Ngăn tăng giá, giữ ổn định thị trường

Cam kết giữ ổn định giá hàng hóa, thực hiện đồng loạt các chương trình khuyến mãi “mạnh tay” là những giải pháp đang được TPHCM và các tỉnh Đông Nam bộ như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… thực hiện để ổn định thị trường.
Khách hàng chọn mua sản phẩm khuyến mãi tại một siêu thị của Saigon Co.op
Khách hàng chọn mua sản phẩm khuyến mãi tại một siêu thị của Saigon Co.op

Không để “té nước theo mưa”

Theo đánh giá của ngành công thương các tỉnh Đông Nam bộ, hiện nay ghi nhận có tình trạng giá cả một số mặt hàng ở chợ tăng giá sau khi tăng lương cơ sở. Tuy nhiên, nếu xét theo quy luật kinh tế, tăng lương không thể là nguyên do tăng giá các mặt hàng, mà phụ thuộc lượng hàng thương nhân chuẩn bị trong ngày, khách hàng mua sắm từng thời điểm. Cụ thể, nếu trong ngày hàng hóa còn tồn thì cuối ngày các thương nhân thường bán giảm giá; ngược lại, khi lượng khách tăng cao, thương nhân có thể đẩy giá lên để kiếm lời.

Trước tình hình trên, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, TPHCM đã triển khai hàng loạt hoạt động như bình ổn giá, giảm giá kích cầu tiêu dùng để thúc đẩy hoạt động bán lẻ, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Điều này được các chuyên gia nhận định góp phần ngăn chặn tình trạng “té nước theo mưa”, lấy cớ tăng lương để tăng giá nhằm chia sẻ phần nào gánh nặng với người dân.

Với chương trình giảm giá, ông Phương cho biết, từ ngày 15-6, chương trình khuyến mãi tập trung năm 2023 đã được kích hoạt và kéo dài đến 15-9. Ngay khi được phát động, chương trình này đã thu hút sự tham gia của khoảng 3.000 doanh nghiệp với hơn 7.000 hoạt động khuyến mãi, giảm giá; nhiều sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có mức giảm tới 100%.

Cũng như TPHCM, sở công thương các địa phương như Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương… cho biết, thời gian qua, ngoài việc theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường, giá cả, các đơn vị này cũng đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm; đồng thời vận động doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường, giảm giá hàng hóa để kích cầu tiêu dùng.

Đưa hàng hóa giá tốt tới người tiêu dùng

Có thể nói, thông qua sự kêu gọi của chính quyền địa phương, đã có nhiều doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng hóa tích cực hưởng ứng tham gia và bước đầu ghi nhận những kết quả khả quan. Trong đó, các nhà bán lẻ đang triển khai hàng loạt chương trình giảm giá dành cho nhóm ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, nhất là sản phẩm lương thực, thực phẩm; nhằm hỗ trợ, san sẻ một phần gánh nặng chi tiêu với người tiêu dùng.

Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho biết đang phối hợp cùng 1.000 nhà cung cấp triển khai chương trình “Shopping season”, kéo dài từ ngày 15-6 đến 15-9. Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành hoạt động Co.opmart kiêm Giám đốc marketing Saigon Co.op, cho biết, trong thời gian 3 tháng, chương trình sẽ sắp xếp các mặt hàng giảm giá từ 30%-59% một cách khoa học, phù hợp tình hình và nhu cầu mua sắm của thị trường. Càng về cuối chương trình, mức giảm càng sâu, ưu đãi càng hấp dẫn để khuyến khích người tiêu dùng mua sắm.

Đáng chú ý, theo ông Thắng, dù thực hiện giảm giá, song chất lượng hàng hóa là tiêu chí luôn được đặt lên hàng đầu tại các hệ thống siêu thị của Saigon Co.op. Saigon Co.op đưa ra các tiêu chí như: đối với sản phẩm thực phẩm phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc; với sản phẩm thời trang phải có xuất xứ rõ ràng, giá cạnh tranh. Những tiêu chí này được đưa ra nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Theo ghi nhận của phóng viên, việc đồng loạt thực hiện các chương trình như bình ổn giá, khuyến mãi… đã và đang giúp thị trường hàng hóa tại TPHCM và khu vực Đông Nam bộ ổn định, không có sự tăng giá đột biến. Đặc biệt, thông qua những hoạt động giảm giá “mạnh tay” của các nhà bán lẻ, người tiêu dùng đã có cơ hội được mua sắm hàng thiết yếu chất lượng, giá tốt.

Theo các chuyên gia kinh tế, từ nay đến cuối năm, dự báo nhu cầu mua sắm hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người dân tăng lên tiềm ẩn khả năng giá cả hàng hóa tăng theo, nguy cơ lạm phát bùng phát. Để ngăn ngừa tình trạng này, các tỉnh Đông Nam bộ sẽ chủ động thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Trong đó, bảo đảm nguồn cung hàng hóa dồi dào, cân đối cung - cầu; ngăn chặn tình trạng găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý; kiểm soát việc kê khai, niêm yết giá tại các điểm bán lẻ; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về giá cả hàng hóa, dịch vụ.

Tin cùng chuyên mục