Nhà phao là kinh nghiệm “sống chung với lũ” của người Tân Hóa, Quảng Bình

Lũ lớn tại xã Tân Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) đã vượt mức lũ năm 2016. PV Báo SGGP đã xuyên mưa lũ vào với người dân nơi đây, lũ rất lớn, nước tiếp tục dâng cao sát nóc nhà nhưng người dân vẫn an toàn vì áp dụng "4 tại chỗ" một cách nhuần nhuyễn.
Lũ lớn vượt đỉnh năm 2016 ở Tân Hóa.
Lũ lớn vượt đỉnh năm 2016 ở Tân Hóa.

Khác với nhiều năm trước, cứ đến mùa lũ, người dân xã Tân Hóa phải lên núi dựng lều, căng bạt chạy lũ, tài sản xe máy, tivi, tủ lạnh, heo gà, trâu bò vận chuyển không kịp đều bị cuốn theo dòng nước bạc. Tuy nhiên sau trận lũ lịch sử 2010, người dân xã Tân Hóa đã có sáng kiến làm nhà phao, xung quanh làm vách bằng tôn, bên dưới sàn dùng nhiều can nhựa loại lớn kết lại, đến mùa mưa, vận chuyển lương thực, xe máy, tivi, tủ lạnh, đồ điện gia dụng vào nhà phao, lũ lên mức nào nhà phao lên mức đó.

Nhà phao là kinh nghiệm “sống chung với lũ” của người Tân Hóa, Quảng Bình ảnh 1 Nhà phao giúp tài sản và tính mạng người dân

Trong mưa lũ trắng trời, Bí thư Huyện ủy Minh Hóa Đoàn Ngọc Lâm đi thị sát tình hình ở Tân Hóa nói: “Nhà phao là kinh nghiệm của người dân Tân Hóa, một kinh nghiệm để sống chung với lũ. Đây là một sự chuẩn bị rất tốt mà nhiều vùng khác của Minh Hóa cần học hỏi để ứng phó với thiên tai mưa lũ ngày càng khắc nghiệt”.

Ông Ngô Thanh Đá, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa cho biết: “Nhà phao là cứu cánh của người dân chúng tôi, cứu cả mạng người, cả tài sản. Nước lên tài sản lên, sau lũ, làng xã bắt đầu sản xuất, chứ di dời thì không biết sống ở chỗ mô, vì ở đâu cũng núi đá, không có đất canh tác”.

Nhà phao là kinh nghiệm “sống chung với lũ” của người Tân Hóa, Quảng Bình ảnh 2 Biển nước ở Tân Hóa

Ông Đinh Minh Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa, có mặt trong chuyến cứu trợ đồng bào xã Tân Hóa cho biết: “Bà con Tân Hóa được vay vốn ưu đãi chống bão lũ thiên tai mỗi hộ 30 triệu đồng làm nhà phao. Toàn xã tân Hóa có gần 700 hộ, hiện đã làm được hơn 400 nhà phao, trong đó được tài trợ từ các tổ chức, đơn vị cá nhân khoảng 150 cái nên bà con chủ động ứng phó được với mưa lũ”.

Năm 2016 toàn tỉnh Quảng Bình trải qua trận lũ lịch sử và Tân Hóa cũng nằm trong tâm của trận lũ đó. Năm nay, theo ông Đinh Văn Thông ở thôn 2 Tân Hóa cho biết: “Mưa từ tối 1-9 đến ngày 5-9 không ngớt, vượt mốc lũ năm 2016, nếu mưa tiếp tục thì sợ nhà phao khó cố định, bị trôi”.

Nhà phao là kinh nghiệm “sống chung với lũ” của người Tân Hóa, Quảng Bình ảnh 3 Toàn bộ nhà dân ở Tân Hóa bị ngập trong lũ

Trước hiểm họa của lũ, huyện Minh Hóa đã đề nghị Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình viện trợ khẩn cấp một đội cứu hộ cứu nạn chuyện nghiệp. Từ sáng sớm 5-9 đã có 25 cán bộ chiến sĩ hành quân cùng xuồng máy lên Tân Hóa giúp dân. Cùng đó, ca nô của huyện đã vào thôn Cổ Liêm xã Tân Hóa để di dời khẩn cấp 6 hộ dân với gần 20 khẩu đến nơi an toàn.

Nhà phao là kinh nghiệm “sống chung với lũ” của người Tân Hóa, Quảng Bình ảnh 4 Hệ thống nhà phao màu xanh trong mưa.

Bà Cao Thị Loan ở thôn Rí Rị cho hay: “Lũ vượt mức năm 2016 rồi, nếu cứ tiếp tục sẽ thiếu nước và lương thực. Mọi năm lũ lụt vài ngày là hết, nhưng năm nay vừa lớn, vừa kéo dài”.

 Theo ông Đinh Quý Nhân, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Bình, ngày 5-9 trên toàn tỉnh Quảng Bình có 239 trường học các cấp với khoảng 90.000 học sinh không thể tổ chức khai giảng do mưa lũ, hầu hết các trường đều nằm tại địa bàn hai huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa.
Sáng 6-9, mưa đã ngớt, lũ đang rút chậm.

Tin cùng chuyên mục