Đìu hiu
Tại Hà Nội, các khu di tích, danh thắng lớn như Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn, Hoàng Thành Thăng Long… đã mở cửa ngay từ ngày 8-3, song chỉ lác đác bóng du khách ra vào.
Theo những người bán hàng tại phủ Tây Hồ (Hà Nội), mọi năm đây là thời điểm khách hành hương đông nườm nượp. Trước khi Covid-19 bùng phát, mỗi ngày nơi đây đón hàng chục xe du lịch lớn nhỏ ở các tỉnh về Hà Nội nhưng năm nay, lượng khách vắng vẻ hẳn. Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, theo thống kê sơ bộ, số vé bán ra tại đây trên dưới 200 vé/ngày, giảm hơn 90% so với thời điểm trước lúc đóng cửa. Khi được hỏi về việc có trông đợi vào việc du khách quốc tế quay trở lại, khi dịch Covid-19 được khống chế, ông Lê Xuân Kiêu cho biết, trước đây, khách nước ngoài đến Văn Miếu chiếm đa số, song sau mấy lần bị “truy vết F1” gây xáo trộn, nên khách nội vẫn là nguồn mà di tích này hướng tới.
Đền Ngọc Sơn những ngày này cũng rất thưa vắng, ban quản lý đền chờ lượng khách sẽ đông dần lên, nhất là khi cuối tuần này, phố đi bộ hồ Gươm hoạt động trở lại. Ông Nguyễn Doãn Văn, Trưởng ban Quản lý Di tích danh thắng Hà Nội phân tích, dù di tích mở cửa trở lại nhưng vì đã qua hết các dịp lễ tết nên lượng khách giảm tới hơn 70% so với trước dịch. “Tháng này, nhân viên ở các di tích chưa có lương. Các đơn vị quản lý di tích ở Hà Nội hoạt động theo cơ chế tự chủ, không có khách đồng nghĩa không có nguồn thu để chi trả và duy trì hoạt động”, ông Nguyễn Doãn Văn nói.
Siết chặt phương án phòng chống dịch
Mở cửa chậm một tháng so với mọi năm, ngày 13-3, chùa Hương mới chính thức mở cửa đón khách trở lại. Ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng ban Quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (Mỹ Đức, Hà Nội), cho biết, di tích có không gian rộng, khi mở cửa đón lượng lớn du khách ở Hà Nội và các tỉnh về tham quan lễ Phật, nguy cơ cao xuất hiện dịch. Đón khách trở lại, huyện Mỹ Đức và ban quản lý phải sẵn sàng kịch bản chi tiết. “Tại 3 cổng soát vé, chúng tôi thực hiện đo thân nhiệt, sát khuẩn và khai báo y tế theo đoàn. Chúng tôi cũng tăng cường tuyên truyền để người dân có ý thức phòng dịch khi tham quan di tích và lễ chùa. Ban tổ chức dán nhiều tờ thông báo phân bố khắp di tích để hướng dẫn khách quét mã QR và khai báo y tế qua điện thoại thông minh”, ông Hiển cho biết. Trực quan hơn, ban tổ chức chuẩn bị loa cầm tay để nhắc nhở du khách tránh tập trung đông người tại các khu vực như bến xe, đền Trình, chùa Thiên Trù, ga cáp treo và động Hương Tích. Sẽ có phương án bố trí lực lượng hướng dẫn du khách đảm bảo giãn cách, di chuyển theo một chiều.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Ban quản lý Di tích đền Cửa Ông cũng xây dựng và triển khai các phương án phòng chống dịch một cách bài bản, chặt chẽ. Theo bà Nguyễn Thị Bích Thương, Phó phòng VH-TT huyện Cẩm Phả (Quảng Ninh), đền Cửa Ông cũng mở cửa đón tiếp nhân dân trong tỉnh, du khách từ các tỉnh thành đến chiêm bái và thực hiện các hoạt động nghi lễ, tâm linh. Dự kiến những ngày tới, lượng du khách thập phương đổ về di tích tăng cao, các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 sẽ được tăng cường. Ngày 15-3 (3 tháng 2 âm lịch) diễn ra lễ hội văn hóa truyền thống đền Cửa Ông, tuy nhiên năm nay, các hoạt động phần hội không tổ chức, chỉ thực hiện các hoạt động nghi lễ truyền thống. Tại điểm hành hương trọng điểm cũng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là Khu di tích Yên Tử, đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch như trang bị máy đo thân nhiệt du khách, bố trí dung dịch sát khuẩn, tăng cường thông báo đến du khách thực hiện các quy định phòng dịch…