Mạnh tay dẹp lò mổ lậu

UBND tỉnh Đồng Nai vừa có quyết định phê duyệt mạng lưới giết mổ động vật tập trung đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2025, Đồng Nai sẽ có 58 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, tăng 11 cơ sở so với quy hoạch trước đây. Mỗi ngày các cơ sở sẽ giết mổ 7.400 con heo và 178.000 con gà. 

UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng việc phê duyệt trên là cần thiết nhằm góp phần quản lý hiệu quả cơ sở giết mổ trên địa bàn, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân yên tâm đầu tư, sản xuất. Việc phát triển hệ thống giết mổ tập trung phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội và định hướng phát triển bền vững lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, kết nối các vùng nguyên liệu, thị trường tiêu thụ, đảm bảo cung cấp thực phẩm an toàn cho thị trường trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu.

Vấn đề là, Đồng Nai hiện có nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung hoạt động cầm chừng, có lò mổ phải ngưng hoạt động do thiếu nguyên liệu đầu vào, nguyên nhân do đâu?

Đơn cử như lò mổ của anh Nguyễn Bá Thành (ngụ xã Sông Thao, huyện Trảng Bom), năm 2018 đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ hiện đại, đúng chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, số vốn hơn 17 tỷ đồng. Lò mổ này có công suất giết mổ 700 con heo, bò, gà/ngày, nhưng từ khi khánh thành đến nay, lò chỉ giết mổ khoảng 10 con heo/ngày và 60 con gà/ngày đêm (công suất 10%), rơi vào cảnh thua lỗ và có nguy cơ phá sản vì không thể cạnh tranh được với các lò mổ lậu.

Theo thống kê, Đồng Nai hiện có 33 cơ sở giết mổ được dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap) hỗ trợ đầu tư. Đây là các cơ sở giết mổ được đầu tư theo quy hoạch với công nghệ, hệ thống dây chuyền giết mổ hiện đại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch trên địa bàn. Tuy nhiên, các lò mổ thuộc dự án Lifsap đang chật vật cạnh tranh với lò giết mổ lậu, thậm chí có cơ sở đầu tư hàng chục tỷ đồng rồi “trùm mền” vì càng làm càng lỗ. 8 cơ sở giết mổ tập trung có quy mô nhỏ khác không thuộc dự án Lifsap cũng hoạt động cầm chừng, một số cơ sở đã phá sản.

Việc xây dựng mạng lưới giết mổ động vật tập trung theo tiêu chuẩn an toàn, bảo vệ môi trường là cần thiết, tuy nhiên, UBND tỉnh cần chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường hoạt động của đội liên ngành, kiểm tra xử lý, xóa bỏ các cơ sở mổ không phép, không phù hợp quy hoạch. Khi đó mới khuyến khích được người dân đầu tư lò mổ tập trung, khép kín, hiện đại theo đúng mục tiêu đã đề raq

Tin cùng chuyên mục