từ những bữa cơm mẹ nấu và bằng tình yêu lặng lẽ của bố. Vì tính chất công việc thường xuyên trực tại đơn vị, chị Hiền gần như là người quán xuyến, lo lắng mọi việc trong gia đình.

Có lần, khi máy bay Su-30MK2 của bố bay ngang qua sân trường, cậu con trai nhỏ tên Khánh đứng bật dậy, tự hào nói với các bạn: “Bố mình đấy, bố mình đang bay đấy!”, nhưng các bạn không tin. Về nhà, Khánh thủ thỉ với mẹ: “Lần tới, mẹ nhờ bố chở con đi học một lần, để các bạn biết con có bố là phi công thật”.

Chị nghe con nói mà lòng hẫng đi một nhịp. Vì lời của con trai giống y như lời con gái lớn từng nói khi mới học lớp hai: “Bố đưa con đi học một lần đi, để các bạn biết con cũng có bố”.

Tuy vậy, hai đứa trẻ không bao giờ giận dỗi bố mình. Ngược lại, chúng tự lập, ngoan ngoãn và rất tự hào vì có bố là phi công.

Và chị Hiền cũng chưa từng đòi hỏi điều gì. “Tôi vẫn hay nói rằng bố cứ tập trung bay an toàn, hoàn thành tốt nhiệm vụ, còn đằng sau mọi thứ để mẹ lo hết”, chị Hiền cười, chia sẻ với chúng tôi. Đó là câu chuyện gia đình, nhưng đồng thời cũng là minh chứng cho một hậu phương vững chắc - đã và đang tiếp thêm sức mạnh để những người lính Phi công trong nhiệm vụ A50 được thực hiện trọn vẹn nhất.

Sau những cánh bay

Nếu như trên bầu trời, phi công là những người vẽ nên những đường bay kiêu hãnh thì dưới mặt đất, có những bàn tay thầm lặng đang dốc toàn lực cho mỗi lần cất cánh được trọn vẹn. Sau mỗi cú lăn bánh, trước mỗi vòng quay cánh quạt, đều có dấu tay thầm lặng của những người lính kỹ thuật mặt đất. Thiếu tá Quân nhân chuyên nghiệp Bùi Trọng Quyết là một trong số đó.

Ba lần tham gia thực hiện nhiệm vụ trong các sự kiện trọng đại của đất nước: Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, bay biểu diễn chào mừng Khai mạc Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 và nhiệm vụ bay chào mừng trong Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - đó là vinh dự lớn lao của Thiếu tá Bùi Trọng Quyết, Trung đoàn 916, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân.

z6507739644659_24011043e70b66214d3029d1e8ca9695.jpg
Tổ kỹ thuật thực hiện nhiệm vụ kiểm tra máy bay tại sân bay quân sự Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai)

Chúng tôi có dịp gặp các nhân viên trong tổ kỹ thuật bay tại sân bay quân sự Biên Hòa, lúc 3 giờ sáng. Khi ngoài kia còn chìm trong bóng tối, anh em đã chỉnh tề quân phục, hoàn tất vệ sinh cá nhân lên xe ra sân bay để chuẩn bị cho nhiệm vụ quan trọng: bảo đảm máy bay sẵn sàng cho phi công cất cánh - an toàn.

Theo Thiếu tá Bùi Trọng Quyết, công tác chuẩn bị trước ngày bay là phức tạp và cần nhiều thời gian nhất. Đó là khâu kiểm tra, phát hiện những hỏng hóc phát sinh ở mặt đất để khắc phục, sửa chữa và đảm bảo cho máy bay tốt nhất trước khi cất cánh. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ bay, tổ kỹ thuật tiếp tục tiếp nhận máy bay, kiểm tra từng bộ phận, phát hiện và khắc phục mọi trục trặc kỹ thuật, bổ sung nhiên liệu…

Một trong những khó khăn lớn nhất của đội ngũ kỹ thuật là nhiệm vụ cơ động chuyển sân. Điều kiện ăn ở, sinh hoạt không phải lúc nào cũng thuận lợi, nhất là khi thời tiết thay đổi, đơn vị anh từ miền Bắc chuyển vào miền Nam thời tiết có thời điểm nắng nóng, gây ra nhiều thử thách về sức khỏe.

Cuối tháng Tư, trời Biên Hòa nắng như đổ lửa. Giữa sân bay, các nhân viên tổ kỹ thuật làm việc hoàn toàn ngoài trời, không có mái che. Điều kiện làm việc vì thế rất vất vả, đòi hỏi tinh thần đoàn kết, thống nhất cao và giữ tinh thần lạc quan để vượt qua khó khăn. Giờ giấc công tác cũng không theo khuôn khổ hành chính, không có chuyện đúng giờ đến, đúng giờ về.

“Lúc bay ngày, chúng tôi thức dậy từ 3 giờ sáng, làm liên tục đến tận 1 giờ chiều. Nhưng cũng có hôm bay đêm thì lại bắt đầu làm việc từ 2 giờ chiều, kéo dài đến 11 giờ đêm mới xong. Mỗi ngày là một giờ giấc khác nhau, tổ kỹ thuật luôn sẵn sàng để đáp ứng nhiệm vụ được giao”, Thiếu tá Bùi Trọng Quyết chia sẻ.

Đối với người lính kỹ thuật hàng không, máy bay là người bạn gắn bó thân thiết. “Anh em kỹ thuật hàng không hay nói đùa: “Gắn bó với máy bay còn nhiều hơn gắn bó với vợ!”. Sáng mở mắt là nghĩ đến máy bay, cả ngày chỉ lo máy bay. Ngẫm mà thấy cũng đúng, vợ còn giận được, chứ máy bay mà giận, mà hỏng hóc không phát hiện ra thì nguy to. Vậy nên cũng đành tặc lưỡi mà thương vợ sau, lo máy bay trước”, anh Quyết nói vui với chúng tôi.

Câu nói vui ấy tưởng chừng hài hước, nhưng đằng sau là không biết bao nhiêu lần xa nhà, là tình yêu nghề, là trách nhiệm, là cả sự tin tưởng của hậu phương, để mỗi chuyến bay của phi công luôn được an toàn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Cũng có 3 lần vinh dự thực hiện nhiệm vụ trong sự kiện lớn của đất nước là Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Đinh Xuân Hải, nhân viên kỹ thuật hàng không, Trung đoàn 916, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân.

z6507742727989_e9d3ad9b74c6422eb22259142a6a1a5e.jpg
z6507743187234_6ac98ec3e52413e661aa2af3a26c6e97.jpg
Kiểm tra tỉ mỉ từng chi tiết sau khi máy bay trở về

Tháng Tư này, tròn 30 năm 2 tháng anh gắn bó với ngành kỹ thuật hàng không. Không chỉ là một “cây đại thụ” trong nghề, anh Hải còn là chỗ dựa cho đồng đội, luôn thể hiện tinh thần tận tụy, trách nhiệm. Ba thập kỷ trôi qua, anh đã có mặt ở hầu khắp mọi miền đất nước, từ vùng biển đảo xa xôi đến nơi rẻo cao Tây Bắc…

Nhớ lại lần thực hiện nhiệm vụ tại Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, đơn vị anh cơ động đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, cách bản làng khoảng 80 km. “Vậy mà khi nghe tin bộ đội lên, có máy bay, có cờ Đảng, cờ Tổ quốc bay rợp trời, bà con kéo về xem từ 2 giờ sáng. Có những cụ già 70, 80 tuổi lần đầu tiên trong đời được nhìn tận mắt chiếc máy bay quân sự, đôi mắt rưng rưng chỉ vì được nhìn thấy là mãn nguyện lắm rồi. Đó là động lực để chúng tôi tiếp tục cố gắng mỗi ngày”, anh Hải chia sẻ.

Trong nhiệm vụ A50 lần này, anh Hải cũng không có mặt tại buổi Lễ, vì vẫn miệt mài cùng đồng đội ở tổ kỹ thuật trực tiếp bảo đảm cho từng máy bay đạt trạng thái kỹ thuật tốt nhất trước khi cất cánh. Dù vậy, anh vẫn cảm nhận được tình cảm của người dân qua từng lời hỏi thăm ân cần của phóng viên, báo chí khi đến sân bay tác nghiệp và qua hàng trăm đoạn video, hình ảnh mà người dân khắp nơi chia sẻ lên mạng xã hội.

“Dù không trực tiếp lái máy bay, nhưng khi biết người dân tại TPHCM xếp hàng đội nắng xem dàn trực thăng biểu diễn, tôi cảm thấy công sức của đội ngũ kỹ thuật thật đáng giá. Chỉ cần biết rằng máy bay bay an toàn và người dân được chiêm ngưỡng những gì đẹp nhất, tôi cảm thấy rất tự hào”, Thiếu tá Đinh Xuân Hải chia sẻ.

z6507732987549_b2917b790b2240e426bcd51b271e6390.jpg
Sân bay quân sự Biên Hòa những ngày nắng gay gắt của tháng Tư

Đã đến ngày lực lượng Không quân Nhân dân Việt Nam thực hiện nhiệm vụ bay chào mừng trong ngày Đại lễ, thay mặt tổ kỹ thuật, Thiếu tá Đinh Xuân Hải gửi tới tổ bay lời chúc bình an, vững vàng và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân giao phó. “Chúng tôi luôn tin tưởng tuyệt đối vào các anh, như các anh tin tưởng vào chúng tôi. Chúc các anh quyết thắng, bay thật đẹp, thật an toàn, vì sau lưng các anh là cả một tập thể luôn dõi theo và tự hào”.

Tin cùng chuyên mục