Ma quỷ “ảo”, ám ảnh thật

Giữa hàng triệu nội dung mà các nền tảng trực tuyến tiếp nhận mỗi ngày, để thu hút người xem, các “nhà sáng tạo nội dung số” buộc phải có gì đó thật độc lạ.

Video về thế giới vô hình, ma quỷ do đó nở rộ với những khoản tiền từ hàng triệu lượt xem chảy về túi “nhà sáng tạo”, bất chấp hệ lụy nhan nhản những hình ảnh ám ảnh người dùng trên các nền tảng.

Đi “săn ma”

Hành trình “săn ma” của các YouTuber, TikToker, Facebooker… chủ yếu ở những địa điểm hoang vu, hẻo lánh. Các “nhà sáng tạo nội dung số” cũng khéo léo chọn các tựa đề vừa tò mò vừa sợ hãi như: “Cỗ quan tài trong dinh thự bỏ hoang”, “Ma nữ ẩn mình trên cây xoài”, “Xe xipo trong nhà mồ”, “Oan hồn dưới gốc cây mận”…

Điển hình như mỗi video kể chuyện ma của tài khoản L.C. (hơn 1,6 triệu lượt theo dõi trên TikTok) không quá 10 phút nhưng thu hút từ vài trăm ngàn đến hơn 17,5 triệu lượt xem. Công thức để L.C. sở hữu những video triệu view cũng không quá khó, chịu khó đến những địa điểm như: nhà hoang, bệnh viện bỏ hoang, nhà mồ, nhà lưu cốt… để quay.

Mỗi video của L.C thực hiện bằng máy quay bình thường, nhưng cuốn hút người xem ở kỹ xảo dựng hình ảnh lúc xa lúc gần, lúc mờ lúc rõ như thể sắp có một bí ẩn gì đó lộ diện, cùng chất giọng kể chuyện qua phần mềm chỉnh âm khá ma mị và liên tục lồng ghép các âm thanh tiếng gió, tiếng hú, tiếng sột soạt... thêm phần rùng rợn. Tuy nhiên, qua mỗi video triệu view đó, ngoài lời kể của L.C., vài người địa phương nói rằng nơi này có ma, thì còn lại chỉ toàn là hình ảnh cây cỏ um tùm, công trình nhà cửa, bệnh viện xuống cấp, đổ nát vì bỏ hoang đã lâu.

Đầu tư hơn cho hành trình “săn ma”, mỗi video của tài khoản L.H.N. (chủ kênh C.M.H.T.T.T. có trên 4 triệu lượt theo dõi trên nền tảng YouTube) được quay bằng thiết bị quay phim 4K (có độ sắc nét gấp 4 lần full HD), flycam với những góc máy hoành tráng. Nhưng không khác gì L.C., ngoài hình ảnh đẹp từ thiết bị quay chuyên nghiệp, thì chuyện ma quỷ chỉ qua lời kể của N. hoặc một vài người dân địa phương. Mỗi video được lồng ghép chuẩn như phim, những khung cảnh hoàn toàn không có bóng người và im lặng tuyệt đối, bất chợt xuất hiện tiếng bước chân, âm thanh gió hú kỳ lạ…

Các video ma quỷ nhan nhản trên nền tảng mạng xã hội
Các video ma quỷ nhan nhản trên nền tảng mạng xã hội

Xem và lướt qua nhanh, người ta khó mà nhìn ra những chiêu hậu kỳ video kiểu này, mỗi video “săn ma” được N. đầu tư về thời gian, không chỉ có cảnh quay ban ngày mà còn nấn ná xuyên đêm để chờ “ma quỷ” xuất hiện. Nhằm tăng thêm độ phủ sóng, L.C. và L.H.N. đều cắt video đăng tải trên cả TikTok lẫn Facebook và YouTube để thu hút người xem. Sự phủ sóng này kéo theo một loạt trào lưu như người dùng đưa ra một địa chỉ “ma ám, quỷ ở” và “thách” các tài khoản này đến nơi quay video giới thiệu.

Một cuộc đua đi “săn ma” bắt đầu, người xem cũng không ít lần ám ảnh, nhất là đối tượng người trẻ - trẻ em. “Đi học về tụi nhỏ hay mượn điện thoại ba mẹ để coi TikTok, cũng chiều con nên tôi đưa, có lần coi xong con khóc và hễ tối mà trong nhà chưa kịp mở đèn thì sợ và la hét. Hỏi ra mới biết, tụi nhỏ lướt TikTok hay coi video nhà ma, sợ tới mức ám ảnh, dù là đang ở trong nhà có ba mẹ”, chị Hoàng Thị Thanh Thủy (37 tuổi, ngụ quận 5, TPHCM) kể.

Kiếm tiền đa nền tảng

Phải đến những địa điểm hoang tàn, đổ nát, hay nghĩa trang để đổi lấy video triệu view liệu có đáng? Câu trả lời không chỉ đáng mà còn là một xu hướng không dễ bị bắt chước. Nếu người dùng trên các nền tảng trực tuyến đã quá quen và quá ngán trước hàng loạt video giới thiệu ẩm thực, mỹ phẩm…; khi các YouTuber, TikToker ca ngợi nhà hàng, thương hiệu dưỡng da lên tận mây xanh, nhưng chất lượng thực tế chỉ ở mức trung bình, thậm chí tệ, thì chuyện quay video ở nhà hoang, dũng cảm có mặt ở những địa chỉ lạnh người này cũng khó mà bắt chước. Vì muốn theo, không chỉ cần có thiết bị quay phim chụp ảnh, mà đòi hỏi người làm video phải tự tìm những câu chuyện “hô ma gọi quỷ” rùng rợn, độc lạ để kể và hậu kỳ video cũng phải có nghề và công phu.

Sau hàng loạt video “săn ma”, khi nền tảng TikTok thêm tính năng bán hàng, L.C. nhanh chóng giới thiệu sản phẩm vòng tay phong thủy. Để thêm uy tín, tài khoản L.C. còn làm hẳn 3 video nói về chuyện mình bị “vong nhập” trong quá trình đi quay ở các nhà hoang, và cách hóa giải chính là việc đeo vòng tay phong thủy! Không bán hàng như L.C., tài khoản L.H.N. kiếm tiền từ lượt xem của người dùng mạng xã hội, vì nền tảng YouTube từ lâu đã bật chế độ kiếm tiền tại thị trường Việt Nam. Nhưng để tăng thêm nguồn thu nhập, N. để hẳn số điện thoại và số tài khoản trên kênh của mình, và kêu gọi sự donate (ủng hộ) từ người xem, nếu thấy các video của kênh hấp dẫn.

Càng không thấy thì người ta càng tò mò, các “nhà sáng tạo nội dung số” nhanh chóng nắm bắt xu hướng này. Hành trình “săn ma” được kể từ những video quay rõ nét, đến video kiểu trắng đen như camera ghi lại, hoặc hình ảnh bùa chú lạ lẫm…, miễn sao càng độc lạ, càng nhiều người theo dõi, thì có muôn vàn cách để kiếm tiền. Sự phủ sóng của các video “hô ma gọi quỷ” kiểu này cũng là một xu hướng trong hàng triệu xu hướng của nền tảng số. Nhưng kiểm duyệt để giới hạn độ tuổi tiếp cận, hay lo lắng những tác động của nó ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần người xem, thì hẳn phải cần một biện pháp mạnh hơn tiêu chuẩn cộng đồng mà các nền tảng mạng xã hội đang đặt ra.

- TS PHÚ VĂN HẲN, Tổng Thư ký Hội Dân tộc học - Nhân học TPHCM, Phó Viện trưởng Viện KHXH vùng Nam bộ:

Văn hóa phải phục vụ cho giá trị sống tốt đẹp

Trong cuộc sống chúng ta vẫn thường nghe những câu kiểu “bói ra ma, quét nhà ra rác”, “dự án ma, hợp đồng ma”, yếu tố ma ở đây là không có thật. Hay như từ “ma cô” để chỉ những hành vi đểu giả, không thật lòng, không có gì tốt đẹp cả… Vì vậy, có thể nói câu chuyện ma quỷ thì ai cũng biết, nhưng chưa ai thấy tận mắt, bắt tận tay. Nên khi người làm nội dung số quay video kể chuyện ma thì rất dễ dàng thu hút người xem, vì thực hư có ai biết như thế nào đâu mà không click vào xem.

Nhưng khi xem quá nhiều những video nói chuyện ma quỷ, mà bản thân không tìm hiểu kỹ và không trang bị kiến thức khoa học chính thống, sẽ rất dễ bị dẫn dắt đến những hành vi sai lệch như tin tưởng hoặc sợ hãi quá mức vào ma quỷ. Vì thế, khả năng chọn lọc và nắm bắt nội dung mình muốn tiếp cận của mỗi người là rất quan trọng. Và dù sáng tạo nghệ thuật hay sáng tạo trên nền tảng số, điều quan trọng vẫn là phải phục vụ cho các giá trị sống tốt đẹp của con người thì mới gọi là văn hóa, còn ngược lại hay chỉ phục vụ cho lợi ích một vài cá nhân thì không thể gọi là văn hóa được.

- TS BÙI VIỆT THÀNH, giảng viên Khoa Văn hóa học, Trường Đại học KHXH-NV TPHCM:

Chung tay ngăn chặn những sản phẩm xấu

Tại Việt Nam, 5 năm trở lại đây, các vấn đề khám phá, thám hiểm tâm linh, săn ma, giải mã bí ẩn, đặc biệt là vấn đề săn ma… được các “nhà sáng tạo nội dung” (streamer) thực hiện, bằng cách dựng lại hoặc trực tiếp tại các hiện trường. Tuy nhiên, nhiều nội dung chưa ổn và sai sự thật, hoặc phóng đại thu hút người dùng nhằm có thể kiếm tiền từ hoạt động này.

Các nội dung vừa huyền bí, giật gân nhắm vào bản tính tò mò của người xem, khiến họ bỏ qua việc chọn lọc thông tin, tính xác thực và nhất là tính nhân văn. Dưới góc độ của văn hóa truyền thông, các yếu tố này có thể tác động xấu đến người xem, đặc biệt là giới trẻ, khiến họ hiểu sai các giá trị nhân bản của con người, các sự vật - hiện tượng được nhìn một cách thiếu khách quan, thiên kiến, và không đảm bảo được yếu tố giáo dục.

Điều này cũng góp phần khiến người trẻ có những hành xử sai lầm, không đạt, thậm chí là vi phạm các chuẩn mực về đạo đức. Sáng tạo các nội dung lệch chuẩn văn hóa đang dần bị đào thải tại các nước phương Tây, nhưng với Việt Nam thì ngược lại, ngày càng nhiều người tham gia - mục đích đưa tin nhanh, kiếm tiền. Cũng không hẳn đổ lỗi hết cho mạng xã hội mà chính chúng ta cũng phải có trách nhiệm trong việc ngăn chặn, báo cáo các sản phẩm xấu, độc hại để dần loại trừ cũng như ủng hộ, tán đồng những sản phẩm có tính chuẩn mực, giáo dục kiến thức, lòng nhân bản của con người.

THIÊN BÌNH - THANH TRÚC

Tin cùng chuyên mục