
TPHCM đang nhộn nhịp chuẩn bị các chương trình nghệ thuật đưa vào phục vụ khách du lịch trong năm 2006. Đây là tín hiệu đáng mừng cho các đơn vị nghệ thuật của thành phố và cả du khách.
Nhộn nhịp chuẩn bị...
Sau khi có chủ trương đưa nghệ thuật vào phục vụ du khách, từ tháng 10-2005, UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở VHTT phối hợp cùng Sở Du lịch TPHCM triển khai đến các đơn vị nghệ thuật của thành phố để xây dựng, chuẩn bị một chương trình riêng phục vụ du khách.

Tiết mục “Hát chầu văn Huế” trong chương trình ca múa nhạc dân tộc “Bức tranh quê hương” sẽ được đưa vào chương trình phục vụ khách du lịch.
Trong đó, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang giao nhóm cải lương xã hội hóa “Thắp sáng niềm tin” quy tụ các nghệ sĩ trẻ, từng đoạt Huy chương vàng giải Triển vọng Trần Hữu Trang các năm tham gia và đang ráo riết tập luyện chuẩn bị hai chương trình ca múa, trích đoạn cải lương với thời lượng 105 phút. Chương trình một có ca múa “Dạ cổ hoài lang”, trích đoạn “Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga”, “Lữ Bố hí Điêu Thuyền”, “Thiếu phụ nam xương”…
Công ty tổ chức biểu diễn nghệ thuật TPHCM thực hiện chương trình ca múa nhạc dân tộc “Bức tranh quê hương” với 11 tiết mục ca – múa dàn dựng công phu qua sự thể hiện của hơn 50 ca sĩ, nhạc công, diễn viên múa chuyên nghiệp.
Nhà hát nghệ thuật hát bội TPHCM tập trung hơn 30 nghệ sĩ tập suốt nửa tháng cho chương trình phục vụ khách du lịch. Mở màn chương trình là tiết mục múa chào mừng “Bát Thiên Vương”, các nghệ sĩ cầm tấm liễng xếp thành hai dòng chữ: “Nhà hát nghệ thuật hát bội chào mừng quý khách” và “Chào mừng quý khách đến với đất nước Việt Nam”.
Ngoài ra, Nhà hát nghệ thuật hát bội còn giới thiệu hai trích đoạn “Châu xán tá thanh long đao” và “Tạ Ôn Đình chém Khương Linh Tá” mà qua đó thể hiện được nét đặc trưng của loại hình nghệ thuật biểu diễn mang tính ước lệ, tượng trưng, cách điệu cao. Đoàn nghệ thuật múa rối, Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, Đoàn Xiếc TPHCM cũng chuẩn bị nhiều chương trình nghệ thuật hấp dẫn để phục vụ du khách.
Và... chờ
Sau một thời gian chuẩn bị, đến nay nhiều đơn vị nghệ thuật đã tổ chức biểu diễn báo cáo chương trình cho lãnh đạo Sở VHTT, Sở Du lịch TPHCM, cùng những công ty du lịch ở TPHCM xem đánh giá, góp ý để chương trình ngày càng hay hơn. Tuy nhiên, “vạn sự khởi đầu nan”, nếu không chuẩn bị quyết liệt, đầu tư đúng mức thì việc đưa nghệ thuật vào phục vụ khách du lịch sẽ gặp không ít khó khăn.

Các nghệ sĩ Mỹ Hằng (trái) và Thy Trang trong chương trình sân khấu du lịch.
Một số nghệ sĩ trẻ của nhóm “Thắp sáng niềm tin” – Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang sau đêm diễn báo cáo buồn bã tâm sự: “Chúng tôi nghe nói có khoảng 500 khách đến xem góp ý, anh em nghệ sĩ rất hồ hởi chuẩn bị. Nhưng khi mở màn chỉ có 20 – 30 người và trong số ấy chỉ có vài người là lãnh đạo của một số công ty du lịch… Sau đêm diễn anh em chờ đợi được nghe một lời đánh giá, nhưng lại không có làm mọi người hụt hẫng!”.
Còn NSƯT Ngọc Nga – Phó Giám đốc Nhà hát nghệ thuật hát bội TPHCM cho biết, hôm 23-12 chuẩn bị biểu diễn báo cáo chương trình, các anh em nghệ sĩ hóa trang gần xong thì chương trình bị… hoãn lại vì “thiếu người xem diễn báo cáo”!
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Nhật Tân – Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM nói: “Sau khi xem tất cả các đêm diễn báo cáo của những đơn vị nghệ thuật, chúng tôi sẽ tiến hành thống kê, tập hợp các ý kiến khảo sát để trình UBND TPHCM xem xét quyết định và có thể trong năm 2006 sẽ thực hiện.
Để chuẩn bị điểm diễn cố định phục vụ thường xuyên cho khách du lịch, Sở VHTT TPHCM đã kiến nghị với UBND TPHCM về việc cải tạo nâng cấp rạp hát Kim Châu. Khi rạp Kim Châu được cải tạo nâng cấp, nơi đây không chỉ biểu diễn nghệ thuật mà còn là nơi trưng bày, bán một số sản phẩm quà lưu niệm phục vụ du khách”.
Có thể nói, việc đưa nghệ thuật vào phục vụ khách du lịch nhằm quảng bá nét đẹp văn hóa của các loại hình nghệ thuật dân tộc với du khách quốc tế là rất cần thiết.
Nhiều nước Đông Nam Á đã triển khai và thành công với chương trình này. Đối với Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, để làm được điều này, chúng ta phải có một chiến lược đầu tư đúng mức từ cơ sở vật chất cho đến nội dung chương trình. Hiện nay, việc xâu chuỗi những chương trình đơn lẻ của các đơn vị khác nhau như thế chưa xứng tầm một chiến lược phát triển, thu hút du khách.
Thiết nghĩ, để việc ra mắt chương trình nghệ thuật phục vụ khách du lịch trong năm 2006 như dự kiến tạo được ấn tượng đẹp trong lòng bạn bè quốc tế, nên kêu gọi xã hội hóa, khuyến khích các công ty, doanh nghiệp trong nước góp vốn đầu tư xây dựng điểm diễn và tổ chức dàn dựng chương trình nghệ thuật qui mô như Thủ tướng Phan Văn Khải đã từng phát biểu chỉ đạo.
Ý kiến du khách nước ngoài Một sân khấu tuy nhỏ nhưng rất đặc sắc. Hầu như tất cả khách nước ngoài như chúng tôi đều đến đây để thưởng thức những điệu múa, những hoạt cảnh về đời sống, con người Hội An xưa và nay. Tôi cho rằng thông qua sân khấu này chúng tôi biết nhiều về văn hóa của các bạn hơn… |
Nhóm PV VHVN