Mỹ nỗ lực dẫn đầu cuộc chiến chống Covid-19

Ngày 4-6, tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) diễn ra tại Anh, các nhà lãnh đạo của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã kêu gọi G7 khẩn trương dự tính nguồn cung vaccine Covid-19 dư thừa để chia sẻ với các nước đang phát triển sớm nhất có thể.
Tại một cơ sở tiêm chủng ở Thái Lan
Tại một cơ sở tiêm chủng ở Thái Lan

Trước đó, theo kế hoạch chia sẻ 25 triệu liều đầu tiên trong 80 triệu liều vaccine Covid-19 mà Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố ngày 3-6, Mỹ sẽ đóng góp gần 19 triệu liều vaccine thông qua cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX.

Trong 25 triệu liều vaccine mà Mỹ chia sẻ có khoảng 6 triệu liều vaccine sẽ dành cho khu vực Mỹ Latinh và Caribbean, khoảng 7 triệu liều cho khu vực Nam Á và Đông Nam Á và gần 5 triệu liều cho châu Phi. Riêng khoảng 7 triệu liều dành cho châu Á, sẽ gồm các quốc gia và vùng lãnh thổ như Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka, Afghanistan, Maldives, Malaysia, Philippines, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Lào, Papua New Guinea, lãnh thổ Đài Loan và các đảo ở Thái Bình Dương. Ấn Độ, Hàn Quốc và lãnh thổ Đài Loan là những nơi được nhận lô vaccine đầu tiên từ Mỹ. 

Nhà Trắng cho biết, kế hoạch chia sẻ vaccine nhằm tạo tiền đề cho việc tăng độ bao phủ tiêm chủng toàn cầu, ngăn chặn các ca nhiễm mới, cũng như giảm gánh nặng cho các quốc gia dễ bị tổn thương. Đó cũng là một phần quan trọng trong chiến lược toàn cầu của Mỹ nhằm dẫn đầu thế giới trong cuộc chiến chống Covid-19. 

Để thực hiện mục tiêu này, ngoài nguồn tài trợ dành cho COVAX, Mỹ sẽ ủng hộ từ nguồn cung cấp vaccine của Mỹ và làm việc với các nhà sản xuất Mỹ để tăng số liều vaccine cho phần còn lại của thế giới. Đồng thời, Mỹ sẽ giúp nhiều quốc gia hơn nữa trong việc mở rộng năng lực sản xuất vaccine, trong đó có thông qua chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngoài 19 triệu liều thông qua cơ chế COVAX, khoảng 6 triệu liều còn lại trong đợt chia sẻ 25 triệu liều vaccine lần này, Mỹ sẽ dành cho Mexico, Canada, Hàn Quốc, khu vực Bờ Tây và Gaza, Ukraina, Kosovo, Haiti, Gruzia, Ai Cập, Jordan, Iraq và Yemen, cũng như cho các nhân viên tuyến đầu của Liên hiệp quốc. 

Theo giới quan sát, việc dành 6 triệu liều vaccine cho đối tác và khu vực là cách Washington thắt chặt quan hệ với một số quốc gia, khu vực ưu tiên trong chính sách. Mexico có vai trò quan trọng nhằm kiểm soát dòng người nhập cư vào Mỹ. Ấn Độ là chìa khóa then chốt trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, đồng thời là thành viên của Bộ Tứ. Là điểm đến nhân chuyến công du nước ngoài đầu tiên của hai quan chức cấp cao Mỹ, Hàn Quốc có vai trò đặc biệt trong vấn đề Triều Tiên, với quan hệ đồng minh được khẳng định sau chuyến thăm Washington của Tổng thống Moon Jae-in.

Liên quan đến tình hình xoay xở nguồn vaccine tại châu Á, ngày 4-6, Chính phủ Lào cấm mọi tổ chức tư nhân mua vaccine Covid-19 để phục vụ mục đích thương mại, để tránh việc tiếp cận vaccine không bình đẳng giữa người nghèo và người giàu; đồng thời chỉ cho phép các tổ chức tư nhân mua vaccine để sử dụng cho cán bộ và nhân viên của mình, giúp Chính phủ hoàn thành mục tiêu tiêm vaccine Covid-19 cho ít nhất 50% dân số trong năm 2021. Đến thời điểm hiện tại, các loại vaccine được cung cấp cho Lào đều đến từ nguồn viện trợ của các nước bè bạn hoặc từ chương trình COVAX.

Tại Campuchia, tiến độ tiêm chủng vaccine đang được đẩy mạnh với ít nhất 2,4 triệu người đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên. Chính phủ Campuchia khẳng định, nước này sắp nhận được khoảng 4,5 triệu liều vaccine trong tháng 6. Còn tại Thái Lan, chiến dịch tiêm chủng đại trà dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 7-6. Khoảng 2 triệu liều vaccine AstraZeneca và Sinovac đang được phân phối cho các tỉnh. Chính phủ Thái Lan dự kiến sẽ nhận 61 triệu liều vaccine từ Hãng dược phẩm AstraZeneca và khoảng 10-15 triệu liều từ Hãng Sinovac. Vaccine Sinovac sẽ bổ sung cho loại vaccine chính sẽ được sử dụng ở Thái Lan là AstraZeneca để hoàn thành mục tiêu đạt được ít nhất 100 triệu liều. Trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 8, tổng cộng 11 triệu liều vaccine Sinovac sẽ được chuyển đến Thái Lan. Ngoài ra, nhà chức trách nước này cũng đang đàm phán để mua thêm 20 triệu liều vaccine của Hãng Pfizer và 5 triệu liều của Hãng Johnson & Johnson.

Tin cùng chuyên mục