Theo website Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố pederin, có độc tính mạnh gấp hàng chục lần so với nọc của rắn hổ nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn. Tuy nhiên, ngay cả khi kiến không đốt người thì chất độc trong cơ thể kiến giải phóng ra khi bị tác động, chà xát hoặc bị giết vẫn có thể làm tổn thương da người ở mức độ nghiêm trọng. Chất độc từ kiến ba khoang gây nên sự phồng rộp khó chịu, nặng hơn có thể máu mủ, loét, phù nề, gây sốt, thậm chí hoại tử.
Kiến ba khoang, thực chất là một loại bọ cánh cứng có chứa độc chất, khi bò lên da người sẽ gây hiện tượng viêm da, lở loét, thậm chí biến chứng. Kiến ba khoang có thân mình thon dài, hai màu vàng cam và đen tạo thành các khoang xen kẽ. Kiến ba khoang còn có rất nhiều tên gọi khác nhau như kiến lác, kiến gạo, kiến nhố. Loài này không chủ động đốt người, cũng không phải loài truyền bệnh. |
Vết thương do kiến ba khoang, nhẹ thì ngứa rát, nặng hơn thì sưng, phồng rộp, nhiễm trùng, điều trị hàng tuần mới khỏi. Đã có bệnh nhân bị độc tố dính vào mắt, gây bỏng mắt khiến bị mù tạm thời.
Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, kiến ba khoang không chủ động đốt người, cũng không phải loài truyền bệnh. Tuy nhiên, trước những nguy hiểm từ loại côn trùng này, khi mùa mưa tới, người dân cần nâng cao cảnh giác, hạn chế cho kiến ba khoang bay vào nhà. Sau khi mưa xuống, hạn chế bật đèn sáng và mở cửa sổ trong nhà để tránh thu hút kiến ba khoang. Nếu có thể thì nên bật đèn ban công, hành lang để thu hút kiến ba khoang từ trong nhà ra ngoài nhà và diệt kiến. Đặc biệt là nên sử dụng rèm cửa hoặc làm lưới ngăn côn trùng ở khu vực cửa, lỗ thông khí. Cần chú ý giũ sạch chăn, màn, khăn mặt, quần áo trước khi dùng. Giũ sạch chăn màn, quần áo trước khi đem vào nhà. Ảnh: TRÍ NHÂN Tuyệt đối không dùng tay trần để bắt, giết kiến ba khoang. Khi tiếp xúc với kiến ba khoang, cần đeo găng tay hoặc dùng giấy mềm lót, không nên tiếp xúc trực tiếp. Khi phát hiện có kiến ba khoang ở khu vực làm việc, sinh sống, mọi người có thể liên hệ với đơn vị y tế chuyên trách như các viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng, trung tâm y tế dự phòng tại địa phương để được hướng dẫn và phối hợp xử lý... |