Một thảm họa chưa từng có trong lịch sử loài người

Một thảm họa chưa từng có trong lịch sử loài người

Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng hậu quả của cuộc chiến tranh da cam mà quân đội Mỹ để lại trên chiến trường Việt Nam cho đến hôm nay vẫn còn rất nặng nề, một thảm họa da cam chưa từng có trong lịch sử loài người… Đây là những chia sẻ của Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh (ảnh), Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA), với phóng viên Báo SGGP, nhân dịp chuẩn bị tưởng niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam. Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh nhấn mạnh:

Theo số liệu thống kê, có hơn 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, 3 triệu người là nạn nhân da cam. Nhưng trong đời sống thực tế, hậu quả của chất da cam còn nặng nề hơn nhiều, với biết bao nhiêu gia đình lâm vào thảm cảnh vì loại chất độc nguy hiểm này không chỉ ảnh hưởng tới một mà là nhiều thế hệ.

Nhiều gia đình, con cái, rồi tới cả cháu chắt khi sinh ra đều bị dị tật, thiểu năng trí tuệ, ung thư, câm điếc… do bố mẹ hay ông bà bị nhiễm chất độc da cam trong chiến tranh. Đau khổ hơn, phần lớn gia đình nạn nhân da cam lại là những con người, gia đình thuộc diện đói nghèo, cùng cực nhất, không có sức lao động, chủ yếu sống nhờ vào trợ cấp của xã hội.

Hiện nay, có tới 70% số gia đình nạn nhân da cam thuộc diện hộ đói nghèo và 90% nạn nhân không có chuyên môn nghề nghiệp việc làm. Không chỉ có vậy, trong suốt hàng chục năm qua và tới hôm nay, cả nước cũng đãø có hàng trăm ngàn người chết hay mắc các bệnh hiểm nghèo, nan y do nhiễm chất độc da cam, trong đó phần lớn là những cựu chiến binh.

° PV: Làm thế nào để giảm bớt khó khăn cho những nạn nhân da cam, thưa Thượng tướng?

° Thượng tướng NGUYỄN VĂN RINH: Phải khẳng định việc chăm lo đời sống, sức khỏe cho nạn nhân da cam luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm và thực hiện có hiệu quả. Hiện có hơn 200.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Trên 50% số gia đình có người tàn tật, trong đó có gia đình nạn nhân da cam được hưởng BHYT hoặc khám chữa bệnh miễn phí. Ngoài ra, còn hàng trăm ngàn lượt trẻ em tàn tật bị ảnh hưởng gián tiếp của chất độc da cam cũng được chăm sóc sức khỏe, đi học các trường chuyên biệt…

Tuy nhiên, số lượng nạn nhân, gia đình bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam được hưởng các chế độ chính sách, trợ giúp kinh tế vẫn còn quá ít so với  hàng triệu nạn nhân chất độc da cam hiện nay. Hơn nữa, người dân tại những vùng bị phơi nhiễm, bị rải chất da cam cũng chỉ mới được hưởng chính sách như hộ nghèo. Do đó, tôi nghĩ rằng, nhà nước cần sớm có những cơ chế, chính sách để chăm lo về đời sống, sức khỏe các gia đình và nạn nhân da cam nhiều hơn nữa, nhất là với những người đã cao tuổi.

Nữ doanh nhân thăm và tặng quà cháu Nguyễn Hoài Thương, nạn nhân dioxin, sinh năm 2008 tại ấp Cây Sộp, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, TPHCM. Ảnh: QUANG THÁI

Nữ doanh nhân thăm và tặng quà cháu Nguyễn Hoài Thương, nạn nhân dioxin, sinh năm 2008 tại ấp Cây Sộp, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, TPHCM. Ảnh: QUANG THÁI

° Trong những năm qua, chúng ta đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh đòi công lý. Thượng tướng đánh giá như thế nào về hiệu quả của cuộc đấu tranh chính nghĩa trên đối với nạn nhân da cam?

° Trong giai đoạn 2004-2009, vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam/ dioxin Việt Nam đối với 37 công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất và cung cấp chất hóa học cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam đã trải qua 3 cấp tòa và mới chỉ dừng lại ở giai đoạn tiền xét xử. Mặc dù đến nay, tòa án Mỹ đã từ chối vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, nhưng có một thực tế không thể phủ nhận, chúng ta đã giành được thắng lợi quan trọng về mặt xã hội và nhân văn.

Trước hết, VAVA đã vượt qua được các rào cản để đưa vụ kiện ra tòa án Mỹ trước sự phản đối của các công ty hóa chất và Chính phủ Hoa Kỳ về nội dung kiện và tư cách của VAVA. Tiếp đến, vụ kiện đã vạch trần trước dư luận thế giới âm mưu che đậy tội ác của Mỹ trong tiến hành chiến tranh hóa học, bằng luận điệu “dùng chất diệt cỏ để khai hoang”. Hơn nữa, vụ kiện đã làm cho nhân dân trong nước và thế giới hiểu rõ hơn về thảm họa da cam ở Việt Nam, thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế cũng như dư luận Mỹ, hình thành phong trào mang tính quốc tế, đấu tranh chống chiến tranh hóa học, đòi Mỹ phải bồi thường thiệt hại cho nhân dân Việt Nam?

° Vậy trong thời gian tới, chúng ta sẽ tiếp diễn vụ kiện đòi công lý cho nạn nhân da cam Việt Nam như thế nào ?

° Năm nay tròn 50 năm thảm họa da cam tại Việt Nam. Đây sẽ là dịp để chúng tôi tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ của nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế đối với vụ kiện của các nạn nhân da cam Việt Nam. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh đòi công lý trong thời gian tới sẽ chuyển sang giai đoạn mới bằng nhiều hình thức, chúng tôi sẽ tiếp tục kiện một số công ty hóa chất Mỹ, yêu cầu họ phải đền bù thỏa đáng đối với những gì họ đã gây ra cho nhân dân Việt Nam. Việc tòa án Mỹ không bác bỏ thời hiệu khởi kiện, cũng như chấp nhận tư cách pháp lý của nguyên đơn Việt Nam là những tiền lệ tư pháp để nạn nhân da cam Việt Nam tiến hành đấu tranh pháp lý đến cùng tại Mỹ để đòi công lý.

 ° Quá trình đòi công lý của chúng ta vẫn còn rất nhiều khó khăn, song thực tế thời gian qua phía Mỹ cũng đã có những động thái trong việc giải quyết hậu quả của cuộc chiến tranh da cam ở Việt Nam. Thượng tướng đánh giá như thế nào về vấn đề này?

° Từ năm 2007 tới nay, một số quỹ và tổ chức của Mỹ đã tài trợ cho chúng ta một số dự án về tẩy độc dioxin. Từ năm 2007 đến 2009, Quốc hội Mỹ đã thông qua khoản viện trợ 3 triệu USD/năm và năm 2010 là 15 triệu USD cho việc khắc phục hậu quả chất độc da cam ở Việt Nam. Còn trong năm 2011, Chính phủ Mỹ thông báo tài trợ 34 triệu USD tẩy độc sân bay Đà Nẵng. Đây là những chuyển biến tích cực của Mỹ trong việc nhìn nhận, đánh giá và tham gia khắc phục hậu quả chất độc da cam ở Việt Nam.

Tuy nhiên, những khoản tài trợ trên còn quá nhỏ bé so với hậu quả hết sức to lớn mà họ đã gây ra đối với nhân dân Việt Nam. Hơn nữa, những khoản hỗ trợ trên mới chỉ tập trung vào việc giải quyết vấn đề môi trường, còn việc đền bù, chăm sóc sức khỏe, cuộc sống cho nạn nhân da cam vẫn còn rất hạn chế. Trong khi đó, chỉ riêng trong năm ngoái, Mỹ đã chi hơn 13 tỷ USD cho việc đền bù, chăm sóc y tế cho quân nhân Mỹ bị phơi nhiễm chất da cam trong chiến tranh Việt Nam.

QUỐC KHÁNH (thực hiện)

Kêu gọi ủng hộ nạn nhân dioxin Việt Nam 

 Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) đã ra lời kêu gọi tới nhân dân trong nước, bạn bè quốc tế ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam nhân tưởng niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam. Trong đó nhắc đến sự kiện ngày 10-8-1961, máy bay của không lực Hoa Kỳ bắt đầu rải hóa chất độc, mở màn cho chiến dịch khai quang suốt trong 10 năm ở miền Nam Việt Nam, hủy hoại môi trường, sinh thái và sức khỏe con người Việt Nam.

Ngày 10-8 năm nay đánh dấu 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam. Đó là một kỷ niệm buồn đối với nhân dân Việt Nam. Hơn 3 triệu ha rừng núi, đồng ruộng, gần 26.000 thôn bản đã bị rải chất độc hóa học, đến nay vẫn còn những “điểm nóng” ô nhiễm chất dioxin. Gần 5 triệu người Việt Nam đã bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, có khoảng 3 triệu người là nạn nhân, nhiều nạn nhân là trẻ em thế hệ thứ hai, thứ ba. Hàng vạn người đã chết trong đau khổ. Hàng chục vạn trẻ em bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống đời sống thực vật, không có một giây phút sống như người bình thường. Nhiều phụ nữ không được hưởng hạnh phúc làm vợ, làm mẹ. Nhiều người khác đang chết dần chết mòn, từng ngày từng giờ quằn quại, vật vã vì những căn bệnh quái ác liên quan đến chất độc da cam/dioxin. Hoàn cảnh các gia đình nạn nhân chất độc da cam rất thương tâm. 

Chiến tranh chấm dứt đã hơn 36 năm. Đất nước Việt Nam đã hồi sinh. Mặc dù Chính phủ Việt Nam, nhiều tổ chức, cá nhân  ở trong nước và nước ngoài đã quan tâm giúp đỡ, nhưng nạn nhân chất độc da cam/dioxin vẫn là những người nghèo nhất trong những người nghèo, những người đau khổ nhất trong những người đau khổ.

Nhân ngày mở đầu 50 ngày cao điểm của phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam”, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam thiết tha kêu gọi anh chị em, bạn bè trong nước và quốc tế hãy biểu lộ sự đồng tình, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam trong cuộc sống, trong cuộc đấu tranh đòi công lý. 

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam yêu cầu phía Mỹ phải có trách nhiệm trước những thiệt hại họ đã gây ra cho nhân dân Việt Nam; yêu cầu các công ty hóa chất Mỹ từng cung cấp chất độc da cam/dioxin cho quân đội Mỹ sử dụng ở Việt Nam – trước hết là hai công ty Down Chemicals và Monsanto hãy dũng cảm nhìn nhận sai lầm của mình và họ hãy tự hỏi chừng nào chưa đền bù thiệt hại cho nhân dân Việt Nam thì họ có nên có đại diện ở Việt Nam hay không?

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam mong đợi và hoan nghênh những tình cảm, những hành động vì nạn nhân chất độc da cam của anh chị em, bạn bè trong nước và quốc tế.

Sự thật đã lên tiếng. Công lý phải được tôn trọng. Ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và nạn nhân của mọi loại vũ khí hóa học trên thế giới cũng chính là góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ một nền công lý, hòa bình lâu dài trên trái đất này.

Mọi sự giúp đỡ cho các nạn nhân xin gửi về: Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tại số tài khoản VNĐ:  00311.0123.4005, Ngân hàng Quân đội chi nhánh Thanh Xuân - Hà Nội; tài khoản quốc tế 00110.0086.3681 với đồng Việt Nam, tài khoản USD: 00113.7086.3710; số tài khoản EUR: 00111.4086.3770 tại Sở Giao dịch Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam hoặc trực tiếp tới  VAVA, số 35 đường Hồ Mễ Trì, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. 

TTXVN

Tin cùng chuyên mục