Nhà thơ Doãn Linh: Hạt phù sa chờ ngày lắng đọng

Năm 1969, nhà thơ Doãn Linh (tên thật Hà Doãn Linh) sang Đài Loan du học và bắt đầu chuỗi ngày tha hương. Năm 2007, bà được Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Đại học Đạm Giang (Đài Loan) mời giảng dạy môn Văn hóa và Ngôn ngữ Việt Nam cho đến nay. 

Doãn Linh bắt đầu sáng tác thơ từ năm 16 tuổi, là tác giả của nhiều tập thơ như: Cánh chim câu trắng lướt qua, Ngựa gỗ đu quay (thơ thiếu nhi)… Mới đây, nhân dịp nhà thơ trở về Việt Nam và ra mắt tập thơ Khi đêm nở rộ như hoa (Domino Books và NXB Văn học), PV Báo SGGP đã có cuộc trò chuyện với bà. 

Nhà thơ Doãn Linh: Hạt phù sa chờ ngày lắng đọng ảnh 1 Nhà thơ Doãn Linh tại buổi ra mắt tập thơ Khi đêm nở rộ như hoa 

° PHÓNG VIÊN: Bà là một nhà thơ nổi tiếng ở Đài Loan, nhưng tên tuổi của bà tại Việt Nam vẫn còn xa lạ. Cảm xúc của bà khi ra mắt tập thơ trên quê hương mình?

° Nhà thơ DOÃN LINH: Đây là lần đầu tiên tôi có cơ hội ra mắt tập thơ tại Việt Nam. Năm 1994, tôi có chuyến trở về Việt Nam đầu tiên, sau đó mỗi năm tôi về một, hai lần. Tôi mong muốn được giới thiệu thơ của mình đến độc giả Việt Nam nhưng chưa có cơ hội. Vướng mắc lớn nhất là phần dịch thuật, vì tôi thường di chuyển nhiều nơi, không có thời gian. Năm ngoái, dịch giả Trúc Ty tiến hành dịch tác phẩm của tôi. Tôi thực sự xúc động, vì mình có ý định từ rất lâu mà chưa làm được, bây giờ có bạn giúp. Tập thơ Khi đêm nở rộ như hoa là kết quả của mối tương giao giữa những người bạn. Tôi đang nghĩ, không biết độc giả trong nước có đồng cảm và chia sẻ với những điều mà mình biểu đạt qua tập thơ này hay không. 

° Cảm nhận đầu tiên khi đọc xong tập thơ, đó là sự ưa dịch chuyển và nặng trĩu tâm trạng… 

° Tôi có sở thích lang thang qua nước này nước kia, tôi đã đi nhiều nơi, trú ngụ nhiều chỗ, nhưng không có nơi nào cho tôi cảm giác là nhà, không có chỗ nào cho mình cảm giác yên tâm mà ở lại. Những điều này tôi thường biểu đạt trong thơ. 

Tôi sinh ra ở Mỹ Tho, mỗi lần về Việt Nam, tôi đều về thăm quê, nhưng gia đình tôi không còn ai ở đó. Tôi đến thăm nhà cũ, nhìn ngắm lại ngôi nhà từng là của mình một chút rồi lại đi. Tâm trạng tôi như một câu thơ của Lý Bạch: “Đê đầu tư cố hương” (cúi đầu nhớ cố hương). Dù sống và sinh con ở Đài Loan, đi học tại Pháp, nhưng quê hương tôi không ở những nơi đó. Nhiều lúc, tôi thấy mình giống như hạt phù sa, cứ trôi miên mải ngày này qua ngày khác. Hy vọng với tập thơ vừa ra mắt sẽ giúp tâm trạng tôi phần nào ổn định, hạt phù sa sẽ lắng xuống, tìm được bến đỗ cho mình. 

° Với bà, ngôn ngữ đơn thuần là phương tiện biểu đạt suy nghĩ, cảm xúc của mình, hay có điều gì khác?

° Đối với tôi, ngôn ngữ hoặc văn bản không chỉ là phương tiện biểu đạt suy nghĩ, cảm xúc; đặc biệt, đối với những người tha hương, thường dịch chuyển thì ngôn ngữ và văn bản còn là một phương thuốc rất hay để tìm thấy ánh sáng trong những thời khắc cô đơn, đa sầu. Hoặc nói ra, hoặc dùng bút ghi lại, không phải chỉ vì sáng tác thôi, mà là cho chính mình, hay người nào đó đang ở bên cạnh mình, một người nào đang ở phía đường bên kia, đang ở trên xe lửa mới vừa chạy qua, mắt của mình vừa tiếp xúc với cái nhìn của ai đó… Trong những giây phút đó, tôi đã từng dùng tiếng Việt, tiếng Hoa, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Ả Rập, Đức, Italy, Tây Ban Nha… để ghi chép lại tâm hồn hoặc tâm tình của mình.

° Sáng tác bằng tiếng Hoa, bà có cảm nhận sự khác biệt nào không?

° Ông ngoại tôi là người Hẹ, bà ngoại là người Việt, nên từ nhỏ tôi bắt đầu đọc những tập thơ và tiểu thuyết, tản văn của rất nhiều tác giả nổi tiếng Trung Quốc những năm 1930. Từ những năm 7, 8 tuổi, tôi đọc hết những sách tìm được trong thư viện của trường và những cuốn sách, báo xuất bản ở Hồng Công do ba tôi đặt để đọc trong nhà. Chuyển sang sáng tác bằng tiếng Hoa nhiều hơn là một quá trình tự nhiên, hoàn toàn không có lý do nào cả. 

° Là nhà thơ nữ hiếm hoi ở Đài Loan viết về chiến tranh nói chung và chiến tranh Việt Nam nói riêng, bà nghĩ gì về đề tài này?

° Ở Đài Loan, có lẽ tôi là nhà thơ nữ duy nhất viết về chiến tranh (nhà thơ nam thì có nhưng nữ thì không). Sở dĩ, tôi ngưng viết 10 năm vì mỗi lần nghĩ lại quá khứ, những nơi đã đi qua, tôi không thể cầm bút mà viết được. Những lúc đó, tôi thường rơi nước mắt vì xúc động. Tôi từng viết, thế kỷ 20 chiến tranh nhiều quá, chiến tranh thế giới thứ nhất, thứ hai, rồi chiến tranh Việt Nam, Liban…

Tôi viết nhiều thơ về chiến tranh vì tôi thấy sao nhân loại không có kinh nghiệm, bài học gì cả. Trong khi chiến tranh đã xảy ra rất nhiều nơi, sao chúng ta không nhớ những đau khổ, tang thương đó mà cứ lặp đi lặp lại, đến nay vẫn còn chiến tranh. Thời gian sau này, tôi viết về ẩm thực, về văn hóa nhiều hơn, vì tôi thường lang thang nơi này nơi nọ, được ăn món gì mà trước đó mình chưa biết thì mình sẽ có trải nghiệm, cảm hứng và lúc đó tôi làm thơ. 

° Thời gian tới, bà có dự định dịch toàn bộ sáng tác của mình ra tiếng Việt? 

° Hy vọng trong tương lai, tôi có thể dịch những bài thơ hay của mình ra tiếng Việt và tiếng Pháp. Tất nhiên, đó phải là những bài thơ đáng dịch chứ không phải toàn bộ, vì đôi khi cũng có những bài thơ mà mình không thích lắm!

Tin cùng chuyên mục