Những ngày qua, hàng ngàn hành khách chạy đôn chạy đáo tìm cách vào mạng hoặc trực tiếp ra ga Sài Gòn với mong muốn mua được tấm vé tàu về quê thăm gia đình trong dịp Tết Tân Mão. Tuy nhiên, muốn có tấm vé về quê, nhiều người đã phải chi thêm 200.000 - 300.000 đồng/vé để nhờ “cò”mua giùm.
Đại lý cũng bó tay
Trong vai hành khách mua vé đi lại những ngày cao điểm tết, ngày 18-11, chúng tôi “săn lùng” ở hàng loạt đại lý bán vé tàu hỏa như: Tuấn Phát (đường D1, phường 25, Bình Thạnh); Thanh Thủy (đường Quang Trung, phường Trung Mỹ Tây, quận 12); Xuân Khiêm (phường Bình An, quận 2); Công ty CP Sài Gòn hỏa xa (Phạm Ngũ Lão, quận 1)… để đặt mua vé tàu. Nhưng chúng tôi đều nhận được câu trả lời là không có vé.
Vào đại lý Xuân Khiêm nằm trên đường số 7, khu phố 4, phường Bình An, quận 2, chúng tôi nhờ lấy một số vé đi Vinh và Nam Định vào ngày 26 hoặc 28-12 Âm lịch, chủ đại lý liền trả lời: “Vé đi Vinh và Nam Định những ngày đó hết rồi em. Chị chỉ còn mấy vé đi Thanh Hóa ngày 28 thôi. Vé này chị đặt trên mạng cho đứa em nhưng nó không đi, nếu em đi Nam Định lấy lại mà đi, ra đến ga Thanh Hóa chịu khó đi tiếp xe đò, chứ vé đi những ngày cận tết khó tìm lắm”.
Hơn 3 ngày chạy ngược chạy xuôi gõ cửa các đại lý nhưng không đặt mua được vé nào, chúng tôi tiếp tục tìm đến phòng bán vé máy bay - tàu hỏa Phương Thanh, số 580 đường Cộng Hòa, phường 13, quận Tân Bình, TPHCM. Trước lối ra vào dựng tấm bảng thông báo “có vé tàu tết”, “nhận đặt vé tàu tết”… Khi vào bên trong là một căn phòng khoảng 10m², một đội ngũ gồm 4 nhân viên đang làm thủ tục đăng ký vé cho khách. Người đến mua và đặt vé tại phòng vé khá tập nập.
Chúng tôi hỏi nhân viên: “Chị làm ơn lấy giùm 2 vé đi Vinh ngày 27- 12 Âm lịch và 3 vé đi Quảng Ngãi ngày 26 hoặc 28 - 12 Âm lịch”. Ngay lập tức, chị này nhấp chuột vào hệ thống màn hình máy tính tra cứu vào danh sách ga đi, ngày đi tàu trả lời: “Vé đi Quảng Ngãi đã hết. Vé đi Vinh chỉ còn ngày 24 và 28 - 12 tàu SE16, có đi không thì đặt chỗ, ngày 26 hết rồi”. “Giá vé bao nhiêu?” - tôi hỏi.
“Ngồi cứng 820.000 đồng/vé, ngồi mềm 1,2 triệu đồng” - chị này ra giá. “Sao lại cao thế?”. Chị nhân viên trả lời: “Giá vé tàu tết giờ lên rồi, đâu phải như trước đâu (!). Em yên tâm đi, tụi chị năm nào cũng bán mà, làm ăn uy tín lắm, không cần phải CMND gì đâu?”.
“Cò vé” hết thời?
Cung không đủ cầu, vì thế các thành phần phe vé trước cổng ga Sài Gòn đánh vào tâm lý người dân cần mua vé tàu tết nên những đối tượng “cò” mời chào, mời gọi khách đặt cọc, còn chuyện có vé tàu như yêu cầu của người mua hay không lại là chuyện khác. Những “cò” này chỉ là người nhận tiền đặt cọc rồi mua giùm vé cho những hành khách có nhu cầu (từ 100.000 - 300.000 đồng/vé, chưa tính giá vé tùy theo ngày đi, ga đến), thực tế họ không có vé để bán trực tiếp.
Với cách thức: Hành khách photo CMND, đưa tiền đặt cọc, ghi ngày, giờ đi tàu, loại ghế, “cò” sẽ làm một tờ giấy tay trong đó có ghi tên, số điện thoại, số CMND của cả hai bên rồi ký tên hẹn ngày giao vé. Nhiều “cò” muốn tạo lòng tin, đưa cả bản photo CMND của họ cho khách và khẳng định không có vé giả (!)…
Năm nay, do đã bán rộng rãi khoảng 80% số lượng vé tàu tết qua website www.vetau.com.vn nên không còn việc phân phối vé cho các đại lý như mọi năm. Các đại lý hoặc doanh nghiệp mua vé hộ muốn mua vé đều phải lên mạng để đặt chỗ và phải điền đầy đủ các thông tin về tên, CMND người đi tàu bình đẳng như tất cả hành khách khác. Do đó, không thể xảy ra tình trạng đại lý tuồn vé sạch (vé chưa ghi tên, CMND người đi tàu) ra bên ngoài “chợ đen”.
Để những hành khách có nhu cầu đi tàu thật sự mua được vé tàu tết từ ga Sài Gòn (không mua lại từ “cò” vé với giá cao ngất ngưởng), năm nay vé được in tên, số CMND người đi tàu đối với những ngày cao điểm trước tết (từ 22 đến 28-12 Âm lịch) áp dụng với tàu số chẵn và sau tết (từ mồng 4 Tết đến hết ngày 12 tháng Giêng năm Tân Mão) áp dụng tàu số lẻ.
Đối với tàu số chẵn các năm trước chỉ bắt buộc in tên, số CMND người đi tàu khi có ga đến thuộc các ga từ Vinh trở ra đến Hà Nội, còn những ga khác, hành khách mua vé thoải mái không cần CMND. Lợi dụng điều này, một số đối tượng đã đầu cơ vé sau đó đợi đến lúc khan hiếm bán chênh lệch so với giá vé gốc từ 150.000 – 200.000 đồng/vé.
Năm nay, ga Sài Gòn thay đổi cách làm: in tên, số CMND người đi tàu có các ga đến thuộc các ga từ Quảng Ngãi đến Hà Nội, thay vì từ Vinh trở ra Hà Nội như những năm tước đây. Những trường hợp người đi tàu không trùng khớp với tên, số CMND in trên tấm vé sẽ không được lên tàu.
Ông Đinh Văn Sang, Phó Tổng giám đốc Công ty Vận tải hành khách đường sắt cho biết, hiện nay ga Sài Gòn và các ga khác không có vé để bán. Ngành đường sắt chỉ giải quyết vé bán tập thể (20% tổng số vé), còn toàn bộ đưa lên mạng nên không có chuyện nhân viên có vé để tuồn ra ngoài chợ đen.
Việc bán vé trên mạng không lựa được đối tượng và mục đích của người mua. “Cò” vé muốn có vé cũng sẽ vào mạng để đặt vé như hành khách bình thường. Nếu hành khách mua phiếu đặt chỗ từ “cò” sẽ “tiền mất tật mang” vì phiếu này nhiều khi bị “cò” tự in và tẩy xóa. Đối với những phiếu này thì không thể nhận được vé từ ga Sài Gòn.
Quốc Hùng - Đình Lý