(SGGP0).- Hôm nay 20-1, Thông tư 30 của Bộ Y tế về điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố chính thức có hiệu lực. Theo ghi nhanh của PV SGGP, hầu hết những người kinh doanh thức ăn đường phố vẫn thờ ơ và dường như xem như không có thông tư này.
Trên đường Tân Kỳ Tân Quý, quận Tân Phú, hai bên đường thịt gà nướng phơi bày trên vỉa hè mà không có kính chắn bụi. Mỗi lần có gió lớn hay xe tải chạy ngang qua làm bụi cuốn lên mịt mù bám đầy trên mớ thịt gà nướng. Bên cạnh đó, khu vực này còn nổi tiếng với món cá lóc nướng. Cá lóc nướng trên vỉa hè và cũng chẳng vệ sinh gì hơn thịt gà nướng. Rau, mắm cũng phơi ra đường để cho bụi tha hồ bám vào. Kế đó mấy hàng thịt bò cũng phơi ra để ruồi nhặng bu đầy.
Chúng tôi hỏi một số người buôn bán ở vỉa hè tại TPHCM, những người này cho biết họ không biết những quy định của Thông tư 30 và nó ảnh hưởng như thế nào với hoạt động của họ. Nhiều bà con buôn bán vẫn chưa biết cần phải có giấy chứng nhận sức khỏe, phải được tập huấn và cấp giấy xác nhận về kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm phải có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, buôn bán phải bày biện có khay che đậy đảm bảo hợp vệ sinh...
Chị Xuân Hiền, bán canh bún ở đường Lạc Long Quân quận Tân Bình cũng thừa nhận có nghe loáng thoáng thấp thỏm trên một số phương tiện truyền thông nói về những quy định trong việc buôn bán hàng ăn trên đường phố. Nhưng chị cho rằng chị không thể đáp ứng các điều kiện đúng như thông tư này. Như nguyên liệu mua lẻ ngoài chợ làm sao có hóa đơn chứng minh nguồn gốc được.
Việc Bộ Y tế quy định một số điều kiện đối với người buôn bán thức ăn đường phố nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân là việc làm đáng hoan nghênh. Thế nhưng, thông tư khi đi vào cuộc sống còn bộc lộ nhiều điểm khó thực hiện, chưa sát thực tế gây khó khăn cho người kinh doanh buôn bán thức ăn đường phố cũng như cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này.
Tin, ảnh: Trần Thanh - Đức Trọng