
Thị trường viễn thông Việt Nam chắc chắn sẽ có những biến động lớn khi “mở cửa hoàn toàn”. Với việc cho phép các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài và tất cả mọi thành phần kinh tế tham gia, sự cạnh sẽ gay gắt và sôi động hơn rất nhiều so với hiện nay, nhất là từ phía các tập đoàn viễn thông nước ngoài. Câu hỏi được nhiều người rất quan tâm: các doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị như thế nào để có thể phát huy được lợi thế “sân nhà” trong cuộc chơi này?
“Sức nóng” của chính sách và thực tế

Nhà máy sản xuất cáp quang Sacom đã sản xuất cáp quang thay thế sản phẩm nhập khẩu cung ứng cho ngành viễn thông.Ảnh: THÀNH TÂM
Hiện nay, Bộ TT-TT đang lấy ý kiến chuyên gia, các nhà quản lý và doanh nghiệp viễn thông trong và ngoài nước nhằm chuẩn bị cho việc mở cửa hoàn toàn lĩnh vực viễn thông, một ngành kinh tế đang được xem vẫn đang “phát triển nóng” hiện này.
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ TT-TT Lê Nam Thắng, ngoài việc phải đảm bảo tuân thủ cam kết khi hội nhập WTO, Việt Nam còn phải xây dựng và ban hành Luật Viễn thông nhằm đưa lĩnh vực kinh tế này hội nhập sâu, phát triển rộng và đảm bảo chuẩn. Dự thảo Luật Viễn thông do Bộ TT-TT đang soạn thảo cam kết sẽ mở cửa cho mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển viễn thông.
Chính vì vậy, mặc dù đến lần thứ 32, nhưng dự thảo Luật Viễn thông vẫn được bàn thảo hết sức sôi nổi và liên tục cập nhật. Trong tuần này, Chính phủ sẽ chính thức trình dự thảo Luật Viễn thông để Quốc hội thảo luận và thông qua.
Bên cạnh sức ép về những chính sách đi kèm, nhằm thực hiện các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO đối với viễn thông và “sức nóng” từ dự thảo Luật Viễn thông, thì cuộc cạnh tranh, thâm nhập và phát triển của thực tế thị trường từ phía các tập đoàn viễn thông nước ngoài còn nóng hổi hơn.
Các chuyên gia đều khẳng định: sự xâm nhập của các tập đoàn viễn thông nước ngoài ngày càng sâu hơn và quy mô rộng hơn; chưa bao giờ ở Việt Nam lại có sự hiện diện nhiều đến như vậy của các tên tuổi lớn của làng viễn thông thế giới.
Ở lĩnh vực di động, SK Telecom (Hàn Quốc) đã xác định sự hiện diện qua S-Fone; Hutchison (Hồng Công – Trung Quốc) góp mặt cùng với sự ra đời của HT Mobile và bây giờ là Vietnam Mobile; Vimpelcom (Nga) xâm nhập qua việc liên doanh để ra đời Gtel Mobile…
Đặc biệt hơn ở lĩnh vực này, hầu hết các tập đoàn lớn như AT-T, Cisco, Motorola (Mỹ), Nokia (Phần Lan), Ericsson (Thụy Điển)… đều đã xác lập vị trí “khá lớn” trong việc cung cấp hạ tầng công nghệ, thiết bị mạng viễn thông…
Đặc biệt, với việc mạng di động MobiFone chuẩn bị cổ phần hóa, hàng loạt tập đoàn viễn thông, nhà đầu tư tên tuổi nước ngoài đã có “tần suất xuất hiện” khá nhiều ở Việt Nam. Họ muốn mua cổ phần của MobiFone, mạng di động được xem là lớn nhất nhì Việt Nam hiện nay.
Tiềm năng còn lớn và phải tranh thủ trước khi mở cửa

Theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO là sau 2 năm, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài được quyền cung cấp dịch vụ; 3 năm sau, doanh nghiệp nước ngoài được thành lập chi nhánh và cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. Đối với dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng, trong 3 năm đầu được liên doanh, 3 năm tiếp theo được lựa chọn đối tác liên doanh và góp vốn tối đa 65%. Với dịch vụ vệ tinh, Việt Nam cam kết sau 3 năm sẽ mở rộng đối tượng…
So với một số lĩnh vực kinh tế khác, viễn thông Việt Nam đã cơ bản đứng vững trước những “cơn bão” đổ bộ của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn từ nước ngoài khi chúng ta gia nhập WTO và từng bước mở cửa thị trường nội địa.
Có được điều này, một phần là do Việt Nam đã thành công trong việc đàm phán trong việc nắm ít nhất 51% cổ phần doanh nghiệp viễn thông; sau đó là chậm và kéo dài những cam kết khắt khe của WTO.
Tuy nhiên, “miếng bánh” còn lại của thị trường viễn thông Việt Nam là vẫn còn “khá ngon” và đó được xem là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nước ngoài cũng như các thành phần kinh tế khác.
Đối với lĩnh vực di động, con số 20% dân số (dù chỉ là trên mặt lý thuyết) còn lại và gần 100% các loại dịch vụ gia tăng trên di động còn bỏ trống là một tiềm năng lớn. Ở mảng Internet, Việt Nam mới có hơn 21 triệu người dùng trong tổng số gần 6 triệu thuê bao.
Đặc biệt số lượng doanh nghiệp được phép cung cấp hạ tầng mạng hiện chỉ 10. Vì vậy, cơ hội đầu tư, mở rộng kinh doanh ở lĩnh vực này là còn khá lớn.
Theo các chuyên gia thì thời hạn mở cửa hoàn toàn thị trường viễn thông đã tới gần. Dù khá yên tâm với năng lực hiện có, song lo ngại trong cạnh tranh là điều không thể tránh khỏi. Doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới đáp ứng ở phần dịch vụ cơ bản; trong khi “phần gốc” là công nghệ, thiết bị gần như hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài.
Bên cạnh đó, “phần ngọn” là dịch vụ gia tăng và dịch vụ xuyên biên giới cũng đang dần được các doanh nghiệp nước ngoài nắm giữ. Theo các chuyên gia, việc nắm “phần gốc” là quá khó. Song “phần ngọn” là điều mà doanh nghiệp Việt Nam cần xác định mục tiêu để cạnh tranh, ít nhất là những gì ở “sân nhà” của mình.
Đặc biệt, tranh thủ “khoảng trống” cam kết WTO trước khi mở cửa hoàn toàn, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tập trung sức mạnh và khẳng định mình, ngay cả trong việc phát triển dịch vụ 3G mới được Bộ TT-TT cấp phép.
Làm được những điều này, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có được ưu thế trong hợp tác, cùng phát triển thay vì phải cạnh tranh hoặc chia sẻ bớt lợi ích cho các doanh nghiệp nước ngoài, khi họ chính thức “nhảy vào” thị trường Việt Nam.
TRẦN LƯU