Nghiêm khắc trong xử lý vi phạm lĩnh vực điện ảnh

Ông Đỗ Quốc Việt - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh chia sẻ, với sự hoàn thiện của Luật Điện ảnh, các văn bản dưới luật cùng nhiều luật có liên quan, mục tiêu chung trong quản lý ở lĩnh vực điện ảnh là hướng đến sự công bằng, cùng tuân thủ quy định pháp luật.

Sáng 14-4, tại TPHCM diễn ra hội nghị phổ biến, triển khai Luật Điện ảnh số 05/2022/QH ngày 15-6-2022 của Quốc hội và Nghị định 131/2022/NĐ-CP ngày 31-12-2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM chủ trì hội nghị. Ông Đỗ Quốc Việt, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh cùng tham dự và trả lời nhiều câu hỏi thắc mắc.

Vấn đề liên quan đến phổ biến phim, đặc biệt phim chiếu mạng tiếp tục nhận được nhiều trao đổi, thảo luận.

Ông Việt cho biết, ngoài 15 điều (từ điều 18 đến điều 32) trong chương IV của Luật Điện ảnh, riêng vấn đề liên quan đến phổ biến phim trên không gian mạng còn chiếm đến 5 điều trong Nghị định 131. Điều đó cho thấy sự quan tâm cũng như mức độ quan trọng của vấn đề, đặc biệt trong xu thế vận động và phát triển điện ảnh Việt hiện nay.

Ông Đỗ Quốc Việt có nhiều chia sẻ liên quan đến câu chuyện phải tuân thủ quy định pháp luật trong phát hành, phổ biến phim

Ông Đỗ Quốc Việt có nhiều chia sẻ liên quan đến câu chuyện phải tuân thủ quy định pháp luật trong phát hành, phổ biến phim

Trả lời câu hỏi liên quan đến những vi phạm nổi cộm thời gian vừa qua, ông Việt thông tin, liên quan đến bộ phim tài liệu MH370: Chiếc máy bay biến mất vi phạm pháp luật Việt Nam, phía Netflix đã gỡ bỏ tập 1 trên kho nội dung Việt Nam. Ông Việt cho biết: “Phim MH370 có những yếu tố không phù hợp và vi phạm quy định những quy định tại điều 9 (Những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh) buộc phải gỡ bỏ.

Theo Luật Điện ảnh và Luật An ninh mạng, thời gian tới tất cả các tổ chức có hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng dù của Việt Nam, hay các tổ chức xuyên biên giới đều tuân thủ thực hiện theo quy định của pháp luật, phải có đại diện và địa chỉ cụ thể. Để khi có phản hồi từ người xem, người dùng và cơ quan quản lý nhà nước thì những phim vi phạm pháp luật buộc phải được gỡ bỏ.

Vì là nội dung mới, theo chúng tôi được biết thậm chí Việt Nam còn đi trước một số nước trên thế giới có nền điện ảnh phát triển về các quy định quản lý phim trên không gian mạng.

Theo tôi, việc quản lý này sẽ được thực hiện dần từng bước, có các quy định cụ thể, có những điều chỉnh để tất cả phim phổ biến tại rạp, truyền hình và không gian mạng đều có sự kiểm soát và tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam”.

Vi phạm của bộ phim MH370 đã được phía Việt Nam yêu cầu gỡ bỏ

Vi phạm của bộ phim MH370 đã được phía Việt Nam yêu cầu gỡ bỏ

Ông cũng cho biết thêm, về mặt quan điểm các phim trên không gian mạng đều được phép phổ biến nhưng cần có sự kiểm soát của cơ quan quản lý. Các tổ chức phổ biến phim phải tự phân loại, tự chịu trách nhiệm và tới đây phải gửi danh sách phim sẽ phổ biến đến cơ quan quản lý nhà nước.

Đề cập đến việc thực thi các quy định pháp luật tại Việt Nam, ông Việt còn dẫn chứng trường hợp bộ phim Vị. “Phim Vị vi phạm pháp luật Việt Nam, không phù hợp thuần phong mỹ tục, nhưng lại được đem ra nước ngoài, được cổ xúy ở môi trường này môi trường kia” – ông khẳng định.

Theo ông, ngay từ đầu bộ phim đã không thực hiện đúng quy định của pháp luật Việt Nam, tức là muốn đem phim đi nước ngoài phải có giấy phép phổ biến phim.

Theo Luật Điện ảnh mới nhất, những phim như thế nếu phân loại sẽ ở mức C – tức là không được phép phổ biến. Mà khi phim đem ra nước ngoài, gọi nôm na là đi thi chui. Và, rõ ràng việc đó là vi phạm pháp luật.

Ông cũng khẳng định, riêng đối với dòng phim độc lập, nghệ thuật hiện không có bất cứ trở ngại nào khi phát hành, chỉ cần đáp ứng đủ các điều kiện và quy định pháp luật.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM chủ trì hội nghị

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM chủ trì hội nghị

Được biết, phía Cục Điện ảnh đang xây dựng dự thảo kiểm tra theo xác suất với những tổ chức phổ biến phim trên không gian mạng đã có những phim vi phạm; hoặc tổ chức phổ biến phim tại rạp cũng như tổ chức phổ biến phim nhưng không thực hiện đúng các quy định của pháp luật Việt Nam.

Chia sẻ thêm tại hội nghị, ông Việt cũng cho biết, sau khi Luật và Nghị định 131 có hiệu lực từ ngày 1-1-2-23, thông tư phân loại phim mới đang được chuẩn bị ban hành, được áp dụng với tất cả các thể loại phim. Liên quan đến vấn đề nhập khẩu phim, Luật cho phép quyền chủ động với các tổ chức nhưng phải cam kết không vi phạm đối với từng bộ phim.

Bà Thanh Thúy cũng giải đáp thắc mắc của đại diện Phòng văn hóa thông tin quận 8 liên quan đến việc các đoàn phim của Việt Nam có phải xin giấy phép khi quay phim. Trước đó, đại diện đơn vị này cho biết từng có 1-2 trường hợp đoàn phim điện ảnh đến địa bàn quận 8, chọn xây dựng bối cảnh nhưng sau đó bị từ chối cho phép quay vì lo ngại ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.

Theo bà Thúy, hiện đã bãi bỏ quy định về việc phải có giấy phép mới được quay phim của các đoàn phim Việt Nam. Trong trường hợp này, các đoàn phim cần có liên hệ trước với địa phương, báo cáo rõ về hoạt động cụ thể để được tạo điều kiện.

Riêng với các đoàn phim nước ngoài vào Việt Nam, ông Việt nhấn mạnh Luật Điện ảnh đã quy định rất rõ ràng và chi tiết.

Tin cùng chuyên mục