Nhà văn Lê Văn Nghĩa: Cái gì cũng cần phải nhìn hai mặt

Mới ra mắt, cuốn sách Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ của nhà văn Lê Văn Nghĩa  được Fahasa chọn làm tác phẩm tiêu điểm để quảng bá rộng rãi trong tháng 3 tại các nhà sách của đơn vị. 

Đặc biệt, theo thông tin mới nhất từ NXB Trẻ, cuốn sách này sẽ được tái bản trong thời gian tới cùng với Mùa hè năm Petrus, Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian. Phóng viên Báo SGGP có cuộc trò chuyện với nhà văn Lê Văn Nghĩa.

Nhà văn Lê Văn Nghĩa: Cái gì cũng cần phải nhìn hai mặt ảnh 1 Nhà văn Lê Văn Nghĩa
PHÓNG VIÊN: Nhắc đến Lê Văn Nghĩa, độc giả nghĩ ngay đến thương hiệu của những tác phẩm trào phúng hay một số truyện dài thiên về hư cấu có cái tên dài miên man. Thời gian gần đây, ông chuyển sang viết tạp bút có tính tư liệu, biên khảo. Có lý do nào không, thưa ông? 

Nhà văn LÊ VĂN NGHĨA: Thực ra cũng không phải chuyển hướng gì. Trong thời gian viết những cuốn sách sau này, tôi vẫn viết truyện trào phúng. Giống như truyện trào phúng hay truyện dài, tạp bút cũng nằm trong quá trình sáng tạo của tôi. Nhưng có một điều, khi viết tạp bút thì thời gian viết truyện trào phúng ít đi, và sự quan tâm dành cho truyện trào phúng cũng không nhiều. Thực tế là tôi cũng có xen vào một, hai tập truyện trào phúng nhưng sức hút của nó đối với thị trường sách không lớn. Dó đó, nó cũng không tạo được dấu ấn nhiều. Tôi cảm giác bạn đọc bây giờ họ đang thích đọc những quyển sách về thành phố này. 

Chứng tỏ nhà văn Lê Văn Nghĩa cũng là người rất thức thời, có phải không? 

Nhà văn LÊ VĂN NGHĨA: Khi viết, tôi không suy nghĩ gì về điều này, cũng không nghĩ nó thức thời gì cả. Quyển đầu tiên của tôi là Mùa hè năm Petrus, viết về ngôi trường Lê Hồng Phong trước năm 1975. Khi viết phải đề cập đến những mảng của Sài Gòn xưa. Đến lúc cuốn đó ra mắt, bỗng dưng tôi thấy bạn đọc quan tâm và hỏi nhiều về Sài Gòn xưa. Từ đó, tôi nghĩ như vầy: Có nhiều người muốn biết về một số bối cảnh Sài Gòn xưa, nhất là trên phương diện ngôn ngữ, rồi bối cảnh lịch sử. Tôi không phải nhà nghiên cứu để viết khảo cứu hay những công trình mang tính chuyên môn mà chỉ viết về khía cạnh con người, khía cạnh văn hóa. 

Sau cuốn sách Mùa hè năm Petrus, tôi bắt đầu quan tâm đến những điều đó. Về mặt khảo cổ, lịch sử xây dựng, lịch sử, kiến trúc… thì có nhiều tác giả, nhiều nhà nghiên cứu lớn đã viết. Tôi sinh ra và lớn lên ở đây nên có nhiều ký ức trên phương diện sinh hoạt, văn hóa, những bối cảnh xung quanh như lịch sử văn hóa nghệ thuật của thành phố. Từ đó, tôi đọc sách, trong quá trình đọc sách, thấy có điều gì mà mình cảm giác có thể chia sẻ được thì mình chia sẻ. Đặc biệt, trước đây tôi có giữ chuyên mục chuyên viết về những ký ức Sài Gòn xưa cho một tờ báo. Khi giữ mục như vậy, tôi phải quan tâm đến những vấn đề cũ ở Sài Gòn, đa số là về phương diện sinh hoạt, con người, phong tục, tập quán, những quan hệ đối xử với nhau trên phương diện văn hóa. Hàng tuần, tôi phải viết để có bài “trả nợ” nên nó đặt ra áp lực là phải làm việc liên tục; hết đọc sách, tìm hiểu, lại viết. Sau này có thêm nhiều báo đặt bài, rồi tôi trở thành người chuyên viết về ký ức Sài Gòn. Tất cả tạp bút tôi viết đều trải ký ức của mình lên đó, giống như mình chia sẻ một phần cuộc sống trước đây với bạn đọc. 

Cùng với Sài Gòn dòng sông tuổi thơ và Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian, khi Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ ra mắt, đã hợp thành bộ ba “ký ức Sài Gòn”. Điều này có nằm trong kế hoạch của ông? 

Nhà văn LÊ VĂN NGHĨA: Thực sự nó không nằm trong kế hoạch nào cả, và thậm chí bây giờ tôi có ra mắt cuốn thứ tư nữa hay không cũng không biết. Có thể có mà cũng có thể không. Bởi vì hiện tại, nếu phát hiện ra điều gì hay về Sài Gòn xưa nữa, tôi sẽ viết bài; viết rồi để đó, đến chừng nhiều lên, đủ để ra một cuốn sách thì tôi sẽ in. Còn nếu không thì thôi. Thành thử, tôi chưa bao giờ có kế hoạch phải in cuốn này cuốn kia. Chỉ là tôi vẫn viết thường xuyên, đến lúc bản thảo đầy đặn, thấy đủ để in thì in. 

Thường mọi người có tâm lý chung, khi nhìn về quá khứ, dẫu quá khứ đó có lầm lụi đi chăng nữa thì vẫn luôn đẹp. Khi viết về Sài Gòn xưa, ông có mang tâm lý đó hay không?

Nhà văn LÊ VĂN NGHĨA: Thực ra phải phân biệt như thế này, cái đẹp trong ký ức của mọi người về cuộc sống xưa, khung cảnh xưa vẫn luôn luôn đẹp. Nhưng khi viết về những ký ức này, có những ký ức nào thuộc dạng đẹp thì mình vẫn viết là nó đẹp, có sao đâu. Thực tế, khi viết về cuộc sống Sài Gòn xưa không phải tất cả đều đẹp, nó cũng có mặt này mặt kia. Nói chung, xã hội nào cũng có mặt này mặt kia, mình phải nhìn một cách công tâm như vậy. Chẳng hạn, tôi viết về chiếc tivi ngày xưa, trong ký ức của mình lúc còn nhỏ mê tít, mình thấy nó đẹp, nhưng thực tế tivi ngày xưa đâu bằng được tivi bây giờ. Ngày xưa Sài Gòn cũng có chuyện kẹt xe, chạy ẩu, chuyện ăn nhậu, bia ôm… giống như bây giờ vậy thôi! 

Có nhiều người khi viết hoặc nói về Sài Gòn xưa, luôn cho rằng Sài Gòn hồi đó đẹp thế này thế kia. Còn với ông, ông nhìn nhận “Sài Gòn hồi đó cũng lắm điều hay và không ít những cái dở”...?

Nhà văn LÊ VĂN NGHĨA: Tôi không có gì phải cố gắng, bởi vì mình phải đứng trên phương diện của một nhà báo, phải có cái nhìn thực sự công tâm. Rõ ràng, Sài Gòn xưa cũng có những cái hay nhưng xã hội nào cũng có hai mặt. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận, về mặt bảo vệ cảnh quan, do tốc độ xây dựng hồi đó không phát triển mạnh nên cảnh quan còn nhiều. Còn bây giờ, một số người đã lợi dụng cơ chế của mình để phá nát cảnh quan, làm mất đi nhiều di tích lịch sử, khiến người ta bức xúc. Tuy nhiên, chúng ta cần có sự bình tĩnh, và công tâm; nhìn thấy cái gì bây giờ cũng xấu, còn ngày xưa tốt là không đúng. Cái gì thuộc về ký ức của mình thì mình cứ giữ, những gì liên quan đến một vấn đề xã hội cụ thể, cần phải nhìn hai mặt, công tâm, bình tĩnh và cần có sự đánh giá khách quan.

Tin cùng chuyên mục