
Anh Hoàng Tùng là Tổng Biên tập Báo Nhân dân từ đầu năm 1955. Trước đó anh là Chánh văn phòng Trung ương Đảng.
Là tổng biên tập, anh chỉ duyệt một số bài quan trọng như bình luận, xã luận. Một số bài quan trọng anh trực tiếp viết, còn các bài xã luận đều do các anh phụ trách các ban viết. Thông thường anh duyệt xã luận khoảng 10 giờ, nhưng ít ai viết kịp vào giờ này. Vì vậy anh phải thức rất khuya.
Tôi đi lấy bài về đưa anh duyệt, đem đi đánh máy, đưa anh xem lại kỹ rồi đưa nhà in. Có bài quan trọng chúng tôi còn phải đưa sang anh Trường Chinh và các anh Bộ Chính trị duyệt. Anh Tùng phải chờ bài đem về xem lại một lần cuối rồi mới đưa đi nhà in.

Nhà báo Hoàng Tùng
Tôi được anh giao đọc công văn khi anh viết bài. Anh có tài vừa viết vừa nghe đọc. Có một thời gian, anh Hà Minh Tuân đưa anh duyệt sách mới viết. Tôi đọc cho anh nghe, chỗ nào anh Tuân viết sai, anh bảo tôi ghi vào bên lề để anh sửa.
Nhờ đọc cuốn sách của anh Hà Minh Tuân, tôi mới biết anh Hoàng Tùng đã làm Bí thư Thành ủy Hà Nội năm 1945 lúc mới 26 tuổi. Anh chỉ huy các cuộc diệt bọn lính Tưởng Giới Thạch gây rối ở Hà Nội trong đó có những vụ gây rắc rối lớn. Anh kể: “Mấy ông lãnh đạo sợ mình ở Hà Nội hay tổ chức đánh lính Tưởng sẽ nguy hiểm, mới đưa về làm bí thư ở Hải Phòng. Ai ngờ về đây mình lại chỉ huy nện lính Tây, góp phần phát động toàn quốc kháng chiến”.
Một hôm đang đọc tài liệu, bảo vệ cổng báo tin có nhà thơ Hoàng Cầm xin gặp. Đó là vào lúc nảy sinh vụ “nhân văn giai phẩm” và có lời đồn anh Hoàng Cầm dính dáng. Anh Tùng nói: “Chú xuống chơi với anh ấy một lúc, nói chờ mình duyệt bài xong sẽ tiếp. Anh ấy là một người tốt”.
Sau này có dịp gặp anh Hoàng Cầm, anh nhớ rất rõ buổi tối gặp anh Hoàng Tùng: “Nhờ anh ấy động viên nên mình mới đứng được”.
Dạo đó có đường dây điện thoại nóng từ trung ương ra Báo Nhân dân. Sáng nào, đồng chí Trường Chinh hay Bác Hồ cũng gọi thẳng cho anh phê bình những sai đúng trên báo. Tôi gác điện thoại cho anh nên khi thấy anh nghe điện thoại mà dạ liên tục là biết báo có sai, mà trước hết do phòng thư ký tòa soạn gây ra, nên chúng tôi nháy nhau “chuồn” khỏi phòng.
Anh bị phê bình nhưng quay lại không thấy chúng tôi nên cũng bớt giận. Đến trưa chỉ nhắc lại để rút kinh nghiệm. Một hôm, mới sáng sớm điện thoại đã reo, tôi cầm ống nghe.
Đầu dây có một giọng ấm áp: “B đây, gọi chú Tùng cho B nói chuyện”. Tôi run lên. B là cách xưng bí mật của Bác Hồ. Tôi lắp bắp: “Dạ thưa... thưa B... Cháu đi gọi ngay”. Bác phê bình gì đó, anh Tùng cứ dạ liên tục, nhưng tôi không dám rời khỏi phòng vì anh ra hiệu đứng lại. Bỏ ống nghe, anh nói: “Chú đi mời các anh ban biên tập đến họp”.
Anh sống giản dị, chan hòa với anh em. Anh giỏi nấu ăn vì ngày hoạt động cách mạng có lúc làm bồi cho Tây. Mỗi lần cơ quan tổ chức liên hoan với thịt dê phải thuê người ngoài vào nấu. Anh xuống bếp góp ý nên làm thế này, thế nọ mới ngon. Ông thợ nấu tự ái nghề nghiệp, cau có với anh. “Ông biết gì mà nói. Có rỗi thì bóc tỏi, bóc hành cho tôi”. Anh giao rổ hành tỏi rồi chuồn. Buổi chiều, trước lúc liên hoan, anh xuống mời ông thợ nấu lên ngồi cùng bàn.
Một lần anh đi dự chiêu đãi đầu năm do Thủ tướng Phạm Văn Đồng chủ trì. Anh gọi tôi theo để viết tin. Đến Nhà hát Lớn, bảo vệ không cho tôi vào vì không có giấy mời. Anh nói, không có giấy mời phóng viên, nếu cần anh về cho phóng viên vào. Đồng chí bảo vệ cũng không chịu. Anh nói tôi về, không viết tin. Sáng mai văn phòng Thủ tướng phê bình Báo Nhân dân không đưa tin Thủ tướng chiêu đãi. Anh trả lời: Không mời cũng không cho phóng viên vào dự nên không có tin.
Vào dịp tết, anh nói tôi ôm báo theo anh và anh Thép Mới về Hội Lim (Bắc Ninh) để bán thăm dò dư luận nhân dân. Rao cả buổi, ba anh em không bán được một tờ. Anh mời một bà bán tạp hóa, bà ta nhận mua... nửa tờ. Báo tết 8 trang bán 4 hào, bà ta đưa 2 hào mua báo lấy lòng ông bán báo già.
Cuối năm 1959, tôi được kết nạp vào Đảng. Buổi chiều anh Trần Các, Bí thư Đảng ủy gọi tôi đến nói: “Hôm nay cậu chưa được kết nạp vì có đảng viên phản đối”. Tôi dắt xe ra cổng gặp anh Tùng đi vào. Anh hỏi, tôi nói lại ý kiến anh Trần Các. Anh gọi tôi trở lại, rồi phê bình anh Trần Các: “Chi bộ đã nhất trí, sao bây giờ lại có đảng viên phản đối. Có ý kiến như vậy cũng là thiểu số. Phải làm lễ kết nạp cho chú ấy”.
Trong lễ kết nạp, anh đã phát biểu về tôi: “Đồng chí là đảng viên ít tuổi nhất của Đảng bộ. Vì vậy phải sống khiêm tốn, noi gương các anh chị...”.
Hôm họp chuyển Đảng chính thức, đồng chí đảng viên đã phản đối kết nạp tôi trước đó, phát biểu: “Tôi thấy đồng chí còn quá trẻ, sợ chưa chín chắn nên chưa đồng tình. Nay tôi tán thành chuyển Đảng chính thức cho đồng chí”. Anh Tùng vỗ vai tôi: “Nhớ chưa!”.
Năm 1963, tôi xin anh đi làm báo ở miền Nam. Anh nói: “Miền Nam đang cần lính chiến đấu, chưa cần nhà báo”. Nhân anh đi Liên Xô, tôi xin anh Nguyễn Thành Lê, Phó Tổng biên tập ký cho tôi đi B. Khi về biết tin, anh gọi tôi lên phê bình: “Cuộc kháng chiến ở miền Nam nếu không có gì đột biến xấu thì sắp giành thắng lợi”. Anh giải thích: “Cách mạng miền Nam đang phát triển tốt, ngày chiến thắng sắp đến gần. Chú cứ chờ, nếu có điện xin nhà báo, anh cho đi”.
Năm 1964, anh Vũ Quang, Bí thư Trung ương Đoàn gặp anh nói miền Nam xin người về xây dựng tờ báo Đoàn. Anh gọi tôi lên đồng ý cho đi. Anh hỏi: “Bộ Văn hóa gọi đi học ngành in ở Đức, học trình bày sách ở Liên Xô sao lại từ chối?”. Tôi nói: “Em xin đi làm báo ở miền Nam”. Anh dặn: “Gian khổ, ác liệt và có thể hy sinh, chú có đám đi không? Đừng làm hổ thẹn Báo Nhân dân”.
Anh và các anh Nguyễn Thành Lê, Thép Mới, Quang Đạm, Hồng Hà, Hà Đăng tiễn tôi lên đường.
Từ miền Nam, năm 1965 tôi gửi bài bút ký về Đại hội anh hùng quân giải phóng, anh cho đăng ngay trên Báo Nhân dân.
Năm 1968, giữa tháng 2, tôi gửi ra anh bài “Chiến lũy trên đường phố Sài Gòn”, anh cho đăng. Năm 1969, tôi viết tiếp bút ký về Mậu Thân, anh cho đăng và viết thư hỏi thăm tôi, dặn dò sống tốt và viết nhiều. Anh vẫn nhắc đừng làm xấu hổ danh dự Báo Nhân dân.
Năm 1975, từ miền Nam tôi ra dự khánh thành Lăng Bác và Quốc khánh. Chạy về cơ quan, gặp anh ở giữa sân. Anh ôm chặt tôi mừng rỡ. Rồi anh nói với các anh, các chị đang vây quanh: “Nhà báo miền Nam mới ra Bắc không có phiếu gạo. Các anh, các chị cho ít tem phiếu để nhà báo sống chứ mua chợ đen sao được”.
***
Ngày 21-6-2010, nhân kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, lực lượng báo chí cách mạng Việt Nam – mà anh là một trong những “cây đa” – đã được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng. Vì mệt anh đã không thể đến chia vui.
Chỉ không đầy mười ngày sau đó, anh đã đi xa…
ĐINH PHONG