Hãng Reuters đưa tin, 6 giờ 30 phút sáng 14-4 (17 giờ 30 phút cùng ngày giờ Việt Nam), hơn 18 triệu cử tri Venezuela đi bầu người kế nhiệm Tổng thống Hugo Chavez. Mọi thăm dò trước bầu cử đều cho thấy ứng viên Nicolas Maduro, Tổng thống lâm thời Venezuela, đang chiếm ưu thế, với tỷ lệ ủng hộ hơn 55%.
Ủng hộ Chavismo
Tham gia vòng bầu cử tổng thống mới có 7 ứng viên. Nhưng chỉ có 2 ứng viên được dư luận chú ý nhiều nhất là quyền Tổng thống Nicolas Maduro, đồng minh thân cận của cố Tổng thống Chavez, ứng viên đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Venezuela (PSUV) cầm quyền và Thống đốc bang Miranda, ông Henrique Capriles, thuộc liên minh đối lập Ban đoàn kết dân chủ (MUD).
Nhân dân Venezuela giờ đây có 2 lựa chọn: tiếp tục đường lối của ông Hugo Chavez hay chuyển sang kinh tế thị trường và chủ nghĩa tư bản. Nhóm thứ nhất gồm những người ủng hộ ông Chavismo (tư tưởng xã hội chủ nghĩa do ông Chavez phát triển), là cư dân thuộc các khu người nghèo có mức thu nhập dưới trung bình. Nhóm thứ hai là tầng lớp trung lưu. Các nhà phân tích nhận định, ông Maduro đã giành được thiện cảm của đông đảo cử tri khi chọn thành phố Sabaneta ở bang Barinas, quê hương của cố Tổng thống Hugo Chavez, làm địa điểm khởi động chiến dịch tranh cử.
Bằng việc hoạch định tuyến đường tranh cử giống như chặng đường mà cố Tổng thống Chavez thực hiện trong chiến dịch tranh cử 6 tháng trước, ông Maduro cam kết đẩy mạnh các chương trình cải cách xã hội, trung thành theo đuổi cam kết xây dựng Cách mạng Bolivar và Chủ nghĩa xã hội Venezuela, phát triển giáo dục, y tế, xây dựng nhà ở, thúc đẩy sản xuất, tạo công ăn việc làm, phân phối lương thực và thực phẩm thiết yếu với giá ưu đãi dành cho người nghèo… Tuy nhiên, nếu đắc cử, tân Tổng thống Venezuela sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn khi phải giải quyết tình trạng tội phạm, lạm phát, thiếu hụt lương thực, sản xuất đình trệ do kiểm soát tiền tệ gắt gao.
Trong khi đó, ứng viên Capriles, không đưa ra được các giải pháp cụ thể dù dành nhiều thời gian để chỉ ra những yếu kém của chính phủ dưới thời Tổng thống Chavez. Thêm vào đó là đường hướng tranh cử của ứng cử viên đối lập này được cho là không rõ ràng và thiếu kiên định.
Đối phó âm mưu phá hoại bầu cử
Dự kiến vòng bỏ phiếu sẽ kết thúc sau 10 giờ. Việc thực hiện kiểm phiếu sẽ tiến hành ngay sau đó. Trong suốt quá trình bầu cử, các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt được thực thi cùng với việc đóng cửa biên giới với Colombia và Brazil, kéo dài đến đêm 15-4, một ngày sau cuộc bầu cử tổng thống. Khoảng 125.000 nhân viên an ninh sẽ tham gia kế hoạch tuần tra và an ninh đặc biệt tại hơn 13.600 điểm bầu cử. Chính phủ cũng triển khai cảnh sát và quân đội bảo vệ các cơ sở sản xuất và phân phối điện, cấm bán rượu... để bảo đảm an ninh.
Hiện nay, dư luận Venezuela đang xôn xao về luồng thông tin có bàn tay của nước ngoài âm mưu phá hoại bầu cử. Nhà báo nổi tiếng người Venezuela Mario Silva tố cáo Bí thư thứ hai Đại sứ quán Mỹ tại Caracas Elizabeth Hoffman đã tiếp xúc với một lãnh đạo của đảng đối lập Đầu tiên là công lý (PJ) để lên kế hoạch gây bất ổn trước thềm cuộc bầu cử tổng thống tại quốc gia Nam Mỹ này.
Bà Hoffman đã gặp ông Wilson Castro, người điều phối đảng PJ, để tìm hiểu khả năng vận động quần chúng của phe đối lập trong trường hợp chính phủ “vi phạm” trong bầu cử và ứng cử viên đối lập Henrique Capriles thất cử. PJ là một trong những thành viên của MUD. Venezuela còn bắt giữ các đối tượng bán quân sự Colombia đóng giả quân nhân Venezuela mang vũ khí và thuốc nổ, nhóm lính đánh thuê người El Salvador có kế hoạch phối hợp với các lực lượng đối lập nước này thực hiện các hoạt động gây bất ổn trước thềm bầu cử.
THANH HẰNG (tổng hợp)
>> Venezuela không ướp thi hài Tổng thống Hugo Chavez
>> Venezuela: Điều tra nghi án Tổng thống Chavez bị đầu độc
>> Venezuela ấn định ngày bầu cử tổng thống
>> Tòa án Hiến pháp Venezuela: Ông Nicolas Maduro có quyền ứng cử Tổng thống
>> “Tổng thống Hugo Chavez sống mãi”
>> Tổng thống Venezuela Hugo Chavez qua đời: Mỹ Latinh chìm trong đau buồn
PHƯƠNG NAM