
Ông Trần Văn Thành, Giám đốc Sở Y tế Quảng Trị phấn khởi cho biết, trong phong trào học tập và làm theo tấm gương liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thùy Trâm, bác sĩ Hoàng Thị Hoa, Trạm trưởng Y tế xã Triệu Lăng (Triệu Phong) và y sĩ Nguyễn Văn Nam, Trạm trưởng Y tế xã Cam Thủy (Cam Lộ) là những người đã làm cho hình ảnh blouse trắng thêm lung linh.
Người được tạp chí Hà Lan viết về gương điển hình

Bệnh nhân Nguyễn Trai ở thôn Cam Vũ 1, xã Cam Thủy, bị bệnh tâm thần nặng được y sĩ Nguyễn Văn Nam, Trạm trưởng Y tế xã Cam Thủy chữa lành, hòa nhập được với cộng đồng. Đó chỉ là một trong số hàng trăm bệnh nhân ở Cam Thủy được anh tận tình cứu chữa, động viên và chia sẻ với những khó khăn của gia đình.
“Chú Nam giúp đỡ bà con nhiều lắm nhưng về phần mình, chú ấy lại có những nỗi đau riêng. Hai con trai bị di chứng chất độc da cam, lần lượt qua đời vào các năm 1985 và 2005, chú Nam trở nên suy sụp hẳn. Sau dạo ấy, tui cứ tưởng chú không gượng dậy được, không làm thầy thuốc nữa, vậy mà chú vẫn làm được vì dân làng”, ông Nguyễn Cường, một người dân ở Cam Thủy xúc động kể.
Trong kháng chiến chống Mỹ, anh Nam làm giao liên, rồi được học y tá. Sau ngày đất nước thống nhất, anh được tạo điều kiện học lên y sĩ, rồi làm trạm trưởng y tế xã Cam Thủy. “Ngày đó đồng lương ít ỏi, nhiều năm liền xã không có kinh phí chi trả, tôi đành làm không lương. Thấy vợ con cực khổ, có lúc nghĩ hay là về giúp vợ con làm kinh tế nhưng rồi không cầm lòng được với bà con”, y sĩ Nam tâm sự.
Cam Thủy là địa phương có mầm bệnh sốt rét rất cao. Đây còn là địa bàn có số người mắc bệnh tâm thần, di chứng chất độc da cam cao hơn nhiều so với những địa phương khác trong toàn tỉnh. Trạm y tế xã vì vậy luôn phải gánh vác những trách nhiệm nặng nề.
Nhờ nhiệt tâm với công việc, y sĩ Nguyễn Văn Nam đã sáng tạo nên nhiều cách làm hay. Năm 2005, Cam Thủy là địa phương đầu tiên của tỉnh Quảng Trị được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế xã. Năm 2007, Cam Thủy là địa phương đạt các danh hiệu: “Cộng đồng an toàn Việt Nam, Chăm sóc sức khỏe tâm thần, Chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em...”. Một tạp chí y tế của Hà Lan cũng đã dành một chuyên mục viết về gương sáng người y sĩ này.
Hết lòng vì bệnh nhân nghèo
Mặc dù đã công tác ổn định ở một trạm y tế gần nhà nhưng bác sĩ Hoàng Thị Hoa (ở xã Triệu Trung, Triệu Phong) lại mong muốn cống hiến nhiều hơn cho người nghèo. Tháng 3-2005, chị quyết định đến một nơi xa hơn, điều kiện làm việc hết sức khó khăn. Đó là vùng biển bãi ngang, xã Triệu Lăng của huyện Triệu Phong. Quyết định của chị làm không ít người ngạc nhiên.
“Ngày mới ra trường, tôi đã có ý nghĩ xin về Triệu Lăng làm việc nhưng nghĩ lại chưa thể được vì tôi biết rằng, một sinh viên mới ra trường không dễ gì làm tốt công việc trong điều kiện cơ sở hạ tầng y tế còn rất khó khăn. Sau bốn năm làm việc ở Trạm Y tế xã Triệu Trung, tôi cảm thấy tự tin hơn với quyết định trước đó của mình”, chị Hoa kể lại.
Ông Đặng Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Triệu Lăng cho biết: “Người dân Triệu Lăng sinh sống chủ yếu dựa vào biển nhưng con cá, con tôm đánh bắt lâu ngày gần bờ rồi cũng cạn kiệt. Sự nghèo sinh ra nhiều cái khổ và khổ nhất ở đây là tình trạng bệnh tật”. Ông Nguyễn Huy Côn, Trưởng thôn 5, xã Triệu Lăng nói thêm: “Rất may ở xã có bác sĩ Hoa hết mực quan tâm chữa trị bệnh tật cho bà con nên ai nấy đều yên lòng”.
Có lẽ sự nghèo ở vùng biển bãi ngang, xã Triệu Lăng đã làm cho những người như chị Hoa luôn nhắc nhở mình phải có trách nhiệm thật cao với công việc. Ngoài giờ khám chữa bệnh cho bà con ở trạm, chị tranh thủ thăm hỏi bà con, nhất là những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.
Chị tổ chức những đợt điều tra về tình trạng sức khỏe và bệnh tật của người dân, từ đó có được cái nhìn tổng quát và đề ra các phương pháp làm việc hiệu quả. Sau một năm, những nỗ lực của chị đã làm cho hết thảy bà con ở vùng biển bãi ngang, xã Triệu Lăng tỏ lòng cảm mến. Tỷ lệ khám chữa bệnh năm 2007 của trạm đạt tới 158%, tăng gần 8 lần so với năm 2004...
Có thể nói những người như anh Nam, chị Hoa đã làm thêm lung linh hình ảnh blouse trắng!.
PHAN HÀ LINH