
Hơn một tuần đã qua, kể từ khi 15 căn nhà ở khu vực bờ kênh Thanh Đa (phường 26, quận Bình Thạnh TPHCM) bị sạt xuống sông, gần 100 người dân ở đây vẫn trong tình trạng nan giải về chỗ ở.
Nhà mình không dám ở
Đa số những gia đình ở đây làm nghề buôn bán, đồ đạc rất nhiều nên khi nhà bị sạt lở không biết dọn đi đâu gửi cho hết. Nhà của ông Dũng trước đây là quán cà phê sân vườn nay sập chỉ còn một gian nhà và khoảnh sân nhỏ để cả gia đình 9 người cùng ở. Mấy ngày nay trời mưa, mảnh sân ướt nhẹp, vì vậy lúc nào ông Dũng cũng xăn quần cao tới gối và đi giày ủng. Cùng cảnh ngộ với ông Dũng, chị Khoa cho biết: “Cũng phải chạy đi chạy về mỗi ngày, có hai đứa con thì đứa gửi nhà nội đứa nhà ngoại, lên xuống coi nhà, mấy hôm nay đừ cả người. May là đang hè, mai mốt vô năm học, chắc càng cực nữa”.
Chung cư cũng không xong

Người dân ở khu vực đường Tầm Vu (P26, Q.Bình Thạnh) dọn nhà đi tạm cư. Ảnh: P.V.A.
Giải pháp tạm thời để giải quyết chỗ ở cho người dân là bố trí họ vào chung cư. Tối 4-7 vừa qua, 8 hộ dân đã được chuyển đến chung cư Nguyễn Văn Lượng trên đường Thống Nhất (quận Gò Vấp). Theo UBND phường 26, sắp tới các hộ dân còn lại cũng sẽ được bố trí ở chung cư. Điều làm đau đầu chính quyền là đa số người dân lại không muốn ở chung cư. Ông Dũng bày tỏ băn khoăn: “Nghe mấy người lên đó về kể lại, ở đó nước rất yếu, mỗi lần mở nước chỉ chảy rỉ rỉ, còn không thì nước đỏ rất dơ”. Chị Ngọc thêm: “Không có nước thì làm sao mà sống”. Còn anh Quý thì nêu lý do: “Lúc trước tôi đã từng ở chung cư, mới ra đây rồi bây giờ hổng lẽ lại vào chung cư ở nữa”. Gia đình chị Dung kiên quyết không lên chung cư ở, mỗi tối cả nhà kéo nhau ra trải chiếu trước sân để ngủ vì ở trong nhà cũng không có điện nước gì “ra ngoài có ánh đèn đường còn sáng hơn”.
Lãnh đạo phường lý giải: Đa số các hộ đều không muốn ở chung cư vì trước đây được ở trong những căn nhà rộng rãi, giờ lên chung cư mỗi căn hộ chỉ hơn 40m2. Vả lại người dân cũng chưa biết việc bố trí nhà trên chung cư chỉ là tạm thời hay là sẽ ổn định luôn, mà nếu ổn định luôn có nghĩa là… mất nhà(?). Điều này lại chưa có câu trả lời chính thức từ cơ quan chức năng.
Băn khoăn trăm chiều
Nhiều hộ khác cho biết, với số tiền được hỗ trợ (700.000 đồng/hộ), có muốn thuê mướn nhà cũng khó mà ngay bây giờ thì cũng “không biết mướn ở đâu ra”. Lên chung cư ở thì tạm ổn định về chỗ ở nhưng không biết lấy gì sinh sống vì dân ở đây chủ yếu là buôn bán gắn với mảnh đất này.
“Chúng tôi chỉ mong muốn chính quyền nhanh chóng hoàn thành công trình bờ kè này để người dân sớm được trở về nhà của mình để còn làm ăn buôn bán, chứ phải sống cảnh nay đây mai đó, rồi con cái đứa nhà nội đứa nhà ngoại mãi sao”. Đó là suy nghĩ chung của những người dân ở đây.
THANH TÂM