(SGGP).- Ngày 17-12, tại TPHCM, Bộ LĐTB-XH đã triển khai Nghị định 103/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng trong doanh nghiệp áp dụng từ 1-1-2013 cho các tỉnh khu vực phía Nam.
Tại hội nghị, đại biểu các tỉnh cho rằng, do Nghị định 103/2012/NĐ-CP Chính phủ ban hành vào thời điểm cuối năm khiến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động lúng túng trong việc điều chỉnh các hợp đồng lao động mới, chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, mức lương chênh lệch giữa lao động quản lý và lao động trực tiếp sản xuất còn quá lớn, rất dễ gây tâm lý so bì, dẫn đến tranh chấp. Trong khi đó, các doanh nghiệp chỉ đăng ký thang bảng lương cho có hình thức với cơ quan.
Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Phạm Minh Huân cho biết, nếu các doanh nghiệp đã trả lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng áp dụng theo Nghị định 103/2012/NĐ-CP thì không nhất thiết làm lại, Chính phủ chỉ đưa ra mức tối thiểu để làm căn cứ và luôn khuyến khích, kêu gọi doanh nghiệp trả cao hơn.
Theo quy định mới, từ 1-1-2013 mức lương tối thiểu vùng được áp dụng như sau: vùng 1 là 2,35 triệu đồng/người/tháng; vùng 2 là 2,1 triệu đồng/người/tháng; vùng 3 là 1,8 triệu đồng/người/tháng và vùng 4 là 1,65 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, theo Bộ LĐTB-XH, mặc dù được điều chỉnh tăng liên tục nhưng mức lương tối thiểu hiện nay chỉ mới đáp ứng được 57% - 63% so với mức sống tối thiểu của người lao động.
H.Thu