Tỉnh Lào Cai có 15 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH), cả phong tặng và truy tặng. Khi chúng tôi tìm đến Lào Cai, không có Mẹ VNAH nào còn sống. Một lần nữa, sức trẻ của chúng tôi đã chậm hơn tuổi già sức yếu của các bà mẹ. Chúng tôi tìm hình bóng mẹ qua nàng dâu, đàn cháu.
Chúng tôi tìm đến nhà Mẹ VNAH Phan Thị Mán thì đã gần 4 giờ chiều. Mặt trời đã khuất sau đỉnh núi. Những mái nhà sàn trên đỉnh dốc chìm dần trong bóng đêm… Ngôi nhà sàn của mẹ ở tổ dân phố Mạ 1, thị trấn Khánh Yên, huyện Văn Bản, tỉnh Lào Cai. Anh Phan Ngọc Sơn, con bà Phan Thị Cảy, vợ liệt sĩ Phan Tiến Chin giải thích: “Mạ có nghĩa là ngựa. Đồng bào ở bản Mạ nuôi nhiều ngựa bán cho quan. Mẹ Phan Thị Mán người dân tộc Giáy (xưa là dân tộc Nhắng), lấy chồng người Tày nên được xem là dân tộc Tày. Ký ức anh Sơn còn lưu giữ hình ảnh người cha liệt sĩ Phan Tiến Chin: “Bố hy sinh, tôi còn rất nhỏ. Bố tôi tham gia cách mạng từ năm 1966, là đảng viên. Năm 1967, bố nhập ngũ. Trước đó, bố tham gia dân quân, là một du kích dũng cảm, từng dẫn đầu những đội diệt trừ tiểu phỉ. Ông cưỡi ngựa, bắn súng kíp rất giỏi!”. Bà nội anh - Bà mẹ VNAH Phan Thị Mán đã trao cho anh bức ảnh mà bà quý như một báu vật. Người cha trong bức ảnh là một người đàn ông cao lớn, đẹp trai. Anh Sơn kể: “Bà nội rất tự hào về bố tôi, bà bảo: Bố con cưỡi ngựa, bắn súng giỏi, đeo bao da, bắt phỉ!”.

Bà Phan Thị Cảy, dâu Mẹ VNAH Phan Thị Mán…
Bằng chất giọng truyền cảm những người con của núi, anh Sơn nhắc lại lời mẹ mình kể về cha: “Mẹ tôi vẫn thường giải thích về sự ra đi của bố. “Vì bố là đảng viên nên bố xung phong, nhập ngũ. Nhiều trai làng theo gương bố con đã vào bộ đội, có mặt nơi mặt trận phía Tây, phía Nam. Nhiều người như bố con đã nằm lại nơi chiến trường ác liệt”.
Mang tâm hồn đa cảm, nồng ấm, anh Sơn là cầu nối mạch ký ức của những người phụ nữ với người đàn ông đã hy sinh: “Trước khi vào Nam chiến đấu, bố tranh thủ về thăm nhà. Nội và mẹ tôi rất mừng, giết gà, nấu bữa cơm rất ngon cho bố ăn. Mẹ hái những lá thuốc về cho bố xông giải cảm. Mẹ cứ nghĩ bố sẽ có được một đêm ở nhà. Nhưng chiều hôm ấy, bố phải đi. Huyện đội có lệnh triệu tập. Bố đang bệnh cũng cố ngồi dậy, chuẩn bị hành trang lên đường. Mẹ nhìn bố chết lặng, chỉ có nước mắt thay lời. Vì chuyện nước non, nội và mẹ tôi rất buồn nhưng đành gạt nước mắt tiễn bố đi, động viên bố cứ yên tâm về đơn vị, chuyện nhà đã có nội và mẹ lo!”.
Khi chúng tôi đến, ngôi nhà sàn anh Phan Ngọc Sơn đã vắng bóng hai người phụ nữ. Mẹ Phan Thị Mán đã mất năm 1984. Khi ấy, mẹ chưa hề biết 10 năm sau, Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho mẹ. Nhưng ký ức tuổi thơ anh còn ghi đậm những giọt nước mắt của người bà, người mẹ…

Anh Phan Ngọc Sơn âm thầm ghi lại những ca dao dân ca người Tày, đặc biệt là những câu hát Tày về tình yêu thương con người, tình yêu đôi lứa mà bà nội anh, mẹ anh ngày xưa đã hát ru, nuôi anh lớn lên
Tôi vô cùng kinh ngạc vì những lời anh Phan Ngọc Sơn kể. Theo hồ sơ liệt sĩ, Phan Tiến Chin sinh năm 1943, nhập ngũ năm 1966, hy sinh ngày 12-2-1971. Khi hy sinh, người liệt sĩ ấy chưa kịp để lại cho người vợ trẻ đứa con. Trong khi anh Phan Ngọc Sơn sinh năm 1967. Anh Phan Ngọc Sơn giải thích: “Khi bố đi rồi, ngôi nhà rất quạnh quẽ. Nội tôi sợ mẹ buồn đã xin tôi về nuôi. Khi ấy, tôi mới được 40 ngày tuổi. Hai người phụ nữ trở thành trụ cột trong ngôi nhà, nuôi nấng tôi lớn lên. Mẹ làm công điểm cho hợp tác xã, trồng thêm lúa trên nương, nuôi heo gà… Mẹ yêu thương tôi như con ruột. Bố đi, mẹ ở nhà tần tảo nuôi mẹ chồng, nuôi tôi lớn lên. Mẹ hy vọng ngày bố về, mẹ sẽ mang lại cho bố niềm vui bất ngờ. Bỗng một hôm giấy báo tử gửi về bản Mạ, báo tin bố hy sinh. Chính quyền xã làm lễ truy điệu bố. Nội và mẹ tôi vô cùng đau đớn”.
Con trai hy sinh, để lại người vợ trẻ. Lòng mẹ Phan Thị Mán quặn đau, khi nhìn thấy tuổi xuân con dâu cứ theo mùa màng trôi đi. Nên khi con dâu ngỏ ý đi bước nữa, mẹ Phan Thị Mán không hề ngăn cản. Dù đi bước nữa, bà Phan Thị Cảy vẫn ở lại ngôi nhà của mẹ Phan Thị Mán. Mẹ vẫn xem ông Hà Văn Ẳm (dân tộc Tày), chồng sau của con dâu như con ruột. Hai vợ chồng cùng chăm sóc mẹ, nuôi nấng anh Phan Ngọc Sơn ăn học. Bà Phan Thị Cảy học đến lớp 5, làm đội trưởng đội sản xuất hợp tác xã. Bà được trao Huân chương Kháng chiến hạng ba vì thành tích lao động sản xuất giỏi…
Bà Phan Thị Cảy ở lại ngôi nhà mẹ chồng cho đến khi anh Phan Ngọc Sơn trưởng thành, bà mới “ra ở riêng”. Trong đáy lòng, anh Phan Ngọc Sơn xem bà nội, xem mẹ Phan Thị Cảy là người bà, người mẹ thân yêu nhất. Từ nguồn năng lượng tình yêu thương của hai người phụ nữ, chàng trai người Tày lớn lên, vững chãi như núi. Anh thấu hiểu những ngày hòa bình đã được đổi bằng xương máu của lớp lớp cha anh.
Anh Phan Ngọc Sơn đã dựng lại ngôi nhà sàn, lưu giữ những kỷ niệm của người cha liệt sĩ, lưu giữ những nỗi niềm của người bà - một Bà mẹ VNAH đã ra đi sau những ngày hòa bình đầu tiên, chưa kịp nhìn thấy những bà mẹ có con hy sinh cho Tổ quốc được tôn vinh.
Mong ước lớn nhất của anh Phan Ngọc Sơn là nỗ lực làm việc, kiếm tiền, xây lại mộ cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Mán, đưa hài cốt bố về quê hương…
Đi cùng tôi đến thăm nhà mẹ, anh Cao Minh Thủy, Chủ tịch UBND thị trấn Khánh Yên, trăn trở: “Ở Văn Bàn có nhiều trai làng hy sinh ở chiến trường phía Nam, để lại mẹ già, vợ trẻ, con còn bé dại, nhưng các anh hy sinh ở đâu, hài cốt giờ nằm ở đâu, ít ai biết được. Ai cũng muốn quy tập hài cốt người thân mình về địa phương nhưng không biết mộ người thân nằm ở đâu, cũng không có đủ tiền, không biết đường đi…”.
Chàng trai Tày dũng cảm năm ấy vĩnh viễn nằm lại ở chiến trường miền Nam. Dẫu không biết hài cốt của anh Phan Tiến Chin nằm lại nơi đâu nhưng người con liệt sĩ và những thế hệ lớn lên ở Văn Bàn tin rằng linh hồn những người lính đã ngã xuống cho Tổ quốc đang hóa thân vào những dáng núi kiêu hùng, sừng sững như thành đồng, che chắn cho vùng biên cương Tây Bắc. Nhiều Mẹ VNAH đã mất. Chúng tôi tìm hình bóng mẹ qua nàng dâu, đàn cháu.
TRẦM HƯƠNG