Ngày 17-5 (giờ địa phương), Nga đã bất ngờ để lộ danh tính của Trưởng đại diện Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) tại Mátxcơva, một động thái chưa từng có và vi phạm nguyên tắc tình báo giữa Nga và Mỹ. Hiện Washington vẫn chưa có bất kỳ phản ứng nào sau tuyên bố của Nga.
Ăn miếng trả miếng?
Theo Hãng tin Ria-Novosti, người phát ngôn của Cơ quan An ninh LB Nga (FSB) cho hay, vào năm 2011, FSB đã từng cảnh báo Trưởng đại diện CIA tại thủ đô của Nga về các động thái tuyển mộ đối với các nhân viên FSB, đồng thời dọa có các biện pháp “ăn miếng trả miếng” nhằm vào nhân viên của CIA. Hãng tin Interfax, Russia Today bằng tiếng Nga đã đăng tải thông báo của FSB với tên của người được cho là Trưởng đại diện CIA trên. Tuy nhiên, danh tính của ông ta đã được gỡ bỏ trong bản tin bằng tiếng Anh. Hiện không rõ nhân vật trên hiện còn ở Nga hay không. Tờ báo Telegraph của Anh cho biết tên của trùm điệp viên CIA ở Mátxcơva trùng với tên của một Tham tán Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô của Nga.
Việc công bố danh tính được phía Nga cho biết chính là để đáp trả việc Mỹ tiếp tục phớt lờ những cảnh báo của Nga khi Ryan Fogle, một quan chức Đại sứ quán Mỹ tại Mátxcơva, cố tình mua chuộc một nhân viên an ninh Nga làm việc cho CIA.
Theo Interfax, Fogle đã được đưa vào danh sách theo dõi từ 2 năm trước với nghi ngờ Fogle đến Nga làm gián điệp. Một tuần trước khi công bố danh tính Trưởng đại diện CIA, Fogle đã bị bắt giữ khi đang chuẩn bị đến gặp đối tượng tình nghi mà Fogle mua chuộc. Sau khi trục xuất Fogle, nhà chức trách Nga cho biết Benjamin Dillon, một nhân viên ngoại giao khác của Mỹ, cũng đã bị bắt vào tháng 12-2012 và trục xuất khỏi Nga tháng 1-2013.
Trước những diễn biến trên, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết chưa đọc được thông tin về việc công khai danh tính trên Interfax và Russia Today. CIA chưa có bất cứ phản ứng nào về vụ việc trên.
Chưa từng có trong lịch sử
Peter Earnest, người từng thu thập thông tin tình báo và hoạt động bí mật ở châu Âu và Trung Đông cho CIA trong suốt 35 năm, trả lời phỏng vấn của RIA-Novosti của Nga rằng trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh và thậm chí sau đó, có một luật bất thành văn rằng Mỹ hoặc Nga không bao giờ công khai tên tuổi người đứng đầu cơ quan tình báo phía đối phương. Melvin Goodman, người từng đứng đầu bộ phận phân tích tình báo cấp cao về các vấn đề Liên Xô của CIA giai đoạn 1970 - 1980, nói: “Đây là vụ vi phạm nghiêm trọng về nguyên tắc tình báo, điều chưa từng xảy ra giữa Nga, Liên Xô trước đây và Mỹ”. Việc tiết lộ của Nga là dấu chấm hết cho sự nghiệp của một nhân viên tình báo. Trong khi đó, Mark Galeotti, một chuyên gia về an ninh Nga tại Đại học New York, cho rằng việc công bố danh tính của một trưởng đại diện cơ quan tình báo như là sự “leo thang định danh” sau vụ bắt giữ Fogle.
Một số chuyên gia cho rằng sẽ khó thể đoán trước được Washington sẽ đáp trả sau các sự kiện này như thế nào. Tuy nhiên, theo ông Goodman, nếu những phản ứng của Nga thật sự để đáp lại những hoạt động của CIA mà đã được cảnh báo thì Washington có thể phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” trong vụ này.
Đây không phải là lần đầu tiên một trưởng đại diện của CIA bị công khai danh tính. Năm 2010 và đầu năm 2011, các quan chức Mỹ đã cáo buộc nhà chức trách Pakistan để lộ tên của 2 người đứng đầu CIA tại Islamabad. Tuy nhiên, ông Earnest cho rằng quan hệ Pakistan - Mỹ khác hẳn, không thể so sánh với quan hệ Nga - Mỹ. Động thái của Nga khiến Mỹ không thể nắm bắt được suy nghĩ của Mátxcơva. Trong khi đó, cựu chuyên gia phân tích CIA Goodman cho biết sự việc đã thật sự gây bất ngờ, đảo ngược mọi diễn biến trong quan hệ Nga - Mỹ vài tuần trở lại đây. Việc Nga công bố danh tính khiến dư luận không thể nghĩ rằng cách đó không lâu Nga và Mỹ đã tìm được sự thống nhất trong việc hỗ trợ điều tra vụ đánh bom tại Boston ở Mỹ cũng như chấm dứt xung đột tại Syria.
Đỗ Cao (tổng hợp)