
Khó có thể xếp Mùi hương (NXB Văn Học phối hợp cùng Công ty Nhã Nam thực hiện) của nhà văn Đức Patrick Suskind vào một thể loại văn học nào. Theo như giới thiệu, cuốn sách này là “câu trả lời của văn học châu Âu với dòng văn học lãng mạn huyền ảo Mỹ Latinh”. Thế nhưng cuốn sách lại không đơn giản như chính nó tự nhận, câu truyện là một sự pha trộn giữa nhiều thể loại. Có một chút trinh thám, rồi lại thấm đẫm hương vị quảng bá nghề pha chế hương thơm của châu Âu vào thế kỷ 18.
Mãnh liệt của một chuyện tình, ma quái như một tiểu thuyết kinh dị nhưng lại đồng thời không thiếu chất hiện thực xã hội và cuối cùng điểm nhấn kết thúc của cuốn sách lại mang nặng chất triết lý cuộc sống. Phức tạp như vậy nhưng đúng như các nhà phê bình thế giới đã nhận xét, Patrick Suskind đúng là một thầy phù thủy khi đã nhào nặn và biến đống hổ lốn đó thành một tác phẩm văn học đầy ấn tượng.

Câu chuyện xoay quanh nhân vật chính Jean-Baptiste Grenouille, một thiên tài về cảm nhận mùi, cũng là kẻ được coi là “bệnh hoạn nhất trong những kẻ bệnh hoạn”.
Grenouille sinh ra trong một bi kịch xã hội, nhờ một sự may mắn mà gã đã được cứu sống thay vì chịu kết cục bị bỏ chết như bốn người chị em khác trước đó. Nhưng đi kèm với sự sống là cái chết của mẹ gã và như một định mệnh, tất cả những ai gắn liền với Grebouille đều chịu những kết cục bi thảm.
Tác giả đã xây dựng nên một Jean-Baptiste Grenouille ở đỉnh cao của sự cô độc. Không bạn bè, không người thân, thậm chí ngay cả tư cách là một con người “có mùi như mọi người” gã cũng không có.
Trong cái nhà tù khủng khiếp của sự cô độc đó, Grenouille chỉ có một bấu víu cuối cùng, đó chính là cái mũi siêu phàm của gã, cái mũi giúp gã nhìn ra cả một thế giới mà không ai nhìn thấy, thế giới của mùi hương. Ở thế giới đó, Grenouille là vị hoàng đế độc tôn, mạnh nhất, cao quý nhất. Và chỉ có cái thế giới đó mới cho gã một tình yêu thật sự, một ham muốn thực sự và trên hết là cả một lý tưởng. Lý tưởng đi tìm một mùi thơm có “vẻ đẹp hoàn mỹ” nhất. Và ước mơ đó đã tạo nên một bi kịch khủng khiếp khi gã khám phá ra rằng cái mùi thơm đó chỉ có ở các nàng trinh nữ mới lớn.
Chính ở đây ý niệm về cái đẹp và sự hủy diệt đan chéo nhau gây cho người đọc một cảm giác choáng ngợp đến bàng hoàng. Để có được mùi thơm của hoa, người ta phải nghiền nát những cánh hoa, đun sôi, ép chặt và đến khi không còn mùi thơm nữa thì những cách hoa cũng chỉ còn là những mảnh vụn nát bét. Và với gã, những con người mang mùi thơm lý tưởng cũng như những cánh hoa đó, cũng cần phải làm như thế để rút ra được mùi thơm, cái mà đối với gã mới là điều quan trọng nhất.
Kể từ đó đối với tất cả xã hội gã trở thành một con ác quỷ với cái cách mà hắn dùng để lấy mùi thơm từ các nàng trinh nữ, một điều mà hắn không sao hiểu được khi với hoa thì bình thường còn với người lại không được “điều quan trọng chỉ là mùi thơm thôi mà” Grenouille đã ngạc nhiên nhận định.
Cái đẹp của tội ác, một nhận định mâu thuẫn khi đã là tội ác thì không thể đẹp nhưng đối với Jean-Baptiste Grenouille đó lại là nhận định hợp lý nhất. Tội ác chỉ có với con người, Jean-Baptiste Grenouille chưa bao giờ là một con người đúng nghĩa, từ tâm hồn đến thể xác. Chính vì thế những hành động của gã đối với mọi người là tội ác nhưng đối với chính gã lại là đỉnh cao của cái đẹp.
Nhà văn Patrick Suskind đã kết thúc cuốn sách theo cách vừa đẹp lại vừa kinh dị. Jean-Baptiste Grenouille sẽ sống với thế giới phù du nhưng đầy mạnh mẽ của gã một cách vô tư, hạnh phúc nhất nếu gã không cố trở thành một con người. Và khi đã dần trở thành một con người thì tất cả những gì tươi đẹp, lý tưởng nhất đối với gã trước đây lại trở thành một cơn ác mộng, ác mộng của tội ác như nó vốn dĩ là vậy với mọi người.
Ám ảnh, mãnh liệt, bất ngờ, tất cả làm nên một câu chuyện đầy tính nhân bản về giá trị của cái gọi là “vẻ đẹp hoàn mỹ”. Jean-Baptiste Grenouille là một “vẻ đẹp hoàn mỹ”, vẻ đẹp tuyệt đối của mùi hương. Thế nhưng, nếu cái đẹp đó không chứa trong nó một trái tim con người thì vẻ đẹp đó cũng chẳng khác gì một tội ác tột cùng.
TƯỜNG VY