Nghị trường Bình Định "nóng" bài toán thu ngân sách và giảm nghèo

Tại nghị trường kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh Bình Định sáng 15-3, nhiều lần Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng đặt câu hỏi, truy vấn mong muốn các đại biểu tìm giải pháp, nút thắt để giải bài toán thu ngân sách và ràng buộc trách nhiệm người đứng đầu các địa phương chịu trách nhiệm nếu không đưa chỉ số giảm nghèo tỉnh xuống thấp hơn mức bình quân chung cả nước.

Quang cảnh kỳ họp
Quang cảnh kỳ họp

Thu ngân sách chập chờn, thiếu bền vững

Tại kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh đã có báo cáo bổ sung tình hình thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh và giải ngân đầu tư công năm 2023. Qua rà soát, đến hết niên độ ngân sách nhà nước năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước địa bàn tỉnh 12.762 tỷ đồng, đạt 93,5% dự toàn HĐND giao và bằng 81,2% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách năm 2023 tỉnh thực hiện không đạt chỉ tiêu HĐND tỉnh giao.

z5251834160256-7ec4727e8101a0d776b42ab4341bce56-5610.jpg
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định cùng các lãnh đạo chủ trì kỳ họp

Nhiều nguyên nhân được lãnh đạo UBND tỉnh nêu lên, trong đó thu thuế các mặt hàng nhập khẩu giảm do sức mua, tiêu dùng toàn cầu đều giảm. Thu nội địa có 4/17 chỉ tiêu không đạt dự toán HĐND tỉnh giao. Thu tiền sử dụng đất giảm do thị trường bất động sản gặp khó, việc siết chặt tín dụng đối với bất động sản…

Chủ trì kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng lật lại các chỉ số thu ngân sách tỉnh này từ năm 2021 đến nay. Trong đó, năm 2021 thu ngân sách tỉnh đạt 14.500 tỷ đồng, năm 2022 vươn lên trên 16.500 tỷ đồng, nhưng năm 2023 lại tụt dốc còn 12.700 tỷ đồng. Cho rằng, thu ngân sách tỉnh còn thiếu bền vững, ông Hồ Quốc Dũng đề nghị các đại biểu cần chỉ rõ nguyên, tìm giải pháp căn cơ.

Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định nhấn mạnh, việc sụt giảm thu ngân sách cần nhìn rõ từ các nguyên nhân chủ quan. Ở đây, trách nhiệm các lãnh đạo UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã làm hết mình, nhưng các lãnh đạo sở, ban ngành “có biểu hiện đùn đẩy, né trách đẩy trách nhiệm lên trên”, ông Hồ Quốc Dũng chỉ rõ và dẫn chứng thêm, năm 2023 tuy cấp tỉnh thu ngân sách giảm nhưng các huyện, thị, thành phố trong tỉnh lại thu cao, vượt chỉ tiêu HĐND tỉnh giao. “Các địa phương thì thu tốt, nhưng tại sao tỉnh lại thu không được. Câu hỏi đặt ra nguyên nhân và trách nhiệm do đâu?”, ông Dũng đặt câu hỏi.

Tại kỳ họp, đại diện Cục Thuế Bình Định cũng đã giải trình 1 số nội dung liên quan đến việc sụt thu ngân sách. Trong 17 nguồn thu chính, có 5 nguồn thu bị sụt giảm mạnh, gồm: thu từ doanh nghiệp ngoài nhà nước; thu tiền sử dụng đất; lệ phí trước bạ và đặc biệt thuế bảo vệ môi trường chỉ đạt xấp xỉ 490 tỷ đồng, trong khi chỉ tiêu HĐND tỉnh giao 920 tỷ đồng. Nguyên nhân sụt giảm thuế bảo vệ môi trường là chính sách hỗ trợ tài khóa từ Quốc hội, Chính phủ. Trong đó, tổng các khoản giảm thu Bình Định năm 2023 có nguyên nhân do các chính sách tài khóa từ Trung ương là 694 tỷ đồng.

z5251834115288-461a9dfe7bbdc8e535e3cc04ef073421-7036.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn nêu thêm 1 số phương án, kế hoạch tại kỳ họp

Xác định nhiệm vụ thu ngân sách là là rất quan trọng, giúp tỉnh có được “sức đề kháng” tốt để thực hiện các nhiệm vụ phát triển, nhất là đầu tư hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất y tế, trường học, trụ sở, đê kè chống bão lụt… Vì vậy, ông Hồ Quốc Dũng cho rằng, các cấp, nhất là các sở, ngành cần vào cuộc cùng với lãnh đạo tỉnh để tiếp tục tăng nguồn thu ngân sách bền vững, không thể cắt giảm. Năm 2024, kịch bản thu ngân sách Bình Định sẽ tập trung khai thác quỹ đất tỉnh, không trông đợi nhiều vào các nhà đầu tư vì các doanh nghiệp đang rơi vào giai đoạn khó khăn, nhiều đơn vị nợ nần…

Xử lý người đứng đầu nếu không chịu giảm nghèo

Tại kỳ họp, câu chuyện giảm nghèo cũng được nghị trường hết sức quan tâm. Theo lãnh đạo Sở LĐTB-XH tỉnh Bình Định, tỷ lệ hộ nghèo Bình Định năm 2023 là 3,13% cao hơn bình quân cả nước (bình quân cả nước là 2,93%).

Lãnh đạo Sở LĐTB-XH Bình Định cho biết, đơn vị đã đề ra các giải pháp, nhiệm vụ và đặt mục tiêu sẽ đưa chỉ số giảm nghèo tỉnh về mức thấp hơn bình quân cả nước. Trong đó, đến năm 2024 tỉnh phấn đấu đưa trên 8.800 hộ dân thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo tỉnh giảm xuống 1,13%, năm 2025 giảm xuống còn 0,7%...

z5251835658161-b211d6bc89dfad19ba5afdf541c37bb5-3635.jpg

Qua đó, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định yêu cầu lãnh đạo Sở LĐTB-XH tỉnh cần giữ lời hứa giảm nghèo. Ông Hồ Quốc Dũng cho biết, quy mô kinh tế tỉnh năm 2023 tăng trưởng mạnh, đứng top 5 các tỉnh, thành miền Trung. Tuy nhiên, tỷ lệ giảm nghèo tỉnh lại cao hơn so với bình quân cả nước đây là mâu thuẫn cần xem lại bộ máy vận hành giảm nghèo tỉnh.

Qua đó, chủ tọa kỳ họp nhìn nhận, câu chuyện giúp dân giảm nghèo cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Tới đây, tỉnh sẽ gắn trách nhiệm từ UBND tỉnh đến Ban Thường vụ Tỉnh ủy, gắn trách nhiệm các bí thư, người đứng đầu. Các địa phương sẽ được giao trách nhiệm giảm nghèo bằng con số, chỉ tiêu cụ thể nếu địa phương nào không giảm được tỷ lệ hộ nghèo thì xử lý trách nhiệm người đứng đầu, bí thư địa phương đó.

z5251840394666-6bde4ead3cc36702eb4775cfc606e4cc-4056.jpg
Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng phát biểu tại kỳ họp

Vẫn còn trên 27.100 hộ nghèo, cận nghèo...

Theo Sở LĐ-TB-XH tỉnh, hiện toàn tỉnh có trên 27.100 hộ nghèo, cận nghèo. Qua rà soát, các hộ nghèo, cận nghèo tỉnh xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó: do không có đất sản xuất trên địa bàn 910 hộ; không có vốn sản xuất là 1.562 hộ; không có lao động 4.975 hộ; không có công cụ, tư liệu sản xuất 3.482 hộ; không có khả năng lao động sản xuất 2.877 hộ; có người ốm đau bệnh nặng trên 5.300 hộ; số hộ còn lại nghèo do các nguyên nhân khác…

Tin cùng chuyên mục