Một góc nhìn khác về đấu thầu, đấu giá đất

Cũng rất xác đáng khi Nghị quyết 18 nêu rõ yêu cầu chuyển đổi số trong quản lý, đảm bảo tính minh bạch trong giao dịch về đất đai bằng cách thông qua sàn, qua ngân hàng… Tuy nhiên, không phải mọi yêu cầu đó đều đã được cụ thể hóa trong dự thảo Luật Đất đai đang được lấy ý kiến.

Nghị quyết 18/NQ-TW/2022 đề cập đến nhiều vấn đề căn cốt trong quản lý đất đai: tài chính đất đai (giá đất và thuế đất), đổi mới quá trình chuyển dịch đất đai (cơ chế nhà nước thu hồi đất và các bên thỏa thuận) tạo ra một cơ chế hài hòa lợi ích cho cả 3 bên (Nhà nước, nhà đầu tư và người bị thu hồi đất). 

Cũng rất xác đáng khi Nghị quyết 18 nêu rõ yêu cầu chuyển đổi số trong quản lý, đảm bảo tính minh bạch trong giao dịch về đất đai bằng cách thông qua sàn, qua ngân hàng… Tuy nhiên, không phải mọi yêu cầu đó đều đã được cụ thể hóa trong dự thảo Luật Đất đai đang được lấy ý kiến. 

Ở đây, tôi muốn nói thêm về câu chuyện đấu giá đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất. Dự thảo Luật Đất đai mà chúng ta đang bàn vẫn quy định theo lối cũ, nghĩa là nếu dự án do Nhà nước thu hồi đất thì đấu giá quyền sử dụng đất, chưa thu hồi thì đấu thầu dự án. Thẳng thắn mà nói, tôi cho rằng quy định như thế không còn phù hợp, nếu không muốn nói là sẽ cản trở quá trình phát triển.

Nhìn ra thế giới, có thể thấy rất ít nước áp dụng hình thức đấu giá quyền sử dụng đất. Cách làm này thu được lợi ích trước mắt - có thể là đem về cho ngân sách ngay một khoản tiền lớn, nhưng về lâu về dài lại làm cho môi trường đầu tư kém hấp dẫn, vì giá đất bị đẩy lên cao ngất ngưởng, khiến đầu vào của hàng hóa sản xuất ra bị “đội” lên cao, giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế. Về nguyên tắc, các nước thường đưa ra giá đất đầu vào thấp nhất để môi trường kinh doanh hấp dẫn, có sức cạnh tranh cao, doanh nghiệp hăng hái sản xuất kinh doanh và từ đấy Nhà nước thu được nhiều thuế hơn. 

Tôi biết cũng có ý kiến cho rằng đem đấu giá đất thì sẽ công bằng, tránh được tình trạng “đi đêm”, xin - cho, nhưng tại sao không nghĩ thế này: vấn đề là ở đội ngũ cán bộ của chúng ta, tại sao họ lại đối xử với nhà đầu tư một cách không công bằng, dung dưỡng xin - cho? Phải giải quyết vấn đề này, thực hiện phòng chống tham nhũng thông qua công tác cán bộ, chứ không nên sử dụng một cơ chế có hại cho nền kinh tế với lý do để hạn chế sự không công bằng. 

Bên cạnh đó, đấu giá đất còn có hại ở chỗ, bên tổ chức đấu giá chỉ đặt ra mục tiêu thu hút những người chịu bỏ ra nhiều tiền (người trả giá cao nhất để có được quyền sử dụng đất) mà chưa quan tâm đầy đủ đến những yếu tố khác.

Lẽ ra, bên cạnh yếu tố tiền sử dụng đất nộp vào ngân sách, việc đầu tư còn phải giải quyết nhiều vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường; đảm bảo lương bổng và phúc lợi cho người lao động… Tóm lại, với cơ chế đấu giá đất như hiện nay thì chưa đảm bảo chọn được nhà đầu tư tốt, thậm chí cũng không giúp phòng chống tham nhũng được bao nhiêu, như chúng ta đã thấy rất rõ trên thực tế. 

Trong khi đó, nếu tiến hành đấu thầu dự án thì vấn đề được xem xét toàn diện hơn nhiều. Nhà đầu tư phải có phương án sử dụng đất để mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường cao nhất. 

Tất nhiên, nếu theo phương thức này, chúng ta sẽ phải điều chỉnh một số đạo luật khác, chẳng hạn như Luật Đấu thầu. Tôi được biết luật này đã có trong chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, và đây chính là thời điểm rất thuận lợi để tiến hành sửa đổi, bổ sung đồng bộ.

GS-TSKH ĐẶNG HÙNG VÕ,
Nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT
ANH THƯ ghi 

Tin cùng chuyên mục