Nên thực thi sớm Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi thay vì đợi tới tháng 7-2023

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (TPHCM), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh nhấn mạnh, vẫn còn nhiều nội dung trong dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) chồng chéo hoặc xung đột với Bộ Luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Phá sản…
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (TPHCM)
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (TPHCM)

Cuối buổi sáng 25-10, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Kinh doanh bảo hiểm sau 20 năm thực thi, đồng thời ghi nhận việc ban soạn thảo đã tiếp thu, thể hiện nhiều ý kiến của ĐBQH và cơ quan thẩm tra trong dự thảo mới nhất trình Quốc hội, song đại biểu (ĐB) Nguyễn Đình Việt (Cao Bằng), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát lại bố cục, thời hạn có hiệu lực của dự luật.

Theo ông, dự kiến hiệu lực thi hành của Luật sửa đổi là từ 1-7-2023, trong khi Quốc hội dự kiến thông qua tại họp kỳ 3 (tháng 5-2022), nghĩa là một năm sau mới có hiệu lực là “quá chậm, không đảm bảo tính cấp thiết như nêu trong dự luật”.

Về một số nội dung cụ thể, ĐB Việt cho rằng quy định nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Tài chính bao gồm cả tổ chức thi, cấp chứng chỉ kinh doanh bảo hiểm là không phù hợp với phương châm tinh gọn bộ máy quản lý nhà nước, tập trung cho việc ban hành chính sách và kiểm tra giám sát.

ĐB Nguyễn Minh Đức (TPHCM), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh thì nhấn mạnh, vẫn còn nhiều nội dung trong dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) chồng chéo hoặc xung đột với Bộ Luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Phá sản…

“Chẳng hạn, theo Điều 103 dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), nếu doanh nghiệp bảo hiểm, tái bảo hiểm thuộc diện phá sản mà không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì Bộ Tài chính nộp đơn…, nhưng theo Luật Phá sản thì Bộ Tài Chính không phải chủ thể có quyền nộp đơn phá sản. Trình tự thủ tục phá sản quy định trong dự thảo này cũng có những điểm khác với Bộ luật Dân sự và Luật Phá sản”, ông Đức nêu rõ.

Một số khái niệm như về hợp đồng bảo hiểm vô hiệu… được ĐB cho rằng “khá trừu tượng, khó hiểu”, sẽ dẫn đến lúng túng khi thực thi.

Có cùng đề nghị tiếp tục rà soát, xử lý những mâu thuẫn, bất cập với các luật khác, ĐB Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) nêu thêm: “Ban soạn thảo cần thể chế hóa một cách tối đa các chủ trương của Đảng trong việc chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; đảm bảo việc ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực bảo hiểm; đặc biệt là các nguyên tắc về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm; đối tượng và hình thức cung cấp dịch vụ bảo hiểm trên môi trường mạng, tạo điều kiện cho hệ sinh thái Fintech phát triển”.

Tin cùng chuyên mục