Điểm đáng chú ý trong báo cáo của cơ quan thường trực ứng phó thiên tai là năm 2021, tình hình thiên tai trên thế giới vẫn diễn biến rất khốc liệt, gây thiệt hại nặng nề ở ngay các nước phát triển, nơi có cơ sở hạ tầng chống chịu tốt hơn.
Điển hình như siêu bão Ida đổ bộ vào miền đông nước Mỹ, gây thiệt hại khoảng 65 tỷ USD; trận lũ lịch sử ở Đức và Bỉ vào tháng 7 gây thiệt hại 43 tỷ USD; trận lũ lịch sử ở tỉnh Hà Nam của Trung Quốc vào tháng 7 với thiệt hại ước tính 17,6 tỷ USD, siêu bão Rai gây thiệt hại nặng nề cho Philippines… Tổng số người chết là hơn 16.000 người, thiệt hại hơn 105 tỷ USD.
Còn ở Việt Nam, năm nay đã xảy ra 841 trận thiên tai với 18/22 loại hình khác nhau, làm 108 người chết, mất tích, 95 người bị thương; ước tính thiệt hại khoảng hơn 5.200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, năm 2021 được đánh giá là một năm “mưa thuận gió hòa” với mức thiệt hại ít hơn nhiều so với năm 2020 và gần như thấp nhất từ trước tới nay. Theo báo cáo năm 2020, tổng số người bị thiệt mạng và mất tích do thiên tai gây ra là 357 người, thiệt hại về kinh tế lên tới 39.945 tỷ đồng (tức là gấp gần 8 lần năm 2021).
Mặc dù chủ động triển khai ứng phó và các giải pháp phòng ngừa, kiểm soát rủi ro với thiên tai, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, ứng dụng khoa học công nghệ… nhưng Tổng cục Phòng chống thiên tai cũng thừa nhận những tồn tại và hạn chế hiện nay như:
Phương án ứng phó với một số loại hình thiên tai chưa sát với thực tế. Một số văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình xây dựng còn lúng túng…
Năm 2022, Tổng cục Phòng chống thiên tai kiến nghị Bộ NN-PTNT báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch phòng chống thiên tai quốc gia giai đoạn 2021-2025; sớm ban hành Quyết định thành lập Ban Quản lý Quỹ Phòng chống thiên tai; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm Chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai quốc gia; nâng cấp cơ sở dữ liệu, trang thiết bị…