Một nghị định an dân

Chưa có nghị định nào mà ngay khi mới ra đời đã tạo ra phản ứng tích cực đến xã hội như Nghị định 100/2019/NĐ-CP (ngày 30-12-2019) của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
CSGT xử phạt vi phạm nồng độ cồn tại giao lộ Nguyễn Đình Chiểu - Pasteur, TPHCM. Ảnh: NGUYỄN NHÂN
CSGT xử phạt vi phạm nồng độ cồn tại giao lộ Nguyễn Đình Chiểu - Pasteur, TPHCM. Ảnh: NGUYỄN NHÂN

Chỉ sau 10 ngày thực thi, đã có nhiều trường hợp người lái ô tô ở Bình Dương, Đồng Nai mà hơi thở trong máu có cồn ở mức cao bị xử phạt kịch trần lên đến 35 triệu đồng, chưa kể có trường hợp kèm theo lỗi khác đã bị xử phạt với tổng số tiền 40 triệu đồng. Và không chỉ người lái ô tô, xe máy mà cũng đã có người đi xe đạp uống bia rượu bị phạt 600.00 đồng - một chuyện mà lâu nay chỉ là chuyện đùa. Mức phạt cao, lại được truyền thông kịp thời rộng rãi cả trên báo đài lẫn mạng xã hội đã làm cho không ai có thể dửng dưng và đi đến đâu cũng thấy thiên hạ bàn tán về nghị định này. Do đó, có thể khẳng định rằng Nghị định 100 đã nhanh chóng đi vào cuộc sống. 

Theo thông tin từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, số ca cấp cứu do tai nạn giao thông (TNGT) trong một tuần đầu thực hiện đã giảm rõ rệt so với tuần cuối năm 2019. Ở tỉnh Đồng Nai, một tỉnh có dân số lớn nhất trong các tỉnh Đông Nam bộ, số liệu của Sở Y tế cũng cho biết số ca nhập viện cấp cứu, điều trị  do các yếu tố liên quan đến rượu bia tại các bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Thống Nhất đã giảm khoảng 40% trong hơn 10 ngày thực hiện nghị định. Điều này cho phép mọi người kỳ vọng số vụ TNGT liên quan rượu bia sẽ giảm mạnh, cùng với đó sẽ giảm được số người chết và bị thương do TNGT (năm 2019 toàn tỉnh Đồng Nai xảy ra 292 vụ TNGT, làm chết 224 người và 169 người bị thương).

Dù không ít người chưa đồng tình với mức phạt “khủng” của Nghị định 100, nhưng nếu với mức phạt nhẹ hơn thì liệu người dân nước ta có dễ dàng từ bỏ thói quen lạm dụng rượu bia? Cho dù các quán nhậu, nhà hàng đối ứng linh hoạt bằng những dịch vụ chiều lòng các “thượng đế” như đưa khách về nhà, giữ xe cho khách miễn phí, nhưng chắc chắn rằng, Nghị định 100 sẽ góp phần hình thành một thói quen bớt sa đà rượu bia của người Việt, để tốt hơn cho sức khỏe. Mỗi người sẽ dành chi tiêu cho những thứ khác quan trọng hơn để nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện nòi giống. Và, đất nước cũng bớt đi những đồng ngoại tệ để nhập khẩu bia rượu, mà dành cho các mục tiêu khác ích nước lợi dân hơn.

Với riêng người dân các tỉnh Đông Nam bộ, khi Nghị định 100 có chỗ đứng trong cuộc sống thì người dân sẽ an tâm hơn khi ra đường trong bối cảnh mà mật độ lưu thông của các phương tiện ngày càng cao. Điều này cũng sẽ bớt đi những hiểm nguy rình rập do người điều khiển phương tiện vi phạm các quy định về an toàn giao thông gây ra.

Tin cùng chuyên mục