Không khí nóng bức, tiếng ồn trong nhà máy sản xuất sản phẩm từ cao su của Công ty TNHH MTV Cao su Thống Nhất không làm chậm nhịp độ làm việc. Đến khu vực máy lưu hóa cao su, tốc độ thao tác của công nhân rất nhanh, thành thục. Đó là kết quả từ giải pháp công nghệ điện tử can thiệp vào quá trình vận hành máy lưu hóa cao su - một sáng chế của kỹ sư điện - điện tử Nguyễn Vũ Đạt, Phó ban Cơ điện của công ty.
Dùng công nghệ thay sức người
Hàng ngày, như công nhân, anh Nguyễn Vũ Đạt làm việc trong môi trường nhiệt độ cao, cực kỳ nóng nực. Trăn trở về việc tìm giải pháp hỗ trợ anh em nâng cao năng suất, tiết kiệm sức lao động đã theo anh Đạt từ nhà máy về nhà, kể cả những lúc nghỉ ngơi.
Anh nhận thấy một số máy móc có tuổi đời hơn 20 năm nên chạy rất chậm, năng suất không đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh ngày càng cao; đơn cử như máy lưu hóa cao su.
Trước kia, máy hay hỏng lặt vặt. Công nhân tốn sức bởi cách làm thủ công: đổ cao su vào khuôn, nhấn nút, đứng canh sản phẩm. Một công nhân phụ trách một máy.
Anh Nguyễn Vũ Đạt điều khiển máy lưu hóa cao su có chương trình tự động
Chưa kể, thành phẩm thường không đạt tiêu chuẩn như mong muốn. 8 giờ làm việc, nhìn công nhân túc trực cạnh máy tỏa sức nóng đến mấy trăm độ, anh càng quyết tâm nghĩ cách cải thiện điều kiện làm việc tại xưởng.
Đây là chủ trương chung nên lãnh đạo, đoàn thể tạo mọi thuận lợi giúp anh và đồng nghiệp. Tìm hiểu, tiếp cận dây chuyền sản xuất cao su ở nhiều quốc gia tiến bộ, anh nhận ra công nghệ chính là vũ khí lợi hại giúp thiết bị vận hành trơn tru.
Đầu năm 2016, anh Đạt cùng đồng nghiệp trình bày kế hoạch đưa công nghệ điện tử tham gia điều khiển, vận hành máy lưu hóa cao su. Ban Cơ điện thiết kế mới hoàn toàn bộ phận thủy lực, điều khiển và làm thêm bảng điều khiển cảm ứng.
Thiết bị này kết nối với tất cả bộ phận trong máy. Mọi nội dung điều khiển được lập trình sẵn. Sau khi đổ cao su vào khuôn, công nhân chọn chế độ, hẹn giờ... thông qua màn hình cảm ứng.
Anh Đạt chia sẻ, một trong những giai đoạn khó nhất khi bắt tay sáng chế là lập trình chương trình tự động. Anh phải học thêm tin học, đọc nhiều tài liệu nước ngoài. Quá trình thiết kế, thử nghiệm kéo dài gần 2 tháng.
Đến tháng 10-2016, thiết bị mới chính thức ra mắt. Từ khi ứng dụng thiết bị tự động, người lao động không mất công đứng canh giờ lấy sản phẩm như trước.
Thay vì một máy, mỗi công nhân có thể đảm đương 2, 3 máy một lúc. Thời gian cho ra thành phẩm nhanh hơn, góp phần tăng năng suất lao động. Nếu mua công nghệ này từ nước ngoài, công ty sẽ tốn 120 triệu đồng/máy.
Ở Ban Cơ điện nói riêng, Công ty Cao su Thống Nhất nói chung, kỹ sư Nguyễn Vũ Đạt là cá nhân tiên phong trong việc chủ động ứng dụng công nghệ cao vào dây chuyền sản xuất.
Không ngừng học hỏi
Bên cạnh sáng tạo công nghệ, tập thể còn đánh giá cao đối với nhiều thiết bị hỗ trợ công nhân do anh Đạt sáng chế. Tại xưởng, một số máy cho ra thành phẩm nhưng không có dụng cụ hỗ trợ đưa sản phẩm từ máy ra ngoài.
Công nhân thường dùng tay kéo, lôi sản phẩm ra, rất bất tiện và mất sức. Tìm giải pháp khắc phục, anh Đạt và đồng nghiệp tự đo vẽ, thiết kế những dụng cụ hỗ trợ lấy thành phẩm từ máy.
Nhờ thế, công nhân có dụng cụ để lấy sản phẩm ra khỏi khuôn, máy một cách nhẹ nhàng. “Là bộ phận gần gũi công nhân, chúng tôi hiểu những sáng kiến, cải tiến công nghệ, dụng cụ dù rất nhỏ nhưng tiện dụng, giúp anh em tiết kiệm sức lực mới là những thành quả có ý nghĩa nhất”, anh Đạt bộc bạch.
Anh cho biết cùng với những dây chuyền sản xuất truyền thống, công ty đã và đang ứng dụng nhiều dây chuyền công nghệ cao từ Nhật Bản, châu Âu.
Đây là cơ hội để anh Đạt và đồng nghiệp nâng cao tay nghề, mở mang kiến thức; lại cũng là thách thức với mục tiêu bắt kịp, thậm chí vượt qua công nghệ tiên tiến.
Chính vì thế, cá nhân anh cũng như tập thể người lao động luôn cố gắng trau dồi ngoại ngữ nhằm đọc, hiểu tài liệu nước ngoài; từ đó sáng tạo, nâng cấp thêm nhiều ứng dụng, máy móc.