
Ngay sau khi Báo SGGP đăng loạt bài “Nguy cơ suy dinh dưỡng từ bữa ăn học đường”, báo động về chất lượng bữa ăn bán trú ở các cấp học, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến phản hồi của các bậc phụ huynh học sinh (PHHS), thầy cô giáo và nhà quản lý giáo dục của TPHCM và bạn đọc.
Bà Lê Thị Hồng Liên, Phó Giám đốc Sở GD – ĐT TPHCM:
Nên giảm thuế cho các bếp ăn công nghiệp

Bữa ăn học đường góp phần cải thiện thể chất giống nòi. Ảnh: DOANH DOANH
Yêu cầu đặt ra đối với các trường mầm non là đảm bảo 60% nhu cầu ca-lo-ri hàng ngày cho các cháu. Đối với bậc tiểu học và THCS, bếp ăn được mở ra do nhu cầu của PHHS. Trong thời gian qua, các trường tiểu học, THCS mới bắt đầu đi vào quản lý các bữa ăn, nhưng vẫn chỉ mang tính cách phục vụ theo dịch vụ thôi, chưa tính đến nhu cầu dinh dưỡng mỗi ngày của HS. Đặc biệt, trong tình hình giá cả hiện nay, vừa đáp ứng theo sở thích, vừa đảm bảo dinh dưỡng là vô cùng khó khăn. Muốn làm được thế thì phải tăng tiền ăn của HS.
Sở GD - ĐT không thả nổi chất lượng bữa ăn ở các trường học. Nhưng do không có điều kiện nấu nướng, nhiều trường tiểu học, THCS đặt bếp ăn công nghiệp. Các công ty bị tính 2 lần thuế (10% thuế giá trị gia tăng, 10% thuế buôn bán). Trong khi đó, hoạt động của các công ty phải có lời để nuôi nhân công, tái đầu tư cơ sở vật chất, có lợi nhuận. Tất cả đều đánh vào tiền ăn của HS, chẳng hạn một bữa ăn 8.000 thì mất tối thiểu 2.500 – 3.000 đồng.
PHHS muốn suất ăn công nghiệp đủ dinh dưỡng phải đóng tiền cao hơn nữa, nhưng hiện tại lại đóng ngang bằng với các trường tự nấu. Chúng tôi đã kiến nghị TP giảm thuế cho các công ty cung cấp suất ăn cho HS để giảm chi phí cho HS. Bên cạnh đó, mỗi quận, huyện nên tổ chức bếp ăn tập thể do quận điều hành và quản lý, giúp yên tâm về chất lượng và giảm giá thành.
Ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TPHCM:
Hiệu trưởng chưa được đào tạo về nuôi dưỡng học sinh bán trú
Bữa ăn bán trú hiện nay ở các trường chủ yếu là sự thỏa thuận giữa PHHS và nhà trường, chưa được nghiên cứu một cách có hệ thống, khoa học. Ở quận, huyện, phòng giáo dục luôn yêu cầu phải bảo đảm, VSATTP nhưng mỗi nơi làm một cách, chưa có cơ sở quy định về pháp lý. Do đó, trách nhiệm của hiệu trưởng về bữa ăn bán trú trong trường học là rất lớn, tuy nhiên họ chưa được đào tạo về những kiến thức chuyên môn về bữa ăn trong trường học.
Xu hướng chung tiến tới học 2 buổi/ngày, trong đó nhu cầu về bữa ăn bán trú rất cao vì PHHS không thể đưa đón con vào buổi trưa. Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu để chỉ đạo hướng dẫn đầy đủ về học 2 buổi/ngày, về chế độ dành cho bảo mẫu, trong đó có quy định cụ thể và chặt chẽ về bữa ăn bán trú trong trường học để địa phương tổ chức cho nhà trường, xã hội, PHHS thực hiện. Trường sư phạm nên thành lập ngành đào tạo về nuôi dưỡng và chăm sóc cho học sinh bán trú (cấp dưỡng và bảo mẫu…). Đồng thời đưa vấn đề bữa ăn bán trú vào chương trình đào tạo cho sinh viên sư phạm.
Ông Trần Mậu Minh, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn, quận 1:
Nhà trường phải gói ghém lắm mới đủ chất và lượng
Bếp ăn đặt tại trường tức là trường phải chịu trách nhiệm khâu vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Chúng tôi quan niệm “sạch” là tiêu chí quan trọng hàng đầu. Do vậy, nhà bếp được thiết kế một chiều theo đúng quy định VSATTP. Nhân viên của nhà bếp đều có học qua lớp VSATTP do trung tâm y tế dự phòng tổ chức. Nồi cơm, canh ở mỗi lớp học đều được đánh số để không bị “đi lạc”. Mỗi năm nhà trường phải tu bổ, mua sắm thêm vật dụng inox, còn mỗi ngày thì trường mua thực phẩm ở những đơn vị có uy tín. Trường có gần 1.200 HS bán trú, nhiều sở thích, nhiều nhu cầu nên việc thiết kế thực đơn cho HS không đơn giản. Các em hạp món nào thì mới ăn hết nên bữa ăn nào các em ăn sạch sẽ thì chúng tôi rất mừng. Với tiền ăn trưa 12.000 đồng, bao gồm luôn cả ăn xế, phải gói ghém lắm mới đủ “chất” và “lượng”.
Cô Nguyễn Thị Dung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bắc Hải, quận 10 TPHCM:
Mơ ước có trung tâm dinh dưỡng cho học sinh
Những trường tổ chức bếp ăn bán trú thường có nỗi lo luôn canh cánh bên lòng. Nỗi lo này chỉ chấm dứt vào cuối ngày khi HS vui khỏe. Nhưng nếu khoán cho bếp ăn công nghiệp thì trường lại lo về chất lượng bữa ăn. Nấu ở trường không phải mất chi phí cho khâu trung gian, nhưng về lâu dài, tôi mơ ước có một số trung tâm dinh dưỡng, tập trung đội ngũ chuyên viên phục vụ bữa ăn cho HS các trường học. Nhà trường sẽ nhẹ gánh và tập trung lo công tác chuyên môn.
Chị Trần Hoàng Thái Bình - An Phú, quận 2, PHHS tiểu học:
Hậu quả sẽ thấy rõ ở thế hệ sau
Báo SGGP viết loạt bài về bữa ăn học đường tôi thấy rất đúng và rất cấp thiết để những người làm giáo dục nhìn nhận một cách nghiêm túc về vấn đề quan trọng này. Nếu đặt ra việc học bán trú thì nhà trường phải đảm bảo việc ăn uống cho HS. Tuổi học đường được tính từ khi bắt đầu được gọi là HS cho đến khi rời khỏi ghế nhà trường. Đây là thời gian quyết định sự phát triển tối đa các tiềm năng di truyền liên quan đến tầm vóc, thể lực, trí tuệ, hình thành các thói quen hầu như sẽ lưu giữ suốt cuộc đời trong chuyện ăn uống, vận động, lối sống...
Trong khi đó, nhu cầu về dinh dưỡng lại ngày càng tăng lên do trẻ ngày càng lớn, cần nhiều năng lượng đáp ứng cho việc gia tăng hoạt động về trí não. Vì vậy, nguy cơ suy dinh dưỡng cũng sẽ tăng nếu trẻ không được theo dõi và chăm sóc đầy đủ về dinh dưỡng. Nếu Sở GD-ĐT không có biện pháp ngay để chấn chỉnh bữa ăn bán trú thì hậu quả chúng ta có thể chưa thấy trước mắt, nhưng sẽ thấy được rất rõ ràng ở thế hệ sau.
Nhóm PV
Bà Trần Thị Hiếu - Giám đốc Công ty Cung cấp thức ăn công nghiệp Minh Hiếu: |
Thông tin liên quan |
- Bài 1: Chất lượng dinh dưỡng: thả nổi! |