Nhà máy thủy điện gây sạt lở, người dân gặp khó

Đi vào hoạt động đến nay gần 6 năm, Nhà máy thủy điện Tiên Thuận (Công ty CP Tiên Thuận) liên tiếp tạo lũ gây sạt lở, cuốn trôi nhiều diện tích đất sản xuất của người dân xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn, Bình Định). Dù đã ký cam kết bồi thường thiệt hại nhưng công ty này vẫn cố tình “dây dưa” khiến người dân vô cùng bức xúc, nhiều lần bao vây nhà máy yêu cầu bồi thường.
Nhà máy thủy điện Tiên Thuận vận hành gây sạt lở nặng nề vùng hạ du
Nhà máy thủy điện Tiên Thuận vận hành gây sạt lở nặng nề vùng hạ du

Hứa rồi để đó

Người dân ở thôn Hòa Thuận (xã Tây Thuận) phản ánh đến PV Báo SGGP, khi đi vào hoạt động năm 2014, Nhà máy thủy điện Tiên Thuận đã mở một cửa thoát lũ qua vùng ruộng Soi Xum, nơi canh tác hoa màu của người dân. Từ đó đến nay, cứ mỗi lần thủy điện vận hành xả nước để phát điện là ruộng đất bị sạt lở, hư hại, nhất là vào mùa mưa lũ. 

Người dân đưa chúng tôi ra cánh đồng Soi Xum để ghi nhận tình trạng sạt lở ruộng đất do thủy điện Tiên Thuận gây ra. Đứng giữa vùng ruộng bị sạt lở thành sông, bà Bùi Thị Hòa (59 tuổi), bức xúc: “Giờ ruộng của tôi không còn một mét nào, tất cả đều bị cuốn trôi hết rồi. Nhiều năm qua, chúng tôi gửi đơn khiếu kiện nhiều nơi nhưng vẫn không được quan tâm, giải quyết. Hiện tại, sạt lở đang tấn công sang những cánh đồng khác khiến chúng tôi rất lo lắng”. 

Tương tự, ông Nguyễn Văn Tây (51 tuổi), cho biết: “Đồng Soi Xum vốn là nơi đất đai màu mỡ, bao đời nay dân làng ở thôn Hòa Thuận canh tác, trồng nhiều cây màu rất hiệu quả. Tuy nhiên, từ khi có thủy điện Tiên Thuận thì lũ cuốn trôi hết ruộng đất. Bất kể mùa nắng hay mùa mưa, cứ khi nào thủy điện xả nước là đất đai, ruộng đồng của dân lại bị cuốn trôi”.

Theo ông Văn Tây, đến năm 2017, do tình trạng sạt lở quá nghiêm trọng nên người dân lo lắng, kiến nghị nhiều nơi. Mãi đến cuối năm 2018 sang đầu năm 2019, UBND xã Tây Thuận mới mời được lãnh đạo Công ty CP Tiên Thuận (đại diện chủ đầu tư, khai thác Nhà máy thủy điện Tiên Thuận) đến để thỏa thuận, đo đạc, bồi thường đất đai sạt lở cho dân. Tuy nhiên, từ đó đến nay, doanh nghiệp này vẫn chưa chi trả tiền nên người dân bức xúc.

Đỉnh điểm, sáng 28-8, khi nghe thủy điện hú còi báo xả nước vận hành, nhiều hộ dân đã tụ tập, kéo đến bao vây nhà máy thủy điện yêu cầu bồi thường hoặc dừng hoạt động, cấm xả nước. Ngoài ra, các hộ dân còn đề nghị công ty thủy điện phải xây kè kiên cố để bảo vệ ruộng đất và nhà cửa của người dân. 

Khất nợ vì khó khăn

Sau khi ghi nhận phản ánh của người dân, PV Báo SGGP đã liên hệ lãnh đạo UBND huyện Tây Sơn, lãnh đạo Sở Công thương, Sở TN-MT tỉnh Bình Định để tìm hiểu vấn đề. Sở TN-MT tỉnh Bình Định cho biết, đã có văn bản báo cáo sự việc lên UBND tỉnh để buộc doanh nghiệp phải bồi thường theo đúng cam kết với người dân.

Chủ tịch UBND xã Tây Thuận Nguyễn Văn Chín cho biết, tình hình ở thủy điện Tiên Thuận đang rất phức tạp và gây nhiều khó khăn cho địa phương. Trước đó, phía Công ty CP Tiên Thuận cũng đã cam kết bồi thường cho người dân mất đất sản xuất khoảng 234 triệu đồng. Tuy nhiên, công ty này không chịu chi trả. Hiện UBND xã Tây Thuận đã báo cáo sự việc lên UBND huyện Tây Sơn để xin ý kiến chỉ đạo. “Do tình hình phức tạp nên tôi đã yêu cầu giám đốc Công ty CP Tiên Thuận cần sớm chi trả tiền đền bù cho dân. Qua điện thoại, ông này hứa đến khoảng tháng 11 hoặc 12-2020 sẽ chi trả”, ông Chín cho biết.

Trao đổi với PV Báo SGGP qua điện thoại, Giám đốc Công ty CP Tiên Thuận Phạm Đức Quân cho biết, do 2 năm qua, Nhà máy thủy điện Tiên Thuận phải dừng hoạt động nên không có tiền. “Vài tháng tới, khi có doanh thu, đơn vị sẽ cùng địa phương chi trả cho người dân theo đúng cam kết”, ông Quân hứa. 

Ngày 14-9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu cho biết, UBND tỉnh đã nhận được thông tin về sự việc tại Nhà máy thủy điện Tiên Thuận và đã giao cho UBND huyện Tây Sơn chủ trì làm việc lại với Công ty CP Tiên Thuận cùng người dân để yêu cầu thủy điện bồi thường theo đúng cam kết. Nếu Công ty CP Tiên Thuận tiếp tục trì hoãn, không chịu đền bù đất đai sạt lở cho người dân thì UBND tỉnh Bình Định sẽ buộc thủy điện này dừng phát điện.

Nhà máy thủy điện Tiên Thuận khởi công xây dựng từ cuối năm 2009, đến năm 2014 mới đưa vào vận hành 2 tổ máy phát điện, công suất lắp máy trên 10MW, với tổng mức đầu tư 234 tỷ đồng. Công trình vận hành cung cấp sản lượng điện trung bình 40 triệu KWh và cung cấp nước tưới cho khoảng 1.000ha đất sản xuất nông nghiệp ở Tây Thuận.

Tin cùng chuyên mục