Suốt nhiều năm chiến tranh, bao cấp, Hà Nội không có ai nói đến chữ “du lịch”. Ngày ấy “du lịch” như là một tiếng lóng để chỉ chuyện trai gái yêu nhau hơi quá đà. Hoặc xem trên chương trình tivi “Du lịch qua màn ảnh nhỏ”. Nghĩa là xem người khác đi du lịch về kể lại bằng hình ảnh.
Cũng như nhiều tỉnh ở miền Bắc, người Hà Nội gọi du lịch bằng một chữ khác. Đó là “nghỉ mát”. Và lẽ dĩ nhiên chỉ có thể nghỉ mát vào mùa hè. Quá lắm là sang đầu thu mà thôi. Mùa đông và xuân cứ ở nhà là đã đủ mát lịm. Người Hà Nội đi nghỉ mát theo hai hướng. Lên rừng và xuống biển. Nếu đi Đồ Sơn hoặc Sầm Sơn thì được cả rừng lẫn biển. Thế nhưng những nơi này thường có nhiệt độ cao hơn Hà Nội vào mùa hè. Xuống biển một tuần về đen cháy tróc da từng mảng. Ý nghĩa của việc nghỉ mát thường là ngược lại với mong muốn. Chỉ được an ủi ít nhiều bằng cảnh quan mới lạ những lần đầu. Lần sau phải cân nhắc cẩn thận.
Hướng lên núi, khí hậu mát mẻ hơn nhiều. Tam Đảo, Ba Vì, Sa Pa có nền nhiệt khoảng 170C vào mùa hè. Lạnh đến mức không thể tắm nước máy. Những năm này khái niệm bình tắm nóng còn rất xa lạ với những khu nghỉ mát. Nhưng những khu nghỉ mát thời ấy vẫn đông đúc dù rằng rất hiếm có người đi nghỉ mát tự túc. Tất cả các khu nghỉ mát là những nhà nghỉ, khách sạn của công đoàn hoặc cơ quan nhà nước nào đó. Chỉ có cán bộ công nhân viên và con em họ có tiêu chuẩn nghỉ mát mới được vào. Không có tiêu chuẩn phải thuê nhà dân ở và tự nấu nướng.
Nghỉ mát có mùa chỉ vài tháng trong năm nên phần lớn những khu nghỉ mát ngoài Bắc không được đầu tư cẩn thận vì hiệu quả không cao. Những tháng mùa đông còn lại hầu như tuyệt đối vắng khách vẫn phải chi trả tiền điện nước và nhân viên phục vụ. Cho đến tận bây giờ tình hình cũng chưa có gì đổi khác. Người Hà Nội vẫn phải chấp nhận nghỉ mát theo mùa.
Du lịch là một chuyện khác hẳn. Nhất là sau thời kỳ đổi mới. Địa điểm không còn bó hẹp trong những khu nghỉ dưỡng mà bao gồm rất nhiều danh lam thắng cảnh. Có thể du lịch cả bốn mùa. Mùa xuân có đến hàng trăm lễ hội. Tiêu biểu là Giỗ trận Đống Đa, hội Chùa Hương, hội Đền Gióng, hội pháo Đồng Kỵ… Và miền Bắc sở hữu một tài nguyên khổng lồ cả trên rừng lẫn dưới biển về các địa điểm du lịch. Mạn Tây Bắc có Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên. Phía Bắc có Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng. Sang Đông Bắc là Lạng Sơn, Quảng Ninh. Người Hà Nội không mặn mà lắm với các khu resort bài trí cảnh quan nhân tạo, giờ đã có nhiều lựa chọn hơn cho các chuyến du lịch của mình.
Chỉ cần một chiếc xe khỏe và vài người bạn có máu phiêu lưu, bất cứ lúc nào trong năm cũng có thể làm một vòng qua những cung đường từ Tây sang Đông đến những vị trí địa đầu Tổ quốc như Mù Cang Chải - Yên Bái, đỉnh Fansipan - Sa Pa, điểm cực Tây Tổ quốc A Pa Chải - Điện Biên, thác Bản Giốc - Cao Bằng, cột cờ Lũng Cú - Hà Giang, mũi Sa Vĩ - Trà Cổ… Khắp nơi trên những cung đường ấy đều có khách sạn tùy chọn. Cũng có thể ở nhà dân dạng homestay khá đầy đủ tiện nghi. Tất nhiên, chất lượng của một cuộc du lịch luôn được đánh giá bằng những địa điểm mới lạ kỳ thú và những sinh hoạt dân dã, chứ không phải khách sạn mấy sao hay nhà hàng đặc sản. Đại khái lên miền núi phía Bắc thì phải ở nhà sàn, ngồi bếp lửa uống rượu ngô men lá nhắm với nhộng ong trứng kiến và thịt trâu gác bếp. Cầu kỳ nữa thì nhờ chủ nhà làm cho món cá nướng “Pa pỉnh tộp” ướp mắc khén, ớt tươi, gừng, sả, hành nướng trên than hồng thơm nhức mũi. Nếu có điều kiện thì xem một canh múa xòe uống rượu chéo tay với các cô gái dân tộc Thái mới gọi là tạm đủ.
Người Hà Nội vài năm nay hình thành thói quen đi du lịch vào dịp tết cổ truyền. Cũng bởi nghỉ tết kéo dài đủ thời gian du lịch cả trong và ngoài nước. Hà Nội lạnh quá thì kéo nhau vào Nha Trang, Đà Lạt. Xa nữa thì sang Thái Lan, Lào, Campuchia, Singapore. Thời công nghệ chỉ cần giao thừa ngồi bấm một cái tin nhắn chúc mừng năm mới gửi cho tất cả bạn bè là đủ ấm áp rồi.
Thế nhưng, một thành phố cổ như Hà Nội vẫn còn những dư âm của phong tục cúng bái tổ tiên vào ngày tết. Vẫn phải cúng Ông Công vào hăm ba tháng Chạp, cúng giao thừa, cúng mồng một, cúng hóa vàng vào mồng bốn tết. Những anh con trưởng, cháu đích tôn hoặc trưởng họ vẫn phải ở nhà vào dịp này. Thương thế!
ĐỖ PHẤN